Khoảng 15 năm trước, tôi đi Phú Quốc (Kiên Giang). Đó là chuyến đi nhớ đời. Cả đêm đi xe khách từ TP HCM đến Rạch Giá rồi thêm hơn 3 giờ ngồi tàu khiến một đứa say xe hạng nặng như tôi nhừ tử, mất gần cả ngày mới tỉnh để du ngoạn đảo ngọc.
Cõi hồng hoang
Khi đó Phú Quốc còn hoang sơ lắm, thị trấn Dương Đông còn yên ả, con đường chạy dọc bãi Trường chưa có đèn đường và các bãi tắm còn trống trải với dải cát vàng óng ả dưới những tán dừa vi vút gió. Nhóm chúng tôi thuê xe máy chạy từ Bắc đảo qua Nam đảo, xuyên khu rừng nguyên sinh mát rượi, dọc theo bãi Dài tịnh không một bóng người rồi về bãi Sao ngâm mình trong làn nước trong vắt, ghé làng chài Hàm Ninh ngắm hoàng hô, ăn ghẹ với giá cực rẻ, chỉ khoảng 80.000 đồng/kg, tươi rói, chắc nịch. Khi đó, gọi Phú Quốc là thiên đường có lẽ chưa chính xác lắm mà phải gọi là cõi hồng hoang, nó hoang sơ và đẹp đến mức tôi ngỡ mình đang đi dạo trong một giấc mơ.
Và giấc mơ đó suốt nhiều năm trời chỉ là giấc mơ bởi tôi không vượt qua được nỗi ám ảnh của chuyến xe đường dài, những chuyến tàu sóng gió và chứng say xe nặng.
Năm 2012, các hãng hàng không giá rẻ mở chuyến đến Phú Quốc nhưng vì bận rộn công việc cũng như cuốn theo những chuyến du lịch nước ngoài, mãi đến gần đây tôi mới có dịp tìm lại giấc mơ. Và giấc mơ ngày nào đã mãi là dĩ vãng, Phú Quốc giờ đây thay đổi đến chẳng nhận ra.
Tốc độ đô thị hóa quá nhanh biến đảo ngọc như một đại công trường. Bãi Trường thoáng đãng ngày nào giờ đã bị che kín; bãi Dài cũng thế. Dường như chỉ có Hàm Ninh là vẫn vậy, vẫn hoàng hôn nhuộm vàng trên cầu cảng, vẫn những ngư dân chân chất bán những con ghẹ mới đánh bắt lên để du khách có thể luộc ăn tại chỗ.
Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc có tầm nhìn ra biển mênh mông
Một ngày thanh lọc tâm hồn
Được tiếp tân khách sạn giới thiệu, lần này đến Phú Quốc, tôi thăm 2 điểm mới là cáp treo Hòn Thơm và Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc. Trong ký ức tôi, đảo ngọc hoang sơ và trong trẻo còn ở hiện tại, qua bàn tay con người, Phú Quốc trù phú và hiện đại nhưng may mắn vẫn còn giữ được những tinh túy mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này là biển.
Làng chài nhỏ bé yên bình bên dưới cáp treo ra Hòn Thơm
Ngồi trên cáp treo vượt biển dài nhất thế giới để ra Hòn Thơm, tôi như lịm cả người khi thấy toàn bộ vùng đảo xinh đẹp hiện ra chầm chậm trong tầm mắt. Cáp đi qua 2 hòn đảo nhỏ rợp mát cây xanh. Ở vài nơi, biển ăn vào hình cánh cung với dải cát trắng mịn như lụa; bên ngoài là những chiếc thuyền nhỏ đang neo đậu, xinh xẻo như những món đồ chơi. Thi thoảng có vài chiếc ca-nô tăng tốc, vẽ 2 dải sóng trắng xóa trên cái nền xanh ngọc của biển.
Cáp treo đi chậm, đôi khi như dừng hẳn lại để du khách ngắm cảnh hoặc tăng tốc ở những đoạn dây văng võng xuống khiến ai nấy hò reo phấn khích. Cabin của cáp treo có chừa một khoảng trống khá lớn để đón gió, cái gió mát lành của biển khiến người ta tưởng như mình đang bay lượn tự do, thỏa thuê ngắm nhìn vùng biển phương Nam hiền hòa lặng sóng soi bóng bầu trời xanh ngắt.
Mất khoảng 20 phút đi cáp treo là đến Hòn Thơm - hòn ngọc của Phú Quốc. Ở đây, du khách sẽ được xe điện chở qua bãi Trào để tắm biển hoặc tham quan các công trình giải trí ở đây như hồ cá Koi, sân khấu trung tâm…
Ngoài bãi Trào, hòn Thơm còn có 3 bãi tắm khác. Biển xanh lam, cát trắng mịn cùng những hàng dừa đu đưa trong gió, Hòn Thơm thật chẳng khác thiên đường hạ giới, thích hợp không chỉ cho trẻ em vui chơi, giải trí mà cho cả những ai muốn tìm nơi vắng vẻ để thư giãn với biển, nắng và gió.
Sau một ngày mệt nhoài với biển, tôi ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Hộ Quốc nằm ở cuối con đường quanh co theo triền núi của xã Dương Tơ. Lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, đây có thể nói là nơi đẹp và thanh tịnh nhất Phú Quốc.
Hoàng hôn buông, nắng khuất dần sau đồi, ngồi trên bậc tam cấp trước chánh điện, nhìn màu biển tối dần theo chiều xuống, bỗng nghe hồn lắng lại. Và những ưu tư, phiền não còn sót đâu đó sau một ngày rong chơi cũng đã cuốn theo tiếng chuông chùa khoan nhặt, hòa cùng mùi hương trầm thoang thoảng ra khơi...
Phải thử bún quậy, bánh canh
Phú Quốc nổi tiếng với hải sản tươi ngon và món gỏi cá mai đã trở thành đặc sản. Tuy nhiên, để hiểu thêm về cuộc sống bản địa, bạn nên dành thời gian ra chợ hoặc lê la ăn hàng. Bánh canh Phú Quốc quen mà lạ được làm bằng bột gạo, cọng dẹp, nấu với cá thu là ngon nhất. Nhiều quán bình dân hơn thì nấu với chả cá, giò heo cũng cho vị khác hẳn đất liền.
Nổi tiếng hơn là món bún quậy. Với phần nhân là chả tôm, chả cá thu, cả cá trích và mực, tô bún quậy không chỉ ngọt lịm vị biển mà còn rất khác lạ bởi cọng bún được làm tại chỗ còn nóng hổi và chén nước chấm sền sệt mà khách phải tự tay vào quầy pha chế.
Bình luận (0)