xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bến Bình Đông xưa và nay

(DNSGCT)

TPHCM trong những năm gần đây đã bước vào đà phát triển một cách nhanh chóng. Thành phố thay đổi, những giá trị mới xuất hiện, sức ép phát triển ngày càng cao tạo nên một cái nhìn mới, một quyết tâm mới hướng về tương lai. Trong bối cảnh đó, hoạt động xây dựng mạnh mẽ khiến cho những công trình kiến trúc và những nét văn hóa gắn liền với đô thị cổ trực tiếp bị đe dọa.

Tổng thể Bến Bình Đông xưa hay cụ thể hơn là khu nhà cổ và kho gạo trên đường Trần Văn Kiểu, dọc theo kênh Tàu Hũ hiện đang một trong giai đoạn giải tỏa một bằng cuối cùng trước khi được bàn giao cho dự án đại lộ Đông - Tây là một trong những ví dụ rõ ràng nhất.

Tìm về Bến Bình Đông xưa

Bến Bình Đông xưa (khu vực Trần Văn Kiểu thuộc Q.6 và Bến Bình Đông thuộc Q.8 ngày nay) là một bộ phận quan trọng của Chợ Lớn đã được hình thành ngay từ khi người Hoa từ Cù lao Phố (Biên Hòa) vào đây vào năm 1778 trước sự truy sát của quân khởi nghĩa Tây Sơn. Xưa kia, đây là một trung tâm quan trọng của vựa lúa miền Nam bởi có sự kết hợp liên hoàn giữa hệ thống các điểm xay lúa, chành, kho gạo và bến bãi dọc theo hai bờ kênh Tàu Hũ. Con kênh này vốn là rạch Chợ Lớn bị cạn, hẹp lại nên vào năm 1819 vua Gia Long hạ lệnh cho đào thành kênh và đặt tên là An Thông Hà. Với sự thuận lợi về đường thủy, có thể tránh được nguy hiểm và tiết kiệm chi phí chuyên chở, phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp và phương tiện vận chuyển của các tỉnh miền Tây cộng với khả năng thu mua và giao thương năng động của người Hoa, nơi đây đã từng chứng kiến những giai đoạn thịnh vượng nhất của việc mua bán và xuất khẩu lúa gạo trong suốt lịch sử 300 năm phát triển Sài Gòn - Chợ Lớn.

Bên cạnh vai trò kinh tế quan trọng của mình, Bến Bình Đông còn mang đậm nét kiến trúc đặc thù của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam, đồng thời mang dấu ấn của hoạt động kinh tế cũng như sự giao thoa văn hóa Đông- Tây. Theo lời kể của nhà văn Sơn Nam, khu vực nhà ở được xây dựng chủ yếu từ đoạn cầu Chà Và trở xuống đến gần đình Bình An ngày nay, và từ đó trở xuống là dãy nhà kho gạo, bên kia bờ kênh là khu nhà máy. Khu vực này do người Hoa làm chủ nhưng việc xây dựng lại được thực hiện bởi các nhà thầu Singapore. Kiến trúc thường được xây theo dạng nhà phố với bề ngang hẹp, nhằm tăng số lượng nhà mặt tiền và nhờ đó mau chóng thu hồi vốn đầu tư xây dựng. Tầng trệt là cơ sở kinh doanh, chành, tầng trên là nhà ở. Tuy nhiên, trang trí lại mang ảnh hưởng phương Tây với các cây cột được xây bằng gạch, lan can bằng sắt, gờ chỉ làm bằng thạch cao hoặc vôi. Kiến trúc là một tổng thể kết hợp đường nét Đông- Tây.

Nếu chỉ nhắc đến giá trị lịch sử kinh tế và kiến trúc mà không nhắc đến giá trị văn hóa “trên bến, dưới thuyền” đặc trưng của khu vực này thì quả là điều thiếu sót. Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, nhà văn Sơn Nam đã miêu tả: "Dòng sông sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm, theo hai con nước lên, nước ròng thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả thật là tiện lợi". Cũng theo ông, đây không chỉ đơn thuần là cảnh mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi cho ra đời và phát triển các kiểu hò đối đáp trên sông và cải lương. Ghe thuyền không chỉ là phương tiện di chuyển, chuyên chở mà còn là nhà ở, là nơi sinh sống của người dân. Cuộc sống trên sông, ghe thuyền là nhà, bến bãi là nơi mua bán, những đặc tính này đã tạo nên cả một nét văn hóa đặc trưng của người miền Nam và Tây Nam Bộ chứ không chỉ là một cảnh quan trên bến, dưới thuyền đơn thuần.

Với những giá trị kinh tế, lịch sử, văn hóa, kiến trúc quan trọng như vậy, liệu khu vực Trần Văn Kiểu - Bến Bình Đông có thể được coi là một di sản cần phải bảo tồn?

Đến với Bến Bình Đông ngày nay

Khu vực Trần Văn Kiểu - Bến Bình Đông cho đến những năm gần đây vẫn còn cảnh tấp nập “trên bến, dưới thuyền”, nhưng bên cạnh lúa gạo là những mặt hàng khác như trái cây hay đồ gia dụng.

Tuy nhiên, vào những ngày cuối tháng 3-2005 vừa qua, khu vực Trần Văn Kiểu- Bến Bình Đông đã trở nên vắng lặng hơn nhiều khi công việc giải tỏa đang đi vào giai đoạn gấp rút để kịp tiến độ xây dựng đại lộ Đông Tây. Vì phải chừa lộ giới 40 m để xây dựng, nên những ngôi nhà cổ, những dãy nhà kho, thậm chí đình Bình An, một ngôi đình cổ được xây dựng từ năm 1842, sẽ hoàn toàn biến mất...

Hoạt động buôn bán cũng bị thu hẹp hẳn. Tại một góc phố có một băng rôn ghi rõ: “Khu vực cấm tụ tập buôn bán”. Chỉ còn nghe rất ít những tiếng gọi nhau í ới của các chủ ghe, chủ hàng hay của các tay bốc vác, tài xế xe hàng... Thay vào đó là tiếng búa đập chát chúa, tiếng sập ầm ầm của những mảng tường cổ còn nguyên vẹn sau bao thăng trầm của lịch sử và tác động của thời gian. Những dãy nhà kho "được" đập phá một cách tỉ mỉ nhằm giữ lại những viên gạch thẻ đỏ xưa vẫn còn rất tốt để bán lại cho các nhà thầu với giá 400 đồng/viên. Ngôi đình cổ Bình An được nhà thầu đập trả với giá 30 triệu để lấy lại những cây xà và cột gỗ đã có từ khi xây dựng cách đây 160 năm... Nhìn cảnh mà nao lòng!

Chị Phượng, lái thương trái cây tại ụ cây 175, người Đồng Tháp, đã lên xuống mua bán ở khu vực này được 8 năm, tâm sự: “Khoảng ba, bốn năm trước, khung cảnh ở đây rất vui, tấp nập lên hàng, xuống hàng. Sắp tới, tụi tui phải dời ra cảng chợ Bình Điền, chưa biết sẽ như thế nào. Tại bến hiện nay ai cũng đã quen bạn hàng, vận chuyển hàng hóa thuận tiện, gần trung tâm, khu vực an ninh ổn định. Nhưng mà lúa đâu bồ câu theo đó, có lo lắng cũng không giải quyết được gì”. Nhóm thợ bốc vác cạnh đình Bình An vừa nhâm nhi xong một chai rượu sau khi kết thúc công việc vào lúc trời đã nhá nhem tối cho biết đã làm nghề bốc vác gạo từ 20 - 30 năm nay, mỗi tháng kiếm được trung bình khoảng 700.000 - 800.000 đồng tùy thời vụ, sắp tới bến thuyền dời ra Bình Điền sẽ bị thất nghiệp, chưa biết cuộc sống ra sao. Khu vực này còn có đình Bình An được xây dựng từ năm 1842 thuộc loại xưa nhất của Sài Gòn- Chợ Lớn. Trong hai tiếng buổi sáng, người viết bài này đã thấy có hơn chục người đến viếng đình. Họ là những người sau cùng còn có cơ hội được thắp nhang, cầu khẩn ở ngôi đình cổ này. Cuối tháng này, ban trị sự đình sẽ làm lễ rước Ông (Quan Công) về chùa mới. Và rồi, cũng như số phận của bao kiến trúc khác nơi đây, nó cũng sẽ bị đập đi và chỉ còn tồn tại trong ký ức của những người đang sống ở đó hay của những người dân vẫn thường xuyên đến đây.

Anh Sebastien Auligny, một người bạn Pháp đã sống và làm việc tại TPHCM hơn 3 năm nay, cũng là người rất thích và thường xuyên đến khu vực Trần Văn Kiểu- Bến Bình Đông để đi dạo và chụp hình. Theo anh, khu vực này rất đẹp về tổng quan: kiến trúc cổ với các mặt tiền nhà và dãy nhà kho tạo một thể thống nhất và hoạt động mua bán trên bến, dưới thuyền tấp nập hai bên bờ mang lại cái hồn cho mảnh đất. Nếu được quy hoạch tốt, khu vực này có thể trở thành khu phố cổ đi bộ, thu hút khách du lịch quốc tế, gợi lại một nét sinh hoạt và văn hóa độc đáo một thời của Chợ Lớn.

Đó là suy nghĩ của những người dân chân chất và một người nước ngoài sống chưa lâu tại thành phố này. Vậy còn các học giả có hiểu biết uyên thâm về Sài Gòn - Chợ Lớn nói chung và khu vực Bến Bình Đông này nói riêng thì sao?

Nên chăng cân nhắc và giữ gìn...

Nhà văn Sơn Nam, người được xem là có nhiều nghiên cứu thực địa về miền Nam, cho rằng: "Về kiến trúc, cần phải giữ lại những dãy nhà mang kiến trúc thời Pháp thuộc của người Hoa, do người Singapore xây dựng. Về bến thuyền, nếu dời ra Bình Điền sẽ làm mất đi cái hồn của khu vực này, nhưng nếu nhà cửa, kho gạo không còn, thì có giữ lại bến thuyền này cũng chẳng để làm gì, vì tổng thể của nó đã bị phá vỡ. Dời bến thuyền này ra đó sẽ thuận lợi hơn vì bến bãi rộng rãi và đường đi miền Tây ra vào tiện hơn, tuy nhiên, đổi lại đường về Sài Gòn - Chợ Lớn xa hơn. Bến Bình Đông đã trở nên chật hẹp so với tốc độ phát triển và nhu cầu cung ứng hàng hóa của miền Tây”.

Còn giáo sư sử học Nguyễn Đình Đầu thì bày tỏ: "Tôi thấy rất tiếc khi những công trình kiến trúc cũ bị phá bỏ. Trên thực tế, cũng có nhiều cái phải phá như khu nhà ổ chuột dọc theo kênh Tàu Hũ, khu vực phát sinh trong giai đoạn chiến tranh 45-46. Điều này rất cần thiết và chính đáng. Tuy nhiên, người làm công tác này phải có cái nhìn hiện đại hóa nhưng vẫn phải biết cân nhắc và giữ gìn những cái cũ. Phát triển là một sự nối tiếp nhau, không nên cắt đứt hoặc phá bỏ hoàn toàn. Nên giữ lại những đoạn có tính chất tiêu biểu của nền văn hóa một thời. Ngoài giá trị về lịch sử kinh tế, khu vực này còn có giá trị về mặt kiến trúc và văn hóa, xã hội”.

Bến Bình Đông xưa nay chỉ còn lại một khu vực nhà máy xay xát và một số dãy nhà cổ vẫn còn nguyên vẹn bên phía quận 8. Còn bên đường Trần Văn Kiểu là một bãi đất trống với xà bần và ngổn ngang gạch cát, đây đó một vài chiếc nhà cổ còn sót lại trơ trọi, trống hốc đứng nhìn những chiếc ghe cuối cùng cập bến. Liệu ngày mai, khu nhà ở và nhà máy phía quận 8 có phải chịu chung số phận với dãy phố bên kia?

Dự án đại lộ Đông Tây

Đây là dự án xây dựng hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất ở TPHCM từ trước đến nay, trải dài trên địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh nhằm mục đích giảm thời gian lưu thông tử Đông sang Tây và ngược lại (theo tính toán của nhà tư vấn là khoảng 20 phút); giảm tải trên các trục đường chính nội thành và cầu Sài Gòn; thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa từ các cảng TP đi miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Dự án này cũng góp phần cải tạo môi trường nước ở khu vực dọc theo kênh Tàu Hũ - Bến Nghé, đồng thời, hầm Thủ Thiêm sẽ là điểm nối trung tâm TP hiện nay với khu đô thị mới Thủ Thiêm và quận 2 đang chờ đợi cơ hội để phát triển.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo