Một sự trùng hợp thật ý nghĩa, vào những ngày tháng 7 âm lịch, khi ở Việt Nam, không khí của đại lễ Vu lan diễn ra thật sôi động với niềm hoan hỉ của những người con Phật thì đoàn nhà báo chúng tôi lại may mắn trải nghiệm những cung bậc hạnh phúc diệu kỳ ở xứ sở duy nhất còn giữ văn hóa kim cang thừa.
1. Ngay ngày đầu tiên, trên đường từ sân bay về khách sạn, đoàn chúng tôi ghé thăm đền Tachogang “ngôi đền trên đồi của con ngựa tuyệt vời” nằm ở một ngọn núi bên quốc lộ Paro- Thimphu. Đền được kiến trúc sư, hành giả vĩ đại Thangton Gyalpo, người đã xây 108 cây cầu sắt khắp Tây Tạng và Bhutan, xây dựng từ đầu thế kỷ XV. Tương truyền khi Thangtong ngồi thiền ở đây, ông nhìn thấy hình bóng linh thiêng của một con ngựa hùng dũng hiện ra nên đã ẩn mình tu tập chốn này. Để đến được khu đền, du khách phải vượt qua một cây cầu đặc biệt dài hơn 20 m bằng xích sắt bắc qua sông Pachhu. Năm 1969, cây cầu sắt bị trôi mất trong cơn bão lụt. Đến năm 2005, cây cầu kiểu truyền thống với những xích sắt được tái tạo lại. Mặc dù đã đi trên nhiều cầu treo, cầu khỉ lắt lẻo nhưng cảm giác phải vượt qua cây cầu toàn bằng xích mắt cáo xâu lại với nhau lỏng lẻo mà bên dưới là dòng sông nước cuồn cuộn chảy, những người không biết bơi như tôi chẳng yên tâm chút nào. Cầu cũng chẳng có tay vịn mà là những thanh sắt hờ hững mắc vội. Nhìn những vị khách đàn ông bước lên cầu mà những vòng xích bên dưới cứ chòng chành, lắc lư, tôi toan đặt chân xuống rồi nhanh chóng rụt lại. Trước tôi, những phụ nữ thu hết can đảm dưới sự dẫn dắt của các chàng hướng dẫn viên đều vừa bước vừa run. Một nỗi sợ hãi chen vào trong tôi thật nhanh. Chúng tôi có thể chọn bước lên cầu để sang bên kia hoặc ở lại bên này mà chẳng sợ ai đánh giá lòng can đảm! Nhưng tôi chợt nhớ đến câu nói bất hủ của triết gia Hy Lạp Heraclitus: Không ai có thể tắm 2 lần trên cùng một dòng sông. Nếu tôi không thử cảm giác đong đưa trên cây cầu này thì biết bao giờ tôi mới có dịp trở lại đây? Bằng tất cả lòng quả cảm, tôi nói với hướng dẫn viên rằng tôi muốn được thử. Nắm hờ cánh tay anh, tôi nhắm mắt đi những bước chầm chậm, cẩn trọng nhất. Đến đoạn giữa cầu lắc nhất nhưng có lẽ đã quen nên tôi bớt dần cảm giác sợ hãi. Đến 2/3 cây cầu, tôi bảo người hướng dẫn rằng tôi có thể tự đi một mình để anh quay lại đón những du khách khác. Phải đến 10 phút sau, tôi mới sang được phía bên kia. Không thể kể hết cảm xúc của tôi lúc ấy, như vừa giác ngộ chân lý: không đi thì chẳng bao giờ đến!
2. Thử thách của hành trình tiếp theo là tham quan tu viện Tango, nằm cách thủ đô Thimphu 10 km. Tu viện nằm cheo leo trên triền núi, cao khoảng 2.800 m, lưng tựa vào vách đá; được xây dựng năm 1688, trùng tu năm 1977. Đây là học viện Phật giáo lớn của Bhutan, nơi tu học của khoảng 300 tăng sĩ khắp thế giới. Hành trình lên xuống tu viện mất hơn 4 giờ đồng hồ ở địa hình dốc đứng, vượt qua bao bậc thang. Đây được xem như cuộc tập dượt thứ nhất để chúng tôi chuẩn bị cho hành trình chinh phục Tiger’s Nest sắp đến. Chúng tôi chia sẻ cùng nhau những kinh nghiệm leo núi thật hữu hiệu để không bị bỏ cuộc: tập hít thở đúng cách, đi ngược để tránh áp lực lên cơ thể... Trải nghiệm cung đường này, chúng tôi thật sự nể phục khả năng của các bậc tu hành khi vận chuyển một khối lượng vật liệu khổng lồ để xây dựng ngôi chùa cao như vậy.
Đường lên tu viện xa diệu vợi nhưng may mắn ngày hôm ấy thời tiết thật đẹp với nắng trong vắt màu mật ong, gió se se lạnh. Thiên nhiên còn ưu đãi cho lữ khách bao cảnh đẹp với núi cao, sông sâu, thác ghềnh, hoa dại ven đường và tiếng thánh thót của chim muông. Xa xa mây trời xanh ngắt như sà xuống đùa vui cùng lữ khách. Từ trên cao nhìn xuống, ruộng mạ, luống mì, khoai, bí, ớt, đậu... xanh mơn mởn như một tấm thảm trải dài tận chân trời. Dọc đường có những vòi nước lạnh để khách hành hương hớp vài ngụm lấy lại sức hay rửa mặt sạch bụi trần khi vào cõi thanh tịnh. Đồng hành cùng chúng tôi là những phật tử ở khắp Bhutan; họ lên chùa làm công quả, cúng dường, nhiều gia đình trẻ bồng con còn đỏ hỏn lên núi cho các đại sư ban phước hoặc xin sự bình yên từ các bậc cao tăng. Trông từ xa, tu viện trên cao như tổ yến nép mình trên vách đá. Phải chăng chốn này giúp các tu sĩ cảm thấy an lạc, thanh tịnh hơn khi chỉ làm bạn với gió mây trăng sao? Tổng Giám đốc BenThanh Tourist Vũ Đình Quân hỏi hướng dẫn viên người Bhutan rằng sao các tu viện Bhutan đều nằm cheo leo trên cao lại xa như vậy? Câu trả lời rằng do các đại sư muốn lánh xa thế tục và chỉ những người có lòng, có duyên mới có thể đến được nơi đây!
3. Trọng tâm của hành trình ở ngày cuối là chinh phục Tiger’s Nest - tu viện tuyệt đẹp ở độ cao 3.200 m so với mặt nước biển, nằm chênh vênh trên vách đá dốc đứng, ẩn hiện dưới những tầng mây và cao khoảng 1.000 m trên thung lũng Paro, nhìn giống con thằn lằn bám vào vách núi. Thú vị nhất là tu viện hoàn toàn biệt lập nên chỉ có một đường độc đạo dài khoảng 6-7 km nhưng leo bộ lên xuống núi mất từ 7-8 giờ vì dốc núi cao, hiểm trở và vượt qua 750 bậc thang cuối cùng mới lên đến tu viện. Khó có thể tả hết tâm trạng náo nức của chúng tôi khi ai cũng thấp thỏm hồi hộp lúc được cảnh báo là chặng đường phía trước rất khó khăn. Nhưng chúng tôi đều có niềm tin, sự quyết tâm sẽ chinh phục được đỉnh cao. Xuất phát dưới chân núi từ 7 giờ, chúng tôi được chuẩn bị rất chuyên nghiệp: ngoài đôi giày thấp có độ bám tốt, ai cũng có một chiếc gậy leo núi làm bạn đồng hành vì đường rất trơn, lầy lội do ảnh hưởng của cơn mưa đêm trước; kẹo ngậm, vitamin C để lấy sức vì leo ở độ cao, không khí loãng nên dễ thấm mệt; balô thật gọn nhẹ với nước uống, áo mưa... Đường đi gập ghềnh, nhiều nỗi truân chuyên dù khung cảnh xung quanh đầy thi vị, hữu tình “ở đây sương khói mờ nhân ảnh”, mây ôm lấy núi, xanh ngát những rừng thông, ầm ầm tiếng thác phá tan sự yên tĩnh của núi rừng.
Để “hỗ trợ” cho những lữ khách yếu sức, một số nài ngựa nhận giúp khách ở một số đoạn dốc vừa phải, còn lại khách phải tự đi bằng chính đôi chân dẻo dai của mình. Ở đây, dù người giàu đến đâu cũng chẳng thuê được một đôi chân khác thay mình! Có lẽ Bhutan là nơi duy nhất trên thế giới thực hiện triết lý nhà Phật một cách triệt để: Muốn đạt đến giác ngộ nhất quyết phải chấp nhận thử thách, gian nan. Trải nghiệm hành trình này, tôi bỗng nhớ đến chuyện ngụ ngôn rùa và thỏ. Quả nhiên, tôi thấy những ai cứ im lặng và đi thì dễ dàng đến đích kịp giờ tu viện còn mở cửa. Còn nếu thiếu tập trung thì dễ mất phương hướng vì ven đường quá nhiều “cám dỗ” bởi cảnh đẹp đến nao lòng! Ở Bhutan, cứ ở đâu có tu viện thì ở đấy rợp trời cờ phướn đầy màu sắc sặc sỡ, in những bài kinh, câu chú, lời cầu nguyện bình an, may mắn, hạnh phúc. Theo người Bhutan, những lời cầu nguyện này treo ở trên cao của dãy núi Himalaya sẽ vang đi muôn cõi, mang năng lượng mầu nhiệm chuyển hóa thế giới hữu hình và vô hình.
Tuy không đến đích cùng nhau nhưng đoàn nhà báo chúng tôi không ai bỏ cuộc, dù sức khỏe, sự bền bỉ của mỗi người một khác. Lên được đến đỉnh, chúng tôi cứ mãi kinh ngạc về ý tưởng chọn vị trí xây một công trình đồ sộ tọa lạc trên núi cao và nghiêng mình thán phục khả năng của người Bhutan khi xây dựng những tu viện trên vị trí cực kỳ hiểm trở như thế này. Được biết, năm 1998, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi ngôi điện chính của quần thể tu viện cùng nhiều bức tranh, tượng cổ giá trị khác. Năm 2005, nhà vua Bhutan cho trùng tu lại tu viện. Công trình đầu tiên xây dựng vào năm 1692, mang đậm phong cách Phật giáo Tây Tạng. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ VIII, đại sư Liên Hoa Sanh bay trên lưng một con hổ từ Tây Tạng sang Bhutan trị bệnh cho một tù trưởng và sau đó cảm hóa các vị tù trưởng cùng nhân dân ở đây. Ông đã thiền định trong Tiger’s Nest 3 năm 3 tháng 3 tuần 3 ngày 3 giờ và quy phục các linh hồn ma quỷ sang đạo Phật. Ông được tôn thờ như đức Phật thứ 2 và là người có công đưa Phật giáo vào Bhutan. Vì thế, quanh vách núi đều treo những bức tranh miêu tả chân dung đại sư Liên Hoa Sanh mặc quần áo đỏ, đắp y vàng; đầu đội mũ đỏ viền xanh, tay phải cầm hoa sen, tay trái là bình nước cam lồ.
Không chỉ là thánh địa mà Tiger’s Nest còn mang biểu tượng văn hóa của Bhutan. Tu viện gồm 4 đền chính nối với nhau bằng những lối đi lát đá hoặc cầu thang gỗ và 8 hang động bao quanh. Xung quanh tu viện là những ban công lộng gió để du khách chiêm ngưỡng thung lũng Paro tuyệt đẹp phía dưới. Chúng tôi bước vào tu viện chiêm bái và đảnh lễ các vị cao tăng. Muốn đến “hang hổ” nơi đại sư Liên Hoa Sanh viên tịch phải đi qua những bậc thang gỗ chật hẹp, chông chênh nối với các hòn đá lớn, bước xuống một cái hang tăm tối, leo lét ánh đèn vàng vọt; tạo nên một không gian u tịch, huyền diệu. Tiger’s Nest chỉ thế đó! Lữ khách khám phá đến tận cùng cũng chỉ mất không quá 30 phút. Không hấp dẫn, chẳng độc đáo nhưng thật sự hả hê và hạnh phúc! Hạnh phúc không phải là đích đến mà là những niềm vui, trải nghiệm trong hành trình. Riêng tôi, hạnh phúc là tìm thấy được niềm an lạc, sự bình yên trong tâm hồn; là luôn được khám phá, thử thách ý chí của mình trong mọi hoàn cảnh. Có lẽ chưa bao giờ tôi thấu hiểu đến cùng câu nói của người xưa “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.
Bình luận (0)