Xem du lịch là ngành kinh tế quan trọng, đề án phát triển du lịch Đồng Tháp giai đoạn 2015-2020 với tổng kinh phí đầu tư trên 400 tỉ đồng đã xác định rõ hướng đi của từng khu, điểm du lịch trọng điểm. Năm 2016, Đồng Tháp đón và phục vụ hơn 2,6 triệu khách; đạt 115,78% kế hoạch năm; tăng 17,45% so với năm 2015, trong đó có 68.714 khách quốc tế.
Xây dựng sản phẩm đặc thù
Đồng Tháp được đánh giá là vùng đất có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn, nổi tiếng với những đồng sen hồng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cùng nghệ thuật ẩm thực độc đáo. Theo ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, nguồn tài nguyên được phân bổ khá đồng đều là nền tảng để hình thành các khu, điểm du lịch đặc trưng của tỉnh. Với chủ đề "Bảo tồn lịch sử - Gìn giữ hồn quê", khu di tích Xẻo Quýt khai thác các giá trị văn hóa truyền thống gắn với hình ảnh vùng Đồng Tháp Mười xưa, định hướng phát triển thành khu vui chơi kết hợp giáo dục truyền thống, giới thiệu làng nghề thủ công, trò chơi dân gian. Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng là nơi dã ngoại, thưởng thức ẩm thực làng quê, nghiên cứu văn hóa ẩm thực truyền thống, tổ chức các sô dạy nấu ăn, bảo tồn và phát triển cây tràm, cây tre. Vườn Quốc gia Tràm Chim phát triển du lịch sinh thái dựa trên trải nghiệm cuộc sống vùng ngập lũ; giáo dục ý thức bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Gò Tháp - Đồng Sen phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, các yếu tố văn hóa thời khẩn hoang, tâm linh và sen, tập trung khai thác sự bí ẩn của nền văn hóa Óc Eo. Làng hoa kiểng Sa Đéc được định hướng trở thành "thành phố hoa của khu vực Nam Bộ", trong khi khu di tích mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là nơi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cụ Nguyễn Sinh Sắc, phát huy giá trị truyền thống làng Hòa An xưa với các làng nghề thủ công…
Làng hoa Sa Đéc là sản phẩm đặc trưng của du lịch Đồng Tháp
Trước đây, du lịch Đồng Tháp chỉ phát triển gói gọn trong phạm vi tỉnh, thiếu hấp dẫn, lượng khách ít. Từ khi xây dựng đề án phát triển du lịch, bên cạnh việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, Đồng Tháp còn quan tâm đến việc liên kết vùng, hình thành tour du lịch nhiều địa phương - một điểm đến (Long An - Tiền Giang - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang), nhiều quốc gia - một điểm đến (Việt Nam - Campuchia - Thái Lan - Lào - Myanmar theo tuyến từ TP HCM qua cửa khẩu Thường Phước, Dinh Bà sang Campuchia). Thời gian qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Tháp đã ký kết hợp tác với Hà Nội, TP HCM, An Giang, Bạc Liêu tham gia cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL, ký kết Ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch vùng Đồng Tháp Mười… Qua đó, thế mạnh sản phẩm du lịch Đồng Tháp được tăng cường, hạ tầng du lịch được bổ sung, xúc tiến, quảng bá du lịch thêm phần hấp dẫn.
Phát huy tiềm năng du lịch Lai Vung
Đồng Tháp có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam như một điểm đến mới hấp dẫn của vùng ĐBSCL. Sự cộng hưởng giữa sắc xuân trên làng hoa Sa Đéc và mùa quýt hồng Lai Vung chín rộ đã làm bật dậy hình ảnh du lịch Đồng Tháp vào dịp Tết hằng năm.
Là một huyện phía Nam tỉnh Đồng Tháp, lại nằm giữa 2 con sông Tiền và sông Hậu, nhiệt độ ấm áp quanh năm, Lai Vung sở hữu những đặc sản nổi tiếng: quýt hồng, quýt đường, cam xoàn, bưởi... Các vườn quýt hồng Lai Vung hiện là một sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách mỗi dịp xuân về với diện tích trồng lên tới gần 2.000 ha trải rộng trên các xã Tân Thành, Tân Phước và Long Hậu. Bên cạnh đó, Lai Vung còn là nơi hội tụ của các làng nghề: nghề đan lờ, lọp ở Hòa Long; nghề đan cần xé ở xã Tân Thành; nghề trồng nấm rơm ở Tân Hòa; làng nghề đóng xuồng, ghe Bà Đài - Long Hậu được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, huyện Lai Vung đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho làng nghề làm nem với tên gọi là "nem Lai Vung". Các làng nghề truyền thống lâu đời và vườn cây trái trĩu quả hoàn toàn phù hợp phát triển mô hình du lịch homestay. Tuy nhiên, do chưa xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, công tác quảng bá chưa được đầu tư, cũng chưa có sự chuẩn bị về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển du lịch, nên hầu như các điểm tham quan của huyện Lai Vung chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của mình.
Với cảnh quan sông nước miệt vườn, Đồng Tháp có đủ điều kiện để kéo dài mùa vụ du lịch. Trong 2 năm qua, Đồng Tháp đã đưa vào nhiều sản phẩm du lịch theo mùa, hiệu quả bước đầu khá khả quan: Quý I khai thác các tour du lịch xuân (Sắc Xuân trên dòng Sa Giang, quýt hồng Lai Vung); quý II triển khai chương trình du lịch chào hè dành cho học sinh, sinh viên (tham quan di tích cách mạng Xẻo Quýt, mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc); quý III tập trung du lịch mùa nước nổi, trải nghiệm làm nông dân tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (săn bắt chuột đồng, giăng lưới bắt cá, tham quan bãi chim sinh sản..), trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng sông nước tại Xẻo Quýt (bắt vịt trên sông, dỡ chà), đến Gáo Giồng bắt chim cò, thưởng thức đặc sản mùa nước nổi, ghé đồng sen Tháp Mười thưởng ngoạn sen và ẩm thực chế biến từ sen; quý IV khai thác du lịch tâm linh, lễ hội với lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, lễ hội Gò Tháp…
Bình luận (0)