Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, những năm qua, ngành du lịch các tỉnh ven biển đóng góp hơn 60% tổng doanh thu cho du lịch cả nước; đạt tốc độ tăng trưởng hơn 24%/năm.
Du lịch làm ô nhiễm biển?
Cảnh báo về hiểm họa “du lịch giết chết môi trường”, ông Trương Hoàng Phương, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Exotic, lên tiếng: Trước đây, Hà Tiên từng là địa danh du lịch biển nổi tiếng của Việt Nam với “Hà Tiên thập cảnh”. Thế nhưng giờ đây chỉ còn 5 cảnh là có thể đưa khách đến tham quan thôi. Số khách hiện nay đến Hà Tiên vẫn nhiều nhưng chi tiêu không bao nhiêu vì đa số là khách hành hương. Với việc xây dựng ồ ạt ở Hà Tiên những năm qua đã làm hỏng những cảnh quan môi trường. Chẳng hạn hang Mo So rất đẹp, giá trị lớn nhất là cảnh quan môi trường ngập nước xung quanh hang. Thế nhưng hiện nay người ta xây dựng lại, biến nó thành một cái hang tầm thường. Hay biển Mũi Nai trước đây mê hoặc du khách bởi những rừng dừa bạt ngàn; nay đã bị bê tông hóa, mất hết vẻ đẹp tự nhiên.
Theo kết quả điều tra của Viện Hải Dương học thì các hoạt động du lịch là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng biển thời gian qua. Chẳng hạn đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) là một khu du lịch lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhu cầu xây dựng lớn để phát triển du lịch tại đây dẫn đến tình trạng sạt lở, xói mòn bờ, giảm thể tích chứa nước ngầm dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập, tăng độ đục... làm thay đổi cảnh quan, mất đi vẻ đẹp tự nhiên của vùng biển đảo này.
Còn tại Côn Đảo, các nhà khoa học cũng phát hiện nhiều bãi san hô ở đáy biển sâu đang chết dần do ô nhiễm môi trường. Chính quá trình đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học; việc xây dựng bến cảng, nhà máy; phát triển cơ sở hạ tầng của ngành du lịch, dịch vụ; ô nhiễm do rác thải sinh hoạt và chế biến; việc khai thác, đánh bắt theo phương thức tận diệt, cũng như nuôi trồng thủy sản tràn lan, thiếu quy hoạch… được xem như những tác nhân chính gây suy giảm nhanh các loài sinh vật đang sinh sống tại khu vực này.
Ngoài ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu du lịch biển là do khâu vệ sinh rất kém. Rác thải chưa được thu gom, xử lý triệt để ở một số bãi tắm ven bờ, gần khu dân cư, nhà hàng, khách sạn; hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu xả thẳng ra biển...
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng du khách vứt rác, thức ăn thừa bừa bãi trên các bãi tắm gây ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường tự nhiên và chất lượng nguồn nước tại các khu vực này.
Vì môi trường xanh
Giám đốc một hãng lữ hành đã phát biểu thẳng thắn trong hội thảo về bảo vệ môi trường vừa tổ chức tại Kiên Giang rằng việc bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển là vấn đề sống còn và cấp bách, vì môi trường ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc đến đời sống, sản xuất, sự phát triển của từng quốc gia, dân tộc. Để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, xem kinh tế biển là mũi nhọn, ngành du lịch cả nước cần coi trọng công tác bảo vệ môi trường biển.
Năm 2016, nối tiếp thành công của chương trình “Vì môi trường xanh quốc gia năm 2015” với chủ đề “Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường biển” đã được tổ chức bằng chuỗi hoạt động tại Cát Bà (Hải Phòng), TP Hội An, TP Đà Nẵng, chương trình tiếp tục thực hiện tại các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận… Thông qua đó, người dân sẽ chung tay làm sạch môi trường biển, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến toàn xã hội, cộng đồng dân cư cả nước để cam kết bảo vệ môi trường.
Là một hãng lữ hành lớn tại Việt Nam, nhiều năm qua, Công ty Du lịch Vietravel rất chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Vietravel đã thực hiện nhiều hoạt động cộng đồng trên toàn quốc như ra quân dọn vệ sinh trong khu vực dân cư, chợ búa, trên bãi biển, tuyên truyền bằng pano, áp phích, tặng túi ni-lông tự hủy, trồng cây vì môi trường; đạp xe diễu hành… với mong muốn ngành du lịch chung tay cùng cả nước quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường.
Đồng hành cùng Vietravel, nhiều doanh nghiệp du lịch khác cũng tổ chức nhiều đợt kêu gọi du khách trồng cây xanh khi đi du lịch. Mới đây, Công ty Du lịch An Tín phát động phong trào “Đồng hành cùng môi trường xanh” với việc ra quân dọn dẹp đường phố, trồng thêm cây xanh trên đường phố…
Ý thức bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng ngày càng được nâng lên. Nhiều khu du lịch, khách sạn đã quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, phân loại rác thải, thường xuyên làm sạch bãi biển, trồng mới hệ thống cây xanh, sân vườn, tạo môi trường trong lành, cảnh quan sạch đẹp, phục vụ du khách.
Phát biểu với giới truyền thông, ông Đỗ Quốc Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành, cho rằng: Quan trọng nhất là xây dựng ý thức người dân và du khách trong việc bảo vệ môi trường biển. Chẳng ai có thể đi nhặt rác hoài để giữ bờ biển sạch. Chỉ cần người dân và du khách đừng xả rác nữa thì chúng ta mới có những bãi biển xanh và sạch, ngành du lịch mới có thể xây dựng “Thương hiệu biển Việt Nam” cũng như hướng tới phát triển đất nước xanh, sạch, đẹp, mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Chi nhánh Vietravel ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai chương trình “Năm du lịch có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường” với các hoạt động quét dọn đường phố, phát túi ni-lông tự hủy. Ở bãi biển, các tình nguyện viên chủ động đến từng nhóm khách phát túi ni-lông tự hủy với lời nhắc nhở “nhớ bỏ rác vào túi sau khi ăn xong”. Tại các khu vực đông người, Vietravel gửi thông điệp về trách nhiệm và sứ mệnh phải giữ gìn, bảo vệ môi trường, cải tạo không gian sống xanh không chỉ trong suy nghĩ mà bằng những hành động thiết thực.
Bình luận (0)