"Cái này là phân sinh học, ủ theo quy trình chuẩn nên nhìn đen đen vậy chớ không có hôi. Chừng nào hết hôi mới mang bón rau, phải làm phân sạch mới bón cho rau sạch được" - ông Sáu Mèo thủng thẳng giải thích bằng giọng Quảng Nam đặc sệt.
Chiều lộng gió, có một nhóm khách từ TP HCM ra thăm vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Họ được mời ăn bánh ít, uống trà và nghe giảng giải về quy trình trồng rau sạch. Hướng dẫn viên là nông dân Sáu Mèo, tổ trưởng tổ làm rau.
Ông Sáu Mèo thọc tay vào cái bao chứa những viên tròn màu đen, cho biết đó là phân sinh học đã ủ đủ 75 ngày. Trong thành phần của phân còn có rượu ngâm gừng, tỏi, ớt. "Mấy thứ gừng tỏi ớt ngâm rượu 45 độ này làm bọn sâu phải tránh xa".
Rời vườn rau, những nông dân chèo thuyền thúng đưa khách trên sông Ảnh: TRUNG CHÂU
Một du khách hỏi cắc cớ: "Tại sao sâu thấy rượu 45 độ thì tránh xa mà nhiều người thấy rượu lại bu vô?". Mọi người cười ồ nhưng ông Sáu Mèo vẫn thủng thẳng: "Cái đó khoa học đang nghiên cứu!". Tràng cười rộ như át cơn gió lạnh chiều đông. Câu chuyện rôm rả ngược về mấy năm trước, khi những nông dân lần đầu bỡ ngỡ với chuyện trồng rau sạch.
Lúc đó họ cũng trồng rau, một năm thu nhập chưa đầy 1,5 triệu đồng. Thời tiết bấp bênh, có mấy tháng mưa ngập chẳng có việc gì làm. "Nghe nói làm sau sạch được cái này cái kia, kiếm nhiều tiền hơn nhưng nhiều người nghi ngờ lắm. Tui với mấy người nữa xung phong làm trước, cắc củm qua vài vụ bà con thấy được thiệt nên mới gầy dựng dần như bây giờ" - ông Sáu Mèo kể.
Ông Sáu Mèo giảng giải cho du khách về trồng rau sạch Ảnh: TRUNG CHÂU
Rau sạch chật vật tìm thị trường ở giai đoạn đầu nhưng khi đã được người ăn quen miệng khen ngon thì làm tới đâu bán hết tới đó. Nhờ vậy mà cùng một luống rau nhưng thu nhập tăng gấp ba lần so với trước. Cũng nhờ canh tác theo lối sạch, không dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu nên sức khỏe người nông dân cũng cải thiện. "Hồi trước, tiền đã ít mà cứ phải mua thuốc uống miết. Từ hồi làm rau sạch, hiếm khi bị bệnh lắm" - ông Sáu Mèo giảng giải.
Lão nông tri điền Sáu Mèo mới học hết lớp 3 trường làng, nghề chính là trồng rau. Nhưng khi công ty du lịch dẫn khách về coi làm rau, thấy ông nói năng mạch lạc và có duyên nên mời luôn làm hướng dẫn viên.
“Sâu ngửi mùi rượu ngâm gừng tỏi là ớn liền” Ảnh: TRUNG CHÂU
Sau khi đi một vòng ngắm rau và nghe sướng lỗ tai về cái nghề nông lắm công phu, biết khách đói bụng, ông Sáu Mèo dẫn mọi người ra bến sông. Ở đó đã có những chiếc thuyền thúng đợi sẵn. Người chèo thuyền cũng chính là nông dân - chủ những vườn rau. Những chiếc thúng xuôi theo một đoạn sông Cổ Cò dập dềnh sóng nước, ai nấy tranh thủ vươn ngực hít trọn không khí trong trẻo của miền quê. Ngồi trên thuyền thúng chừng hai cây số, khách sẽ lên bờ dùng bữa ở nhà hàng.
Nuôi trâu chỉ để sờ
Ông Phan Xuân Thanh, Giám đốc điều hành Công ty Emic, cho biết du lịch nông nghiệp là một hướng đi đầy tiềm năng. Nhưng để làm du lịch theo hướng này, người nông dân phải là một mắt xích quan trọng của chu trình. "Du khách, nhất là khách phương Tây, cảm thấy rất thú vị khi được tham quan, tận mắt thấy chuyện làm rau, được nông dân chèo thúng đưa đi. Ở đây, có những người nuôi trâu, nuôi nghé không phải để cày mà chỉ để dẫn ra cho khách... sờ! Thu nhập của nông dân từ chuyện sờ cộng lại còn lớn hơn giá trị con trâu!".
Bình luận (0)