Sau chuyến khảo sát, Hiệp hội Du lịch TP HCM, Hiệp hội Du lịch Hà Nội đã cùng Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình du lịch nội địa kết hợp đường sắt và hàng không; góp phần tạo điều kiện cho khách Việt Nam và khách quốc tế đến các tỉnh, thành phía Bắc.
Đường sắt thay áo mới
Với nhiều nỗ lực trong việc cải tạo, nâng cấp toa tàu; nâng cao tinh thần phục vụ cho đội ngũ nhân viên; Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội đã sẵn sàng “bắt tay” ngành du lịch, tạo ra nhiều sản phẩm kết nối giữa TP HCM và các tỉnh, thành phía Bắc. Trong bộ đồng phục lịch sự, các tiếp viên chào đón đoàn khảo sát trên chuyến tàu SE2 từ ga Sài Gòn (TP HCM) đến ga Hà Nội (TP Hà Nội). Trên toa, mỗi buồng gồm 4 giường nệm phẳng phiu; những chai nước, đĩa trái cây nằm gọn gàng trên chiếc bàn nhỏ; buồng vệ sinh sạch sẽ, được lau dọn liên tục; tàu đến và đi ở các ga đều đúng giờ; thuyết minh điểm đến bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh; các bữa ăn “nhà hàng” với đặc sản địa phương; nhân viên phục vụ nhiệt tình, thân thiện... những chuyến tàu đêm ngày chạy dọc đất nước nay khoác lên mình một “diện mạo” mới, từng bước đáp ứng yêu cầu của ngành du lịch. Với hành trình dài từ TP HCM đến Hà Nội, hành khách lưu lại trên tàu nhiều giờ, mọi sinh hoạt cũng được bảo đảm thoải mái, tiện nghi hơn.
Những bữa ăn “nhà hàng” trên tàu
Theo bình chọn của Tạp chí Stylist (Anh), đường sắt Bắc - Nam nằm trong danh sách 23 tuyến du lịch tàu hỏa ấn tượng nhất thế giới. Suốt chiều dài tuyến hơn 1.700 km, qua khung cửa sổ, những thửa ruộng ngả vàng trong nắng; ngôi nhà nhỏ nép mình dưới tán cây và cả cuộc sống thường nhật của người dân địa phương đều thu vào tầm nhìn. Chinh phục đèo Hải Vân là cung đường đẹp nhất trong hành trình. Tàu qua đây với vận tốc 25 km/giờ, có đoạn chỉ từ 10-15 km/giờ để du khách cảm nhận hết vẻ đẹp bước ra từ câu hát “Ði dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay, qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi”. Những mảng xanh của biển trời; của khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, yên bình... tất cả chỉ có thể tìm thấy ở du lịch đường sắt.
Chinh phục đèo Hải Vân là cung đường đẹp nhất trong hành trình
Bà Trang Ngọc Huyền Trân, Giám đốc Công ty Du lịch Tân Đại Quang, chia sẻ: Trước đây, đường sắt chỉ là phương tiện vận chuyển chứ không chú trọng nhiều vào khách du lịch nên chất lượng vệ sinh, phong cách phục vụ, ăn uống chưa phù hợp. Từ đầu năm 2016, khi tiếp xúc với Hiệp hội Du lịch, Đường sắt Hà Nội đã cải tiến rất nhiều về vấn đề vệ sinh; ăn uống đa dạng hơn, lên thực đơn cho doanh nghiệp lữ hành chọn trước; phong cách phục vụ cũng nhẹ nhàng và rất có thiện chí hợp tác. Chi phí đi lại giữa phương tiện ô tô và đường sắt chênh nhau rất ít nhưng đường sắt có độ an toàn cao hơn, lại có thể tận dụng được khoảng thời gian cho khách nghỉ ngơi trên tàu. Còn nếu so với giá kích cầu của các hãng hàng không, cùng một điểm đến, giá vé đường sắt chỉ thấp hơn khoảng 200.000-300.000 đồng. Chính vì thế, mong muốn của các đơn vị lữ hành là đường sắt nên tính toán lại, có những chính sách hỗ trợ về giá, đặc biệt là mùa cao điểm.
Sự kết hợp thú vị
Sau thành công của việc kết nối các hãng hàng không với lữ hành; kết nối đường sắt với lữ hành đi đến các tỉnh miền Trung; việc ký kết hợp tác thỏa thuận chương trình du lịch nội địa đi đường sắt - về hàng không (hoặc ngược lại) sẽ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch; trải nghiệm sự an toàn khi di chuyển, sự thú vị khi lưu lại trên tàu và sự hấp dẫn của điểm đến. Hiệp hội Du lịch Hà Nội sẽ triển khai các gói dịch vụ vận chuyển bằng ô tô và tàu thuyền, lưu trú, tham quan, ăn uống, mua sắm; xây dựng và phát triển điểm đến để thu hút khách đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc bằng đường sắt. Sự kết hợp giữa đi đường sắt - tham quan đường bộ - về hàng không tạo nên thế “kiềng 3 chân”, được xem là bước đột phá trên tinh thần hợp tác, phát triển.
Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội, nhận định: Sự kết hợp giữa đường sắt và hàng không là quá tuyệt vời, vừa tiết kiệm được thời gian vừa có đủ yếu tố trải nghiệm. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy du khách quốc tế rất thích đi du lịch bằng đường sắt. Khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chính thức thông xe, tuyến đường sắt đã mất một thị phần rất lớn, tuy nhiên, du khách Úc, Mỹ vẫn lựa chọn trải nghiệm bằng đường sắt.
Đoàn famtrip tại Ga Hà Nội
Theo thỏa thuận hợp tác, chương trình kích cầu du lịch bằng đường sắt và hàng không được triển khai từ tháng 9-2016 đến hết tháng 10-2017. Mức giá ưu đãi sẽ do Vietnam Airlines và Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội đưa ra tùy từng thời điểm cụ thể để thu hút khách du lịch. Với biên bản ký kết này, đường sắt Hà Nội phải có sự đầu tư về các tiện ích để phục vụ tốt cho du lịch như: tiện nghi trên tàu; số ghế trên toa, số giường nằm trong một khoang; WiFi; nhà vệ sinh sạch sẽ; ăn uống ngon và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thái độ phục vụ ân cần, thân thiện... Đường sắt Hà Nội và Vietnam Airlines sẽ tham gia chương trình kích cầu du lịch hằng năm do Hiệp hội Du lịch
TP HCM và Hà Nội triển khai; cung cấp giá vé ưu đãi, kết hợp với các dịch vụ giảm giá khác của các công ty lữ hành để tour du lịch bằng đường sắt có mức giá cạnh tranh so với các phương tiện khác.
Ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình du lịch nội địa kết hợp đường sắt và hàng không
Theo ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Ban Nghiên cứu Phát triển sản phẩm Hiệp hội Du lịch TP HCM, đây là sản phẩm rất tiềm năng, không chỉ cho hiện tại mà còn cho lâu dài. Sự kết hợp giữa hàng không, đường bộ và đường sắt không gây nhàm chán mà còn tạo ra những trải nghiệm phong phú. Không chỉ là sản phẩm giữa TP HCM - Hà Nội, chúng ta còn có thể kết hợp các tuyến ở những điểm du lịch mà cả đường sắt và hàng không đều khai thác như Nha Trang, Đà Nẵng... Nhìn chung, ngành đường sắt Việt Nam cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến; có sự nghiên cứu về mùa du lịch, khách du lịch để bàn bạc cụ thể với hiệp hội du lịch, đơn vị lữ hành về các chính sách đại lý; chính sách giá theo mùa, theo năm...
Đóng toa mới theo nhu cầu của khách
Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội, cho biết: Qua chương trình ký kết, chúng tôi cam kết hợp tác với hàng không, Hiệp hội Du lịch TP HCM và Hà Nội đưa ra những gói kích cầu trong năm 2016-2017; xây dựng đội hình phục vụ với phong cách thân thiện; đầu tư trang thiết bị trên toa tàu phù hợp để khách không cảm thấy gò bó. Trước đây, chúng tôi có các loại toa ngồi cứng, ngồi mềm, nằm 4 giường, nằm 6 giường; sắp tới, căn cứ vào nhu cầu của khách, chúng tôi sẽ đóng 35 toa tàu tiện nghi, gần gũi nhất, mang đến nhiều sự lựa chọn cho khách du lịch.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP HCM: Khởi đầu, chúng tôi ghi nhận sự đột phá của ngành đường sắt Hà Nội. Các doanh nghiệp TP HCM rất kỳ vọng sản phẩm mới này sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách từ phía Nam đến với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Nhận thấy việc đi và về đường sắt sẽ mất nhiều thời gian nên chúng tôi đã phối hợp với hàng không để có thể triển khai chương trình đi đường sắt - về hàng không (hoặc ngược lại). Sự cộng hưởng này sẽ đem lại hiệu quả và thú vị cho du khách. Ngành đường sắt sẽ tiếp tục cải tiến để quá trình lưu lại trên tàu không nhàm chán mà thay vào đó là những trải nghiệm thú vị. Vệ sinh trên tàu đạt chuẩn, ăn uống tương đối phong phú, thái độ phục vụ thân thiện làm hài lòng khách là điều chúng tôi ghi nhận bước đầu, có thể đưa vào phục vụ du khách. Tuy nhiên, chúng tôi còn kỳ vọng nhiều hơn nữa ở ngành đường sắt để đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch. Quá trình vừa khai thác vừa nâng cấp, cải tiến chất lượng dịch vụ của đường sắt sẽ góp phần bảo đảm tính an toàn, thú vị và hấp dẫn.
Bình luận (0)