Theo đó, các nước ASEAN đã ký kết 8 thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau - MRA (Mutual Recognition Arrangement) nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và tăng trưởng thương mại giữa các quốc gia trong khu vực.
“Cuộc đấu” của nhân lực chất lượng cao
Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN - Mutual Recognition Arrangement for Tourism Professionals (MRA-TP) cho phép chứng chỉ lao động được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên trong khu vực. Cụ thể, người lao động tại Việt Nam có thể làm việc tại các nước thành viên ASEAN, đồng thời doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể thu hút lao động có trình độ từ các nước trong khu vực phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.
Nhiệm vụ của MRA-TP là tạo ra một cơ chế giúp thống nhất và công nhận tương đương trình độ năng lực nghề du lịch trong toàn ASEAN dựa trên trình độ chuyên môn và chứng nhận; khuyến khích trao đổi thông tin để triển khai hiệu quả nhất việc giáo dục và đào tạo nghề du lịch; tạo cơ hội hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN. Sau khi hoàn thành xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN cho 6 nghề du lịch (gồm: lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành tour và đại lý lữ hành), ASEAN cũng đã thành lập Ủy ban Giám sát nghề du lịch ASEAN (ATPMC) để tổ chức triển khai MRA-TP.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn tìm hiểu về đất nước Thái Lan trong chuỗi chuyên đề “Du lịch Sài Gòn - Hội nhập ASEAN”
Đặc thù của nhân lực du lịch là phải vững chuyên môn, thạo kỹ năng nghiệp vụ để phục vụ du khách với tâm lý, nhu cầu, ngôn ngữ, văn hóa... rất khác nhau. Tuy nhiên, một thách thức lớn của ngành du lịch Việt Nam trong “cuộc chiến” cạnh tranh thị phần là sự thiếu hụt lao động chất lượng cao từ nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn cho đến tác phong, thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Ngoài ra, sự mất cân đối lao động theo vùng miền cũng là vấn đề khó khăn hiện nay. Khi hội nhập ASEAN, cơ hội nào cho lao động Việt Nam tại cuộc dịch chuyển này vẫn là câu hỏi lớn…
Cơ hội và thách thức
Việc triển khai MRA-TP sẽ có tác động đến tất cả các đối tượng liên quan trong ngành du lịch, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch, đặc biệt là người lao động trực tiếp và gián tiếp. Sự tác động này là thách thức hay cơ hội còn phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta đón nhận nó ở trạng thái chủ động hay bị động.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, nhận xét: Phải nói rằng cái nhìn về nghề nghiệp của giới trẻ hiện nay đã có sự thay đổi. Trước đây, khi đề cập đến phục vụ bàn, bưng bê, phần lớn các bạn đều không thích; nói đến hướng dẫn viên thì lại nghĩ đến sự vất vả, khó nhọc. Nhưng bây giờ, ngay khi còn ở phổ thông, được tiếp cận nhiều hoạt động, chương trình hướng nghiệp, các em bắt đầu biết chọn lựa, tự thấy khả năng và sở thích của mình để định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh sự yêu nghề, năng động và chịu khó, các em cũng không còn câu nệ quan niệm “thích làm thầy hơn làm thợ”. Hiện nay, các địa phương cũng đã liên hệ với dự án EU (chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) và các trường du lịch trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Trình độ ngoại ngữ cũng là điểm hạn chế của nhân lực nước ta hiện nay. Người lao động nếu không có sự tăng tốc, chuẩn bị kỹ lượng sẽ dễ bị lấn át bởi lượng lao động từ các nước trong khu vực. |
MRA-TP là động lực quan trọng trong việc nâng cao các tiêu chuẩn của ngành du lịch và trình độ của lực lượng lao động; mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như học tập, phát triển tay nghề. Các doanh nghiệp cũng nhờ đó mà có nguồn tuyển dụng nhân lực rộng hơn. Hoạt động du lịch cũng được xúc tiến thông qua việc hợp tác khu vực nhằm đưa ASEAN trở thành điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế với sản phẩm đa dạng; tăng cường kết nối, tạo ra một môi trường an toàn và an ninh, đồng thời bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm. Mở ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời MRA-TP cũng đặt ngành du lịch Việt Nam trước những thách thức mới, nhất là trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Lao động Việt Nam sẽ không chỉ cạnh tranh với lao động trong nước mà còn với cả các ứng viên khu vực. Điều này đòi hỏi người lao động phải thật vững chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng mềm, trau dồi vốn ngoại ngữ… để có thể tìm kiếm cho mình cơ hội việc làm tốt nhất.
Theo ThS Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn, để bước vào hội nhập ASEAN, tất cả trường đào tạo về du lịch phải thật sự nhạy và tiến hành một cách đồng bộ: phương pháp giảng dạy thay đổi, nội dung chương trình thay đổi, cơ sở vật chất thay đổi và phương pháp học tập cũng phải thay đổi. Hiện Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn đã tiến hành xây dựng và nâng cấp toàn bộ cơ sở vật chất, đầu tư các phòng học tích hợp. Lực lượng giảng viên đang chạy đua với thời gian để cập nhật giáo trình cũng như làm mới chính mình. Bên cạnh đó, trường còn tổ chức nhiều sự kiện nhằm tạo động lực học tập cho sinh viên, truyền cho các em ngọn lửa đam mê. Không chỉ giúp sinh viên thấy được những cơ hội, thách thức khi hội nhập mà phải làm sao để các em hiểu được tính cạnh tranh về nhân lực trong khu vực. Để làm được điều đó, các chuyên đề về hội nhập ASEAN luôn được nhà trường tổ chức liên tục dưới nhiều hình thức từ các cuộc thi, ngày hội cho đến talk show, CLB tiếng Anh… |
Muốn tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP và góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp không khói, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch các cấp, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về du lịch và người lao động phải có sự chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng; tổ chức đào tạo, tái đào tạo nhằm củng cố nội lực và tăng tính cạnh tranh. Hiện nay, ASEAN đang gấp rút hoàn thiện các yếu tố bảo đảm cho MRA-TP có hiệu lực và có thể chính thức áp dụng vào đầu năm 2016. Theo đó, ASEAN sẽ tiến hành đối chiếu các tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia, chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng, chứng chỉ của các nước với nhau thông qua hệ quy chiếu chung của ASEAN, từ đó hướng tới việc công nhận tương đương về trình độ tay nghề của lao động du lịch trong khu vực; xây dựng hệ thống đăng ký trực tuyến và phần mềm đánh giá trình độ năng lực lao động trên cơ sở các văn bằng, chứng chỉ.
Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo cái nhìn tích cực cho hình ảnh và uy tín của du lịch Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
Bài và ảnh: Lệ Trinh
Bình luận (0)