Không diễn biến nhanh như dịch bệnh, biến đổi khí hậu được ví như "kẻ hủy diệt ngầm", với mối đe dọa trên phạm vi toàn cầu.
Thách thức trước biến đổi khí hậu
Hiện tượng tăng nhiệt độ, băng tan chảy nhiều hơn, nước biển dâng cao, hạn hán ngày càng nghiêm trọng kéo dài cùng một loạt hiện tượng thời tiết bất thường... liên tiếp diễn ra. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên ngừng thờ ơ, bật "báo động đỏ" trong mỗi cá nhân về ý thức bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu?
Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng 0,5-0,7 độ C, mực nước biển đã dâng lên 20 cm và "liếm dần" vào những thửa ruộng; mùa nước nổi vùng ĐBSCL mỗi năm thấp thỏm đợi chờ... đặt ra không ít thách thức cho ngành du lịch Việt Nam trước công tác bảo tồn và phát triển bền vững.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, khách du lịch càng đòi hỏi nhiều hơn và hiểu biết hơn. Họ không chỉ ý thức về giá trị và giá cả mà còn hiểu biết về sự cần thiết của việc bảo tồn và bảo vệ môi trường. Ở một số quốc gia phát triển như châu Âu, người dân luôn cố gắng duy trì lối sống "giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế" trong cuộc sống hằng ngày và họ hy vọng có thể làm điều tương tự khi đi du lịch. Chẳng hạn như Paris - một thành phố sáng tạo và đổi mới với khoảng 300 sự kiện được lên lịch tổ chức suốt năm - luôn hướng tới việc xây dựng điểm đến xanh và có trách nhiệm với môi trường: ưu tiên phương tiện vận tải công cộng, phương tiện không dùng động cơ; tạo làn đường dành riêng cho xe bus; cho thuê xe đạp công cộng; mở rộng hệ thống tàu điện ngầm... Dự án cải tạo đường cao tốc dọc sông Seine và quảng trường Republique nhằm biến những nơi này thành các địa điểm dành cho người đi bộ. Cuối cùng, khẩu hiệu "giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế" cần được thực hiện chặt chẽ trong chuỗi cung ứng du lịch, lữ hành.
Rừng Trà Sư trong mùa nước nổi
Năm 2012, nhãn Du lịch bền vững Bông Sen Xanh với 81 tiêu chí do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam ban hành được xem là công cụ để đánh giá, quản lý công tác bảo vệ môi trường đối với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam. Chứng nhận Bông Sen Xanh sẽ cấp cho các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, có những nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, năng lượng; đóng góp vào việc bảo tồn di sản, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của địa phương đồng thời theo đuổi các chính sách phát triển du lịch bền vững.
Trách nhiệm với tài nguyên và môi trường
Sản phẩm du lịch như dây leo bám vào môi trường. Nếu cường độ hoạt động du lịch ở một địa phương càng mạnh thì sự tác động đến môi trường càng lớn. Ngày 21-3 vừa qua, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng đã gửi "tâm thư" kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ "quan ngại việc quy hoạch Sơn Trà thành một khu du lịch quốc gia, trong đó biến Sơn Trà thành các điểm lưu trú, khu vui chơi giải trí với mật độ lớn sẽ thu hẹp diện tích rừng, làm gia tăng tốc độ suy giảm môi trường sống tự nhiên, gia tăng áp lực, khả năng tìm kiếm thức ăn và nơi ẩn nấp của những sinh vật dễ bị nguy hại, dễ bị tuyệt chủng". Hiện đã có hơn 10.000 người ký tên bày tỏ nguyện vọng giữ Sơn Trà khỏi "bê tông hóa".
Bán đảo Sơn Trà từ lâu được xem như là báu vật của TP Đà Nẵng với sự đa dạng sinh học: 985 loại thực vật bậc cao (có 22 loại thực vật quý hiếm); 111 loại động vật phong phú và đặc hữu, trong đó có loài voọc chà vá chân nâu được xếp vào sách đỏ Việt Nam và danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên, thời gian qua, rừng Sơn Trà đang bị tổn thương do các hoạt động của con người. Rõ ràng, không chỉ riêng Sơn Trà mà trong công cuộc bảo vệ màu xanh của tài nguyên thiên nhiên, cần có sự quy hoạch du lịch hợp lý, trách nhiệm, bảo đảm cân bằng sinh thái.
Nhớ lại thời điểm tháng 5-2016, đứng trước những dấu hiệu thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng, Thái Lan đã đóng cửa một số hòn đảo du lịch nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của du lịch tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tại diễn đàn Bộ trưởng ACMECS mở rộng về du lịch có trách nhiệm, bà Kobkarn Wattanavrangkul - Bộ trưởng Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, chia sẻ: Chúng tôi luôn tin vào những lời dạy của quốc vương và hoàng hậu về việc phát triển đất nước theo hướng bền vững. Tính bền vững đến từ sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Từ lời khuyên không chặt phá rừng của đức vua mà chúng tôi có những điểm đến hấp dẫn. Khi quá nhiều khách du lịch đến một điểm, chúng tôi phải giới thiệu những sản phẩm mới để sử dụng ít đi các tài nguyên thiên nhiên.
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang có những chuyển biến mạnh mẽ, kèm theo các nguy cơ tiềm ẩn, gây tổn hại đến môi trường cũng như cộng đồng địa phương, việc thực hiện du lịch có trách nhiệm không thể chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải được cụ thể hóa bằng những chiến lược, chính sách, hành động đúng đắn, cụ thể.
Một số tác động cụ thể của chính sách và quy hoạch phát triển du lịch không xem xét đến các yếu tố bền vững:
- Phát triển quá nhanh, phát triển quá mức và quá đông khách làm thay đổi vĩnh viễn môi trường, hệ sinh thái trong khu vực tự nhiên.
- Rác thải gia tăng cùng với nạn ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí dẫn đến việc hủy hoại hoặc thay đổi môi trường cũng như giảm tính đa dạng sinh học.
- Tiềm ẩn nguy cơ thương mại hóa nền văn hóa, tính nguyên vẹn của các công trình và ý nghĩa văn hóa bị suy giảm nghiêm trọng.
- Các di tích lịch sử bị mất hoặc hủy hoại mà không thể thay thế và khôi phục.
Bình luận (0)