Mỗi lần đến Paris, tôi để ra nhiều ngày, tay cầm bản đồ metro, sử dụng xe điện ngầm để tự đi đến bất cứ nơi nào mình thích, lang thang hết khu phố nọ sang khu phố kia. Mỗi lần như thế, tôi lại có những khám phá mới về Paris thông qua những hiểu biết mới về nền văn hóa và lịch sử của nước Pháp
Cậu học trò trong vườn Luxembourg và những người bán sách cũ bên bờ sông Seine
Tôi đã không thất vọng khi tận mắt thấy vườn Luxembourg đẹp và giống như mình đã hình dung khi đọc Anatole France. Cảnh vật ở đây rất yên tĩnh, những hàng cây platane được tỉa thẳng tắp thành những bức tường lá tuyệt đẹp. Cuối vườn là điện Luxembourg, được nữ hoàng Marie de Medicis cho xây cất vào thế kỷ 19 và hiện nay là trụ sở của Thượng viện Pháp. Ở một góc vườn, một nhóm vài chục người Hoa lặng lẽ tập dưỡng sinh trong khung cảnh thật thanh bình.
![]() |
Hoàng hôn trên sông Seine |
Kiến trúc cổ xưa nhất ở Paris
Hầu hết những công trình kiến trúc ở Paris đều được xây cất từ thời Trung cổ (thế kỷ 13-14) hoặc thời kỳ Phục hưng (thế kỷ 15-16) và kéo dài về sau. Riêng hai công trình được xây cất từ thời kỳ đô hộ của đế chế La Mã được xem là cổ xưa nhất thì lại được phát hiện rất tình cờ mãi sau này.
![]() |
Những kiến trúc cổ ở Paris |
Trước hết là đấu trường Lutèce (Les arènes de Lutèce). Kiến trúc ở đây mô phỏng theo đấu trường Coliseum ở Roma, nhưng có quy mô nhỏ hơn. Tuy vậy, nó vẫn có sức chứa được hai vạn người. Đây là nơi mà nhà cầm quyền cho các chiến sĩ giác đấu được tuyển chọn từ những kẻ nô lệ ra giao chiến với nhau cho đến khi một bên bị giết chết mới thôi, hoặc cho người giao đấu với thú dữ như hổ và sư tử và thường đều bị thú dữ ăn thịt. Đó là trò tiêu khiển của quý tộc La Mã thời xưa. Đấu trường Lutèce bị chôn vùi dưới lòng đất hàng nghìn năm, cho đến đầu thế kỷ 19, khi chính quyền Paris cho đào đất để làm đường mới phát hiện ra nó. Đấu trường nằm bên cạnh đường Monge ở quận 5.
Di tích cổ thứ hai là các nhà tắm của người La Mã (Thermes), hiện còn được bảo tồn trong một viện bảo tàng gần đấu trường Lutèce. Tiếc rằng hôm tôi đến thì bảo tàng đóng cửa.
Nghĩa trang Père Lachaise với bức tường các chiến sĩ công xã Paris
Nghĩa trang này nằm ở quận 20, tận rìa phía Đông của Paris. Đây là nơi chôn cất rất nhiều danh nhân nước Pháp, bao gồm văn nhân, thi nhân, nghệ sĩ, chính trị gia, tướng lĩnh, các nhà đại tư bản... Nhiều danh nhân nước ngoài cũng yên nghỉ nơi đây như nhạc sĩ Chopin (Ba Lan), họa sĩ Modigliani (Ý), nhà văn Oscar Wilde (Ái Nhĩ Lan)... Các ngôi mộ đều là những công trình kiến trúc đa dạng, đẹp mắt.
![]() |
Những kiến trúc cổ dọc bờ sông Seine |
Nghĩa trang quá rộng. Tôi đi về góc cuối ở phía Đông Nam, nơi trên bản đồ có ghi bức tường các chiến sĩ Công xã Paris năm 1871.
Dưới chân tường là những luống hoa đẹp nhiều màu sắc. Hai bên tường là bia tưởng niệm các tù nhân của phát xít Đức trong các trại tập trung Ravensbruck, Auschwitz trong chiến tranh thế giới thứ II. Bên kia đường, đối diện các bức tường là mộ các vị lãnh tụ nổi tiếng của Đảng Cộng sản Pháp như Maurice Thorez, Waldeck Rochet, Jacques Duclos, Marcel Cachin. Các ngôi mộ đều xây bằng đá hoa cương đen rất uy nghiêm. Đi thêm một chút, tôi tới trước tấm bia tưởng niệm các chiến sĩ chống phát xít trong chiến tranh thế giới thứ II.
Bia tưởng niệm liệt sĩ Huỳnh Khương An
Thật mừng và xúc động khi đọc trong một tấm bia lớn tên một người Việt Nam. Đó là tấm bia tưởng niệm các chiến sĩ Pháp đã bị phát xít Đức xử tử năm 1941 tại thành phố Châteaubriant (tỉnh Loire Atlantique). Trong danh sách hơn 20 người trên tấm bia, có dòng chữ Huynh Khuong An, étudiant annamite (Huỳnh Khương An, sinh viên An Nam). Trước đây, báo chí Sài Gòn đã từng nhắc đến người thanh niên này. Huỳnh Khương An là con trai của ông Huỳnh Khương Ninh - một nhà giáo yêu nước thời Pháp thuộc đã thành lập trường tư thục mang tên ông tại Sài Gòn. Huỳnh Khương An sang Pháp du học hồi trước chiến tranh thế giới thứ II, tốt nghiệp cử nhân văn chương và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, tham gia phong trào kháng chiến chống phát xít Đức rồi bị bắt và bị xử tử cùng với 26 chiến sĩ yêu nước khác năm 1941. Lúc đó, Huỳnh Khương An mới 29 tuổi. Nước Pháp nhớ công ơn của người thanh niên Việt Nam ấy, đã lấy tên anh đặt cho một chiến thuyền của hải quân Pháp và ghi tên anh trên bia tưởng niệm tại nghĩa trang Père Lachaise.
Bình luận (0)