Là khách ruột của chị, trong mấy thứ chị bán, tôi mê nhất món mắm chua cá lòng tong được ủ kỹ sau những ngày mưa ròng.
Tánh chị Lành cũng lạ, tuy bán cá đồng nhưng hễ có đàn lòng tong ngon, chị lại để dành cho mẹ làm mắm chua, nhất định không bán cho khách.
Mấy lần tôi thắc mắc, chị cười: "Mẹ tôi làm mắm chua số dzách, ai ăn cũng mê. Không làm thì thôi, nếu làm thì mẹ yêu cầu phải chọn cá thật tươi, thật ngon. Có hôm mang cá về, chưa kịp làm sạch thì tôi phải chạy hàng, thế là cá mất tươi, bả bắt kho quẹt ăn mấy ngày ngán luôn".
Hèn gì, trong hũ mắm của chị, con cá nào cũng còn nguyên, tươi rói, dù là cá heo to cỡ ngón tay trỏ hay mấy con tép riu bằng cây tăm thì thịt vẫn dai, không lẫn vào đâu được. Đã vậy, hũ mắm còn có thêm vài lát ớt đỏ, vài miếng tỏi bào trông thật kích thích các giác quan.
Tôi là dân ghiền mắm lại dễ ăn nên dù là mắm miền Trung đậm đà hay mắm miền Tây ngòn ngọt đều ăn tuốt. Nhưng phải nói, vị mắm chua cá lòng tong này thật sự ngon và khác biệt. Không biết mẹ chị có bí quyết gì nhưng chỉ cần mở hũ mắm ra, hít hà nhẹ cái mùi thơm dịu ngọt, ngay lập tức tuyến nước bọt bị quyến rũ liền. Là khách ruột gần 3 năm trời nhưng mấy lần mon men hỏi bí quyết, chị Lành chỉ cười: "Hôm nào hỏi mẹ tôi chỉ cho". Tôi đoán chị ấy giấu nghề, vậy mà hôm qua, khi tôi ghé mua 3 hũ mắm, chị khều nhẹ: "Ê, mắm không khó làm mà quan trọng là kinh nghiệm".
Cá lòng tong sau khi bắt về, bóp nặn cho sạch ruột rồi rửa sạch nhưng phải khéo để cá không nát thịt. Cá được trộn với muối và gạo rang rồi đằm lá chuối trên mặt. Sau đó tất cả được cho vào chum để ủ. Chừng 30 ngày là ăn được. Mắm thành phẩm để đậm đà, dễ ăn có thể thêm đường, tỏi, ớt; ăn với khế, chuối chát, đậu rồng đều ngon cơm.
Hỏi bí quyết cho biết vậy thôi chứ không biết chừng nào tôi mới làm bởi thời bây giờ, kiếm con cá lòng tong tươi đâu có dễ. Thôi thì có được mối mắm ngon của chị, cứ dăm ba bữa lại mua bún, rau sống, thịt ba rọi làm một bữa "ngon nhức nhối".
Bình luận (0)