Nhiệm vụ của MRA-TP là tạo ra một cơ chế giúp thống nhất và công nhận tương đương trình độ năng lực nghề du lịch trong toàn ASEAN dựa trên trình độ chuyên môn và chứng nhận; khuyến khích trao đổi thông tin để triển khai hiệu quả nhất việc giáo dục và đào tạo nghề du lịch; tạo cơ hội hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN.
Cơ hội và thách thức
MRA-TP sẽ khuyến khích tự do hóa thị trường lao động du lịch, tạo điều kiện cho người lao động có trình độ được ứng tuyển công việc tại các quốc gia khác trong khu vực, mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như học tập, phát triển tay nghề. Các doanh nghiệp cũng nhờ đó mà có nguồn tuyển dụng rộng hơn.
Ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước sự thiếu hụt nhân sự chất lượng cao từ nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn cho đến tác phong, thái độ phục vụ chuyên nghiệp. MRA-TP là động lực quan trọng trong việc nâng cao các tiêu chuẩn của ngành du lịch và trình độ của lực lượng lao động. Việc triển khai MRA-TP sẽ có tác động đến tất cả đối tượng liên quan trong ngành du lịch, bao gồm cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở đào tạo du lịch, đặc biệt là người lao động trực tiếp và gián tiếp. Sự tác động này là thách thức hay cơ hội còn phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta đón nhận nó ở trạng thái chủ động hay bị động.

Phòng học tích hợp lý thuyết - thực hành tại trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn
“Bắt nhịp” hội nhập
Để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP và quá trình hội nhập du lịch trong ASEAN, phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động của các bên liên quan thông qua việc tăng cường hoạt động quản lý, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Điều đó đòi hỏi các đơn vị đào tạo thật nhanh nhạy, tích cực đầu tư cơ sở vật chất; thay đổi, cập nhật thường xuyên giáo trình kết hợp phương pháp giảng dạy tích hợp nhằm giúp người lao động vững vàng về kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
ThS Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn, cho biết: “Đội ngũ giảng viên - cơ sở vật chất - giáo trình đào tạo là 3 vấn đề cốt lõi được Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Sài Gòn triển khai đồng bộ trong thời gian qua. Ngoài việc chuẩn hóa kỹ năng nghề theo Tiêu chuẩn ASEAN; giảng viên trường cũng phải thay đổi trong tư duy và phương pháp giảng dạy. Để mỗi giảng viên, nhân viên đều có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của quá trình hội nhập, chủ động trang bị kiến thức kinh tế, xã hội và kỹ năng giao tiếp, trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề: Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN. Các sinh viên khi nhập học cũng sẽ trải qua 10 tiết học về hội nhập kinh tế quốc tế”.
Thời gian qua, các địa phương cũng đã kết hợp cùng dự án EU (Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) và các trường du lịch trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo cái nhìn tích cực cho hình ảnh và uy tín của du lịch Việt Nam.
Bình luận (0)