Theo các chuyên gia, du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực của Covid-19 trực tiếp và rõ nét nhất, cả về lượng khách quốc tế tới Việt Nam, khách Việt đi du lịch nước ngoài và thị trường du lịch nội địa.
Thị trường xa cũng vạ lây
Ông Giang Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Viet Princess, cho biết từ khi xảy ra Covid-19 đến nay, nhiều đoàn khách từ châu Âu, Mỹ... đã hủy tour. Các công ty bảo hiểm cũng không bán bảo hiểm với những tour đến quốc gia có dịch. Khách từ châu Âu, Mỹ tới Việt Nam thường phải bay chuyến bay dài hơn 20 giờ, dù đeo khẩu trang nhưng ngồi trong không gian kín quá lâu họ vẫn sợ nguy cơ lây nhiễm. Hiện Việt Nam chưa có đường bay thẳng tới Mỹ và một số nước châu Âu nên du khách phải quá cảnh. Các đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ngừng nên khách phải bay quá cảnh xa hơn, giá vé máy bay cũng tăng cao do nhu cầu quá cảnh nhiều hơn trước.
Du khách được phát tặng khẩu trang ở khu vực hồ Con Rùa (quận 3, TP HCM) Ảnh: QUANG LIÊM
"Các doanh nghiệp (DN) phục vụ khách quốc tế ở nhiều thị trường như châu Âu, Mỹ, Úc... cũng bị vạ lây chứ không chỉ riêng thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Khách quốc tế ở thị trường xa thường đặt tour trước 1-2 năm nên khi có dịch là họ hủy tour ngay. Hiện các tour của công ty đón khách vào tháng 10-2020 cũng đã bị hủy hoặc không bán được. Tác động về lâu dài rất khó khăn và khó hồi phục" - ông Giang Hoàng Hải lo lắng.
Ngay với thị trường nội địa, DN lữ hành cũng sốt ruột không kém. Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho hay thời điểm này những năm trước, khách đặt tour đi Đông Bắc, Tây Bắc, vịnh Bắc Bộ... rất đông nhưng giờ không thấy ai liên lạc. Khoảng 10 đoàn khách đã đặt tour trước Tết, công ty cũng đặt dịch vụ lưu trú, nhà hàng, vận chuyển... để khởi hành sau Tết nhưng đến giờ phần lớn đều hủy hoặc chuyển sang cuối năm. Lượng khách đăng ký giảm hơn 50% so với cùng kỳ.
"Công ty có hứa sẽ tăng lương cho nhân viên sau Tết nhưng tình hình này thì phải điều chỉnh, cố gắng duy trì mức lương như hiện tại" - ông Trần Thế Dũng nói.
Tìm cơ hội ở thị trường trong nước
Trong báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của Covid-19 đến nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia phân tích của Viện Đào tạo và Nghiên cứu - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nhận định du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh một cách trực tiếp và rõ nét nhất.
Về du lịch quốc tế (khách Trung Quốc tới Việt Nam và khách Việt đi du lịch nước ngoài), thu từ du khách nước ngoài chiếm khoảng 6,1% GDP Việt Nam năm 2019, trong đó khách Trung Quốc đóng góp khoảng 32,2%. Trung Quốc là thị trường có lượng khách lớn nhất đến Việt Nam trong 5 năm trở lại đây và 70% đến bằng đường hàng không. Trước tác động của dịch bệnh, dự kiến lượng khách Trung Quốc và một số nước châu Á đến Việt Nam cũng như du khách Việt đi nước ngoài sẽ giảm mạnh từ tháng 2-2020.
Đánh giá sơ bộ của Ngân hàng ANZ về tác động của dịch bệnh, Việt Nam là một trong những nước ở khu vực chịu tác động tiêu cực về du lịch, khiến GDP có thể giảm 0,37 điểm phần trăm trong trường hợp lượng khách Trung Quốc đến, giảm 75% vào 3 tháng tới.
"Nguồn thu từ khách nội địa cũng giảm mạnh khi Chính phủ có chỉ thị tạm dừng và hạn chế nhiều hoạt động lễ hội. Covid-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến một số ngành nghề phục vụ lễ hội (khoảng 8.000 lễ hội/năm, theo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), từ ăn uống, vận tải, du lịch, lữ hành... Từ đó, ảnh hưởng nhất định tới lĩnh vực du lịch trong nước và nền kinh tế trong ngắn hạn" - TS Cấn Văn Lực nhận xét.
Để ứng phó, nhiều DN kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế thu nhập DN, lùi thời hạn nộp thuế GTGT trong quý I/2020 để hỗ trợ DN. Từng DN cũng tìm phương án ứng phó, như tập trung vào thị trường nội địa trong bối cảnh dịch ở Việt Nam đang được kiểm soát tốt; nhà nước sớm có chương trình kích cầu, quảng bá xúc tiến ở thị trường nước ngoài để vực dậy nguồn khách những thị trường trọng điểm...
Ông Giang Hoàng Hải phân tích với những thị trường châu Á, khả năng phục hồi nhanh hơn khi khách đặt tour trước lịch khởi hành sớm. Nếu dịch được kiểm soát tốt, ngành du lịch có thể quảng bá sớm Việt Nam là điểm đến qua chương trình xúc tiến ngay khi hết dịch. Riêng với các thị trường xa như châu Âu, Úc, Mỹ... thì nên miễn - giảm visa, có chương trình quảng bá hấp dẫn. Nếu Chính phủ giảm thuế cho DN, các khách sạn, nhà hàng, đơn vị vận chuyển, công ty du lịch... cũng cần đồng lòng không tăng giá hoặc chấp nhận giảm giá để kích cầu với chất lượng không đổi, cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực.
Trong khi đó, một số DN khác đang chuyển hướng, tập trung xúc tiến thị trường nội địa. Bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Vietravel, cho biết hầu hết tổng cục du lịch các nước đều đưa ra khuyến cáo không để du khách đến từ Trung Quốc hoặc quá cảnh tại Trung Quốc nhập cảnh. Đồng thời, tại mỗi quốc gia đều có biện pháp kiểm soát và phòng bệnh đến mức tối đa cho người dân và du khách.
Vietravel cũng liên tục cập nhật thông tin để tổ chức tour khởi hành đến các nước có khí hậu ấm áp và trong lành như Bhutan, Bali - Indonesia, Phuket - Thái Lan, Ấn Độ, Perth - Úc, New Zealand, Canada, Mỹ và châu Âu… Tại Việt Nam, các tuyến tour về miền Tây, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ vẫn được ưu tiên tư vấn cho khách hàng. Để kích cầu, Vietravel đang giới thiệu bộ sản phẩm tour khuyến mãi, giảm giá đến 60% với những điểm đến được làm mới và dịch vụ được nâng cấp.
An toàn của du khách là ưu tiên hàng đầu
Ngày 12-2, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tiếp tục gửi thư tới bạn bè và đối tác quốc tế của ngành du lịch, thông tin về việc du lịch Việt Nam đang tích cực ứng phó với tác động của Covid-19. Tổng cục trưởng nhấn mạnh hiện nay "các điểm tham quan, khu di tích, nhà hàng phục vụ khách du lịch vẫn được mở cửa bình thường". Một số điểm tham quan luôn sẵn sàng các điều kiện tốt nhất nhằm tăng cường phòng chống dịch như phun khử trùng, phát khẩu trang, đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách. Trong thời gian dịch bệnh diễn ra, ngành du lịch sẽ duy trì trách nhiệm với cộng đồng xã hội và đặt ưu tiên hàng đầu đối với sự an toàn của du khách.
Bình luận (0)