Tại Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia cũng có khu Chinatown. Mang trong mình những phong tục tập quán đặc trưng, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa phương Đông..., người Hoa ở Kuala Lumpur vẫn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa của họ từ các thế hệ trước mặc dù sống tại một đất nước mà Hồi giáo được xem là tôn giáo chính.
Một trong những công trình kiến trúc tôn giáo nổi bật tại Kuala Lumpur chính là chùa Bà Thiên Hậu, ngôi chùa xây dựng theo kiến trúc Trung Hoa được xem là lớn nhất Đông Nam Á.
Chùa Bà Thiên Hậu - Malaysia
Chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc trên một khu đất cao (có tên là Robson Heights) nhìn xuống đường Syed Putra, có diện tích 6.760 m2. Động thổ vào ngày 30-8-1981, khởi công xây dựng vào ngày 27-11-1983, công trình hoàn tất vào năm 1987, chính thức khánh thành vào ngày 3-9-1989. Chi phí xây dựng chùa là 7 triệu ringit và điều thú vị là toàn bộ chi phí đều do cộng đồng ngư dân gốc Hải Nam quyên góp.
Dù tên gọi là chùa Bà Thiên Hậu nhưng ngay trước chùa có đặt tượng phật bà Quan Âm. Đây cũng là truyền thống của các ngôi chùa Hoa ở Malaysia.

Chùa có 4 tầng: tầng 1 làm nơi bán đồ lưu niệm và các quầy bán đồ ăn chay. Tầng 2 là nơi tổ chức tiệc cưới cho các đám cưới người Hoa (họ rất thích tổ chức đám cưới tại đây). Tầng 3 dùng làm văn phòng và nơi đăng ký tiệc cưới. Tầng trên cùng (Top level, không gọi là tầng 4 vì kiêng cử) là nơi thờ phụng, diễn ra các nghi lễ cúng kiến hằng ngày.

Từ tầng trên cùng, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa chiêm ngưỡng cảnh quan của thủ đô Kuala Lumpur từ trên cao. Phía trước là khu vực tháp đôi Petronas và gần bên là tháp truyền hình Menara Kuala Lumpur.
Giống như kiến trúc của phần lớn các ngôi chùa Hoa, hình tượng rồng rất được ưa chuộng và xuất hiện ở mọi nơi. Từ các cột, các diềm và trên mái chùa. Hai cột phía trước chính điện được đắp nổi hình rồng rất công phu và chăm chút từng chi tiết.
Thậm chí khoảng trống nằm giữa hai bên cầu thang dẫn ra ngoài sân thượng cũng được đắp nổi hình rồng.
Trước khi vào chính điện làm lễ, khách thập phương đốt và thắp hương phía trước vì bên trong chính điện không cho thắp hương.
Bên trong chính điện tôn trí 3 pho tượng sơn son thếp vàng. Tượng thờ Thiên Hậu nương nương được bài trí ngay chính giữa. Thiên Hậu nương nương là một vị thần quan trọng trong tín ngưỡng của người Hoa và người Việt gốc Hoa. Bà được xem là vị thần phù hộ cho ngư dân và người đi biển, được tôn kính đặc biệt cả trong Phật giáo và Đạo giáo ở các quốc gia Đông Nam Á, nhất là tại Đài Loan.
Phía bên trái chính điện là tượng phật bà Quan Âm. Chúng ta thấy có một sự hòa hợp giữa tín ngưỡng Phật giáo và Đạo giáo. Chính vì vậy nên dù chủ yếu là thờ Thiên Hậu nương nương nhưng nó vẫn được gọi là chùa.
Phía bên phải đặt tượng thờ Thủy Biên nương nương (cũng được gọi là Hải Biên nương nương) là vị nữ thần giữ cho sóng yên, biển lặng. Theo truyền thuyết, nữ thần đã hiển linh tại một làng chài trên đảo Hải Nam. Ngôi đền thờ đầu tiên được xây dựng tại cảng Qin-Lan, Hải Nam.
Không chỉ ngày lễ mới có đông đảo khách thập phương đến viếng chùa, mà trong cả ngày thường cũng có nhiều thiện nam tín nữ đến chùa chiêm bái. Cho dù bây giờ người Hoa tại Kuala Lumpur không còn theo nghề biển nhưng họ vẫn đến cúng bái để cầu bình an cho bản thân, gia đình, người thân và tất cả những người theo nghề đi biển.
Phía bên hông chính điện có “giếng ước”, đặt một pho tượng phật bà Quan Âm. Tượng được thiết kế để khi có người quỳ xuống cầu nguyện thì “nước cam lồ” sẽ chảy xuống từ chiếc bình trên tay phật bà Quan Âm.
Sau khi thắp hương cầu nguyện và viếng cảnh chùa, lối đi xuống sẽ dẫn khách hành hương đến tầng 1, nơi phục vụ ăn uống (chủ yếu là bánh, kẹo, kem và các món chay) và bán các vật dụng lưu niệm.
Vì chùa Bà Thiên Hậu là điểm tham quan thu hút đông đảo du khách quốc tế nên ngoài các đồ lưu niệm thường thấy được bán tại các chùa như xâu chuỗi, tràng hạt, tượng phật, kinh sách... các quầy hàng tại đây cũng bán những đồ lưu niệm khác.

Mô hình tháp đôi là mặt hàng được bán nhiều nhất với sản phẩm rất đa dạng. Ngoài ra, các mặt hàng trang sức và thủ công mỹ nghệ cũng chiếm phần lớn.
Bên hông chùa dành ra một khoảng sân để đặt tượng 12 con giáp và là nơi các cháu bé rất thích thú, tập trung chụp ảnh hay vui đùa cùng với cha mẹ.
Nếu có dịp đến chùa Thiên Hậu thì ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc truyền thống độc đáo của người Hoa tại Malaysia thì các bạn đừng quên thắp nhang nguyện cầu những điều tốt đẹp cho gia đình và người thân nhé.
Bài và ảnh: Nguyễn Tuấn Quyền
Bình luận (0)