Biết mẹ con tôi đăng ký tour thưởng ngoạn không khí xuân phương Bắc từ sau ngày đưa ông Táo về trời nên ông Trần Đức Thịnh - Giám đốc Truyền thông Công ty Du lịch TST tourist - tư vấn: nếu không ăn Tết trong Nam, chị nên về Đồng Tháp thời điểm này để hưởng trọn sắc xuân Nam Bộ. Thật độc đáo và không phải lúc nào cũng có. Nghe cũng có lý, thế là chúng tôi đã thẳng tiến về Sa Đéc để ngắm hoa Xuân và tham quan vườn quýt trong không khí Xuân ấm áp, nhẹ nhàng đang chộn rộn lan tỏa trên mọi nẻo đường miền Tây.
Rạng rỡ quýt hồng Lai Vung
Nằm ven bờ sông Hậu, Lai Vung là vùng đất phù sa màu mỡ, thích hợp với nhiều loại cây ăn trái; đặc biệt là quýt hồng. Chính khí hậu và thổ nhưỡng Lai Vung đã giúp cho quýt hồng đẹp về hình thức và chất lượng thơm ngon không loại quýt nào sánh kịp. Quả thật không ngoa khi người miền Tây hào sảng gọi Lai Vung là “vương quốc quýt hồng” với diện tích canh tác lên đến 2.000 ha và hằng năm phục vụ thị trường tết trên 40.000 tấn. Không chỉ tiêu thụ ở miền Bắc, Trung và các tỉnh ĐBSCL, TP HCM…, quýt hồng Lai Vung còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Trên con đường dẫn vào vườn quýt Lai Vung, chúng tôi đã mục kích cảnh tất bật đóng gói, vận chuyển hàng đi khắp mọi miền đất nước.
Quýt màu cam đỏ nõn nà, vàng ươm, óng ả, trĩu quả, no tròn và căng mọng; trông hấp dẫn không kém gì gái đẹp tuổi cập kê. Được sự giới thiệu của ông Võ Quốc Đỉnh - Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại và Du lịch tỉnh Đồng Tháp - chúng tôi ghé thăm vườn quýt của ông Lưu Văn Tín, ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, Lai Vung. Một cảm giác thần tiên, lãng mạn hệt như bước vào vườn cổ tích. Khu vườn của ông Tín tồn tại hơn 20 năm, rộng 6.500 m2, trồng 520 gốc quýt, cây nào cũng sai oằn trái, thu hoạch 60-65 tấn quýt/năm. Chia sẻ với chúng tôi, ông Tín cho biết: quýt hồng là loại cây đỏng đảnh, nắng không ưa, mưa không chịu; gió rét cũng không; một năm chỉ kiên quyết cho ra một vụ vào giáp Tết, dù cải tiến kỹ thuật kiểu nào cũng không có vụ thứ hai. Để chuẩn bị cho quýt Tết, tôi phải tất bật từ tháng 2 âm lịch, tỉa cành, xử lý ra hoa; bón phân, trừ sâu bệnh. Tháng 5, 6 tuyển trái, lựa quả tròn đều; tháng 7 cắt bỏ những trái nhỏ. Trong khi những loại trái khác chỉ trồng vài tháng là có quả; quýt hồng phải hơn 10 tháng mới ra thành phẩm. Tuy nhiên trồng quýt lợi nhuận khá cao nên đã giúp nông dân Lai Vung đổi đời. Quýt Lai Vung màu đẹp, rất chuộng để chưng Tết vì tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc; vị ngọt thanh pha lẫn chút chua chứ không ngọt gắt như những loại quýt khác; vỏ dễ bóc, không dính múi, trái chắc; có thể bảo quản được trong vòng nửa tháng.
Đặc biệt, ông Tín tự hào: Tôi tham gia trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP nên ít phải xịt thuốc hơn, đỡ tốn kém mà cây trồng cũng ít bệnh; trái quýt đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Đã từng tham quan vườn cây trái ở nhiều quốc gia, chứng kiến cách họ tổ chức tour thật chuyên nghiệp để “móc túi” khách du lịch một cách… rất văn hóa, tôi hơi bất ngờ khi những vườn quýt đẹp như thế này ở Lai Vung lại chưa đưa vào phục vụ du lịch; góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Đồng Tháp. Đặt câu hỏi với ông Tín, tôi được biết câu chuyện này ngoài sức của nhà nông; chỉ có nhà nước mới có thể làm được.
Lộng lẫy sắc hoa Sa Đéc
Với lịch sử hình thành trên 250 năm, Sa Đéc là vùng sản xuất hoa kiểng nổi tiếng khu vực ĐBSCL với hơn 2.500 chủng loại, cung cấp cho nhiều vùng trong cả nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia… Đến nay diện tích trồng hoa kiểng Sa Đéc trên 400 ha, với hơn 2.000 hộ tham gia sản xuất và kinh doanh hoa kiểng. Mỗi dịp tết, Sa Đéc cung cấp 20.000 - 30.000 sản phẩm hoa ra thị trường.
Chúng tôi đặt chân đến đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao vào những ngày giáp Tết 2015 và như rơi vào cõi mơ hoa với muôn vàn chủng loại, sắc màu sặc sỡ muôn hồng nghìn tía. Hoa Sa Đéc vô cùng phong phú về chủng loại; nào hồng tỉ muội, cúc đại đóa, mâm xôi, vạn thọ, đồng tiền, mào gà, thược dược, mai dạ thảo, lan, huệ đỏ, kim phát tài… đến những loại nhập từ nước ngoài về như dạ yến thảo, vạn lộc, phú quý, ngọc ngân, hồng hoa… Sắc đã lộng lẫy quyến rũ đến mê người như thế lại thêm hương thơm ngây ngất, thanh cao; chả trách những vườn hoa Sa Đéc khi xuân về luôn là “địa chỉ đỏ” của giới tao nhân mặc khách.
Có lẽ điều đặc biệt của làng hoa Sa Đéc là hoa kiểng không trồng trên đất canh tác, dưới liếp đất mà được đặt trân trọng trên giàn cao trong giỏ tre để chống ngập nước và dễ vận chuyển khi giao thương. Thật thú vị khi chúng tôi mục kích cảnh những nhà nông chèo xuồng chăm sóc hoa trông rất lãng mạn hay cảnh trên bến dưới thuyền vận chuyển những chậu hoa được gói ghém cẩn trọng để thương nhân giao dịch. Trên các bến hoa, người người chăm sóc hoa, già trẻ bé lớn, chẳng phân biệt trai gái… tất cả đều say hoa đến vô tận bởi lẽ hoa là hàng hóa đặc biệt của đời sống tinh thần mà chẳng ai không thích thưởng lãm cái thú vui tao nhã này những lúc thảnh thơi!
Thêm nữa, năm nay nhà nhà ở Sa Đéc đều có vườn hoa và du khách có thể ngủ lại nhà dân ngắm hoa đồng thời thử một lần cùng nông dân chăm sóc hoa. Có lẽ vì thế khách muôn phương ùn ùn kéo về Sa Đéc để ngắm cảnh, chụp hình và mua những chậu hoa vừa ý chưng tết nên đông như trẩy hội.
Quả là một mùa Xuân phương Nam đầy ý nghĩa, mộc mạc, ấm áp, bình dân như khẩu khí, tính cách của người Nam Bộ!
Bình luận (0)