City tour với những sản phẩm “không - hoàn - hảo”
Vượt quãng đường 350 km với gần 9 tiếng ngồi tàu hỏa từ Ga Sài Gòn đi Ninh Thuận, sáng hôm ấy đón chúng tôi không phải bằng cái “nắng như Rang, gió như Phang” vốn có mà Phan Rang - Tháp Chàm ôm lữ khách phương xa vào lòng bằng bầu trời trong xanh sau cơn mưa, cùng gió nhẹ và nắng nhạt.
Tháp Po Klong Garai là điểm dừng chân đầu tiên trong chương trình City tour nửa ngày tại Phan Rang - Tháp Chàm. Từ xa xa trên đồi Trầu, cụm tháp lừng lững đứng giữa đất trời, nổi bật, ngạo nghễ như một chứng tích của nền văn hóa cổ vẫn còn hiên ngang thách thức với thời gian.
Tháp Po Klong Garai là quần thể tháp Chăm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIII đầu thế kỷ thứ XIV, mang tên một vị vua vĩ đại trong huyền sử của người Chăm. Tương truyền, tòa tháp cũng do chính vị vua ấy dựng nên để tưởng nhớ thuở hàn vi của mình. Cụm tháp màu đỏ cam ánh lên rực rỡ dưới bầu trời trong xanh, những viên gạch tuyệt nhiên không vướng đọng màu rêu phong khiến ta phải trầm trồ về kỹ thuật xây dựng của người Chăm xưa kia.
Trải qua năm tháng, tháp Po Klong Garai vẫn nằm đó, bí ẩn, đơn độc giữa nắng cháy cất lên tiếng hát riêng mình. Tiếng hát như gió, lúc dịu nhẹ phiêu bồng, lúc cuộn tràn sắc cạnh. Dốc cạn và trút bỏ hết những bài học trên lớp, tôi đến chào đền Tháp như trang giấy trắng với mong muốn được lấp đầy. Không gian đền tháp sáng hôm ấy cho tôi cảm giác bình yên đến lạ.
Rời Tháp Po Klong Garai, chúng tôi di chuyển đến trang trại nho 15 hecta của bác Nguyễn Văn Mọi (tọa lạc thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) - người nông dân đầu tiên trồng nho theo hướng VietGAP và cũng là vị “tiền bối” có công xây dựng thương hiệu nho Ninh Thuận.
Xin được gọi bác bằng cái tên gần gũi: bác Ba. Bác đón tiếp chúng tôi bằng tấm lòng chân chất của người nông dân với nụ cười đôn hậu luôn nở trên môi. Bất ngờ nhất chính là việc bác đã chuẩn bị chu đáo đâu ra đó nào là chỗ ngồi, máy chiếu, soạn thảo Power Point thật chỉn chu để trình bày cho đoàn hiểu về đặc điểm sinh trưởng của cây nho Ninh Thuận cũng như quy trình sản xuất rượu vang nho…
Chúng tôi đã có buổi trò chuyện thân tình với bác Ba, được lắng nghe những trăn trở và ước vọng của bác trong nghề. Bác thổ lộ trong xúc động: “Chừng nào du lịch nước nhà còn những tiêu cực như chèo kéo, chung chi… thì du khách sẽ một đi không trở lại”.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường mòn nhỏ rực sắc hoa ti gôn, trúc tím, tường vy để tham quan vườn nho; bác Ba ân cần vào vai một “hướng dẫn viên” thứ thiệt. Ở bác, chất giản dị và lãng mạn luôn song hành. Thi thoảng, những câu thơ tha thiết trong “Màu tím hoa sim” hoặc giai điệu ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ” lại được điểm xuyến thêm trong mạch văn của bác một cách rất tự nhiên.
Lần đến tham quan trang trại nho của bác Ba đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Những sản phẩm “cây nhà lá vườn” như nho, táo, sirô nho… được bác Ba chiêu đãi miễn phí. Đón tiếp khách bằng cái tình quý mến, bằng sự gần gũi chân thành; có thể nói sản phẩm du lịch mà bác đã và đang tạo ra là có một không hai.
Tạm biệt bác Ba, đoàn tiếp tục khám phá điểm đến cuối cùng trong chương trình nửa ngày City tour Phan Rang - Tháp Chàm: làng gốm Bàu Trúc.
Ninh Thuận - miền đất người ta thường hay nói rằng một năm chỉ có một mùa: nắng và gió. Gió thổi rát da, nắng cháy sém tóc. Phan Rang, cái tên đọc lên đã đủ sức gợi về miền khô khan gió cát. Ở xứ ấy, bao đời nay hiện diện một làng gốm cổ, nơi người nghệ nhân nói không với chiếc bàn xoay…
Đoàn chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất gốm Bàu Trúc của nghệ nhân Đàng Xem (thuộc KP.7, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước) khi trời đã vào trưa. Tại đây, dù là đàn ông hay phụ nữ, thì những đôi bàn tay vẫn khéo léo, mềm mại vuốt trên thân gốm. Người thợ xoay quanh chiếc bàn, mỗi vòng xoay, chiếc bình dần hiện ra, đơn giản và thô mộc nhưng đầy cuốn hút.
Được tận mắt chứng kiến các thao tác làm ra một sản phẩm gốm Bàu Trúc từ người nghệ nhân, tôi mới thấy thấm thía sự dày công, chắt chiu trong từng chi tiết, thấy thấm thía ý nghĩa của từng giọt mồ hôi người nghệ nhân đổ xuống để từng ngày góp phần bảo tồn làng gốm Chăm cổ nhất Đông Nam Á.
Một cuộc đời từ những bé gái rồi thiếu nữ, rồi đàn bà, rồi cụ già Chăm là những bước chân xoay quanh những chiếc lu, bình cũ, soi tìm bóng dáng và ý nghĩa đời sống của mình qua nắm đất xứ sở. Thế giới ấy, những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời cùng tiếng nổ lách tách của lò nung đất, rồi thân phận cũng như những bình gốm kia, chịu hỏa biến trong lò, vần xoay cùng thế cuộc.
Những sản phẩm từ bình hoa, tháp, cho đến tượng người... đều mang nét thô mộc rất riêng, một chút gì đó của sự không - hoàn - hảo nhưng chất chứa trong đó là tài hoa, là cả tâm hồn người nghệ nhân miền nắng gió Phan Rang. Phải chăng, những gì hoàn hảo nhất lại chính là những điều tưởng chừng như không - hoàn - hảo?! Là những gì bình dị nhất lay động lòng người mà tự bao giờ dệt nên tình yêu quê hương xứ sở…
Phước Bình vẫy gọi
Để lại TP Phan Rang - Tháp Chàm sau lưng, buổi chiều đoàn tiếp tục hành trình 65 km theo quốc lộ 27, tiến về Vườn quốc gia Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) - điểm đến còn khá mới mẻ và lạ lẫm với dân du lịch.
Nhắc đến Ninh Thuận, người ta nghĩ ngay đến vùng đất của nắng, của gió, của biển, của những bãi cát vàng và những đền tháp Chăm cổ kính… Nhưng ít ai biết được Ninh Thuận còn có Phước Bình - vườn quốc gia với địa hình là phần cuối của dãy Trường Sơn Nam, chủ yếu là núi cao và núi trung bình. Nơi đây còn là khu vực sinh sống của một số cộng đồng dân tộc ít người như Raglay, Churu… Ban ngày họ vào rừng, lên nương rẫy, đêm đến thì quây quần bên bếp lửa trong không gian tĩnh lặng, bên ché rượu cần mênh mang, bên cây đàn Chapi tình tự…
Đường lên Phước Bình quanh co, ngoằn ngoèo, uốn lượn với những ổ voi hay rãnh nước sâu do cơn mưa lớn tạo thành. Đây thật sự là một thử thách với các bác tài. Hai bên đường là những cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây gỗ lớn quý hiếm trải dài theo các dãy núi trùng điệp như bất tận một màu xanh.
Với diện tích tự nhiên 19.814 hecta, nằm ở độ cao từ 300 - 2.000 mét so với mặt nước biển; trong quần thể thiên nhiên kỳ thú của mình, vườn quốc gia Phước Bình đã định hướng một số tuyến du lịch cho du khách: Tuyến du lịch đi bộ dã ngoại suối Đa Nhông - thác Đá Bàn - thác Ba Tầng dài 11 km trong vòng một ngày. Dọc tuyến, du khách sẽ men theo các dòng suối, tìm hiểu nhiều cây thuốc quý, đặc biệt là mật nhân, cao khai… Tuyến thả bè trên sông Cái cự ly 10 km dành riêng cho những du khách ưa mạo hiểm.
Đoàn chúng tôi được anh Nguyễn Trung Chiến, cán bộ phòng phát triển Du lịch - Trung tâm giáo dục và dịch vụ môi trường rừng vườn quốc gia Phước Bình, tiếp đón thân tình. Anh dẫn đoàn tham quan khu vực nuôi bò tót lai với trên 10 cá thể.
Anh Nguyễn Công Vân, Giám đốc vườn quốc gia Phước Bình, chia sẻ: “Những năm trước, bò tót đực thường xuyên xuất hiện, nhập vào đàn bò nhà của nông dân và kiếm ăn chung trên cánh đồng cỏ ven rừng thuộc vùng đệm vườn quốc gia Phước Bình, khiến bò nhà sinh ra những chú bò nghi là bò tót lai. Qua giám định ADN và nhiễm sắc thể, bước đầu xác định đây chính xác là bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà”. Bò tót lai thụ tinh nhân tạo thì trên thế giới có nhiều, còn đối với những con bò tót lai Phước Bình, theo thông tin khoa học thì đây là đàn bò tót lai tự nhiên đầu tiên trên thế giới. Chúng tôi lặng người ngắm nhìn các cá thể bò tót lai hung dũng, như để thâu vào tâm trí khoảnh khắc có một không hai trong đời…
Giữa đại ngàn Phước Bình, chúng tôi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt tươi vui, tràn đầy hi vọng. Với những nhà nghiên cứu và làm du lịch như anh Nguyễn Công Vân, anh Nguyễn Trung Chiến… họ vui vì đã phát hiện, bảo vệ thêm loài gen quý về động vật hoang dã. Họ yên tâm hơn khi một ngày không xa, những cánh rừng đại ngàn, xa hơn nữa là đồng bằng sẽ xuất hiện những đàn bò tót lai thế hệ F1, F2. Đối với những người dân bản địa nơi đây, họ càng vui và hi vọng những đàn bò nhà sẽ trở thành những chú bò lai thương phẩm F2, F3 đem lại giá trị kinh tế cao.
Du lịch cộng đồng - tại sao không?
Đêm giao lưu “Âm vang núi rừng” với cộng đồng người Raglay và Churu tối hôm ấy đã ghi dấu ấn cho chuyến đi thực tập của lớp Cao đẳng hướng dẫn 03N01. Một đêm giao lưu ấm áp tình người, tình đồng bào, tình dân tộc.
Nngười Raglay và người Churu hiền hòa, đôn hậu. Họ chơi đàn Chapi, đánh mã la, thổi khèn mừng người mới đến.
Tiếng cồng chiêng, ché rượu cần cùng âm nhạc hòa chung vào nhịp thở của núi rừng, của lòng người lữ khách tạo nên những âm vang sâu sắc.
Có thể thấy, những hoạt động giao lưu như thế này giúp người dân địa phương cải thiện thu nhập, là một mắc xích trong hướng du lịch sinh thái kết hợp văn hóa Raglai bản địa, phát triển đời sống cộng đồng của vườn quốc gia Phước Bình, trên quan điểm chia sẻ lợi ích cùng người dân vùng đệm để thực hiện hiệu quả mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên môi trường.
Đêm giao lưu khép lại trong dư âm của lời ca, của tiếng đàn Chapi:
“…Ở nơi ấy họ đã sống cuộc sống yên bình
Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi
Khi rung lên vài sợi dây đàn đã đong đầy hồn người Raglay…”
Tạm biệt Ninh Thuận, tạm biệt Phước Bình! Chúng tôi mang về tấm lòng của người trồng nho Ba Mọi, mang về niềm tự hào tài hoa của người con Bàu Trúc, mang về hình ảnh những thế hệ đang trăn trở về du lịch nước nhà, mang về nụ cười bẽn lẽn của em bé Churu, mang về hương vị “chuối cô đơn” trong món gỏi Phước Bình…
Du lịch, còn gì khác ngoài sự trải nghiệm và chiêm nghiệm. Qua đó mỗi cá nhân tìm thấy chính mình, tìm ra cho riêng mình một hướng đi, một hoài bão.
Phước Bình, hẹn ngày trở lại!
Bài cảm nhận sau chuyến đi của sinh viên Hồng Thắm - Lớp CĐHD03N1
Trường Cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn
Bình luận (0)