Cách đây hơn 3 năm, du lịch Bình Định vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Hầu hết du khách trong nước và quốc tế khi tới miền Trung vẫn chọn những điểm đến đã có thương hiệu như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế...
Biển đẹp mê hồn
Tuy nhiên, thời gian gần đây, vùng đất này đã trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Vào mùa hè, hầu hết các điểm du lịch ở Bình Định, đặc biệt là các bãi tắm, eo biển luôn đông nghịt khách. Năm 2016, tỉnh Bình Định đón hơn 3,2 triệu lượt du khách thì đến năm 2018, con số này lên đến hơn 4 triệu lượt với tổng doanh thu ước đạt 3.301 tỉ đồng.
Kỳ Co hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng
Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Ðịnh, Bình Định quyến rũ du khách không chỉ với sự bình yên của phố biển, sự thân thiện của người địa phương mà còn là nơi hấp dẫn bởi có nhiều bãi tắm đẹp ôm lấy lòng phố, nhiều hòn đảo xanh nguyên sơ như: Hòn Khô, Kỳ Co, Cù Lao Xanh và Eo Gió.
Du khách tham quan Eo Gió Ảnh: LÊ HỒ BẮC
Cách trung tâm TP Quy Nhơn chừng 25 km, Eo Gió được mệnh danh là nơi có hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam. Bất kỳ ai đến Eo Gió lần đầu đều không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy rặng núi đá cao chót vót với những hang động kỳ vĩ, đàn chim én lượn quanh. Trong lòng Eo Gió là một bãi biển cát vàng với sóng biển xanh vỗ nhẹ êm đềm. Mỗi buổi hoàng hôn, trời, biển, núi đá tắm trong màu đỏ rực của nắng chiều tạo nên cảnh tượng kỳ ảo, say đắm lòng người.
Cách Eo Gió không xa là bãi tắm Kỳ Co hoang sơ. Kỳ Co có hình chữ U, 3 mặt tựa lưng vào các dãy núi, mặt còn lại hướng ra biển. Điều nhiều người thích thú nhất là khi đến Kỳ Co là sẽ được ngâm mình trong một hồ bơi tự nhiên được tạo thành bởi những tảng đá lớn nhỏ nằm san sát nhau. Khi thủy triều rút, ở đây còn lộ ra một số hang động cho du khách khám phá.
Một trong những điểm du lịch khác cũng khá nổi tiếng ở Bình Định là làng chài Bãi Xép (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn). Làng chài này được ví như hòn ngọc bí ẩn của Bình Định với dải cát vàng giữa những rặng núi lô nhô vươn ra biển. Để trải nghiệm cuộc sống bản địa, du khách có thể thuê thuyền thúng của dân làng hay đi dọc theo những tuyến đường mòn để đến với các thác nước, ngâm mình xuống biển xanh trong vắt và ngắm bán đảo Phương Mai, vịnh Quy Nhơn xinh đẹp.
Sống mãi với thời gian
Ngoài lợi thế về du lịch biển đảo, Bình Định còn có các di sản văn hóa, lịch sử có giá trị. Tọa lạc tại thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn), cách TP Quy Nhơn khoảng 40 km, Bảo tàng Quang Trung và Đền thờ Tây Sơn Tam kiệt là khu di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học. Nơi này gắn liền với tên tuổi của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn.
Tháp Bánh Ít cũng là một trong những điểm đến của Bình Định thu hút nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài. Nằm trên Quốc lộ 1, cách TP Quy Nhơn khoảng 20 km, ngôi tháp này là quần thể kiến trúc độc đáo với kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, có giá trị nghệ thuật cao.
Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) cũng là một điểm đến thú vị với du khách khi về Bình Định. Tu viện được xây dựng theo kiến trúc Gothic châu Âu trầm mặc, cổ kính với những đường nét kiểu vòm nhọn và có nhiều cửa sổ. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý ở đây là khuôn viên nhà thờ rộng khoảng 2.000 m2 với hàng cây sao hơn 200 năm tuổi.
Làm du lịch có trách nhiệm
Đánh giá cao những lợi thế về thiên nhiên tươi đẹp, các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của Bình Định, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng vấn đề còn lại của tỉnh là làm sao để có thể "du lịch hóa" được các giá trị đó, tạo được các sản phẩm, các tuyến du lịch thực sự hấp dẫn.
Bình Định cần kết hợp các tuyến du lịch biển đảo với các tuyến du lịch về văn hóa - lịch sử một cách hợp lý, tạo nên giá trị riêng biệt. Cùng với việc tạo ra các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho người dân đang làm du lịch cộng đồng cũng được Bình Định coi trọng.
Bà Lê Thị Vinh Hương, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định, cho biết thời gian qua, sở đã tổ chức chuỗi chương trình truyền thông nhằm trang bị thêm cho người dân bản địa các kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử, kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ và chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó xây dựng cho người dân ý thức làm du lịch có trách nhiệm, tôn trọng giá trị lịch sử, văn hóa bản địa để phát triển du lịch cộng đồng đúng hướng, bền vững.
Nơi hội tụ tinh hoa
Là một người con sinh ra từ vùng đất Bình Định, chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch không tiếc lời ca ngợi mảnh đất này: "Nếu du lịch là sản phẩm văn hóa của nhân loại thì Bình Định hội đủ những yếu tố để du khách thưởng thức sản phẩm văn hóa này". Bởi ngoài những bãi biển hoang sơ, xinh đẹp, đây còn là mảnh đất của Tây Sơn hào kiệt và trước đây là thành Đồ Bàn của người Chăm. "Đến nay, mặc dù chưa khai thác được nhiều nhưng tỉnh đã xây dựng Quy Nhơn thành một điểm đến về du lịch tương đối hấp dẫn" - TS Trần Du Lịch nhận định.
Bình luận (0)