Vùng trời... thư giãn
Buổi tối, trăng sáng vằng vặc. Biển đêm hiện ra, thăm thẳm nhưng chi chít những chòm sáng lung linh. Không phải sao trời rơi xuống biển. Đấy là những ngọn đèn xanh đỏ mà ngư dân đánh bắt ban đêm trên biển thắp lên. Đứng trên đỉnh hòn Trẹm, chúng tôi tha hồ mường tượng hình dáng hằng hà sa số các hòn nằm rải rác xung quanh, thông qua những ngọn đèn mà cư dân sống tại đó thắp lên, tạo thành những chòm “sao biển” nhấp nháy trong đêm.
Ngay sát những ghềnh đá cheo leo, sóng vỗ rì rầm, vài chiếc thuyền nhỏ thong dong soi đèn trên mặt biển. Chốc chốc chủ thuyền lại với tay, cầm vợt lưới, thọc sâu vào khoảng nước mờ mờ. Vài chú cá đối nhảy xoi xói khi cái vợt được trả về khoang thuyền. Suốt đêm, tiếng sóng reo vui cùng những ghềnh đá, cùng những ngư phủ... không bao giờ dứt.
Thực ra, cây cỏ tại hòn Trẹm chỉ rộng vỏn vẹn 2,6 ha, độ cao 21 m so với mặt biển, ai cũng có thể bắt gặp ở nhiều ngọn đồi, ghềnh đá ven biển khác tại Việt Nam. Nhưng cái quý nhất mà thiên nhiên ban tặng cho hòn Trẹm chính là vị trí. Ban ngày, đứng ở đỉnh hòn, ngoái lại sau lưng là dãy núi Chung Sơn hùng vĩ, huyền thoại. Gần đó, những xóm nhà ở Ba Trại, Rẫy Mới - theo anh Phan Văn Trinh, Phó Phòng Kế hoạch Nghiên cứu Phát triển du lịch thuộc Công ty Du lịch Kiên Giang, chính là căn cứ địa của Nguyễn Trung Trực xưa kia. Còn lại, ba phía đều là biển.
Không cần phóng tầm mắt xa, đã thấy hòn Kiến Vàng nho nhỏ, nhô lên trên biển như một chú rùa chở đầy những khoảng xanh. Trước đây, một dòng suối bắt nguồn từ dãy Chung Sơn, thẳng hướng hòn Kiến Vàng, nước đổ ra biển kẻ thành một dòng vàng nhạt quanh co, không khác gì đàn kiến vàng đang tha mồi. Có lẽ vì vậy, người ta lấy tên Kiến Vàng đặt cho hòn.
Quay ngoắt lại, đã thấy hòn Phụ Tử nổi tiếng của Kiên Giang nằm sững, cách chừng vài trăm mét. Cạnh đó là chùa Hang - nơi hằng năm thu hút hàng ngàn khách du lịch. Còn xa xa, quần đảo Bà Lụa với 40 hòn đảo lớn nhỏ, gồm hòn Heo, hòn Nghệ, hòn Đá Lửa... mỗi hòn một vẻ, trang điểm phong phú thêm khoảng xanh của biển.
Gọi là hòn, nhưng thực ra nơi đây nay là đất liền. Theo nhiều người dân địa phương, từ lâu bùn, cát đã lấp dần khoảng cách giữa hòn và đất liền. Ngọn hòn Chông gần đó phải chăng trước đây cũng đã từng nằm trên biển? Bởi từ hòn Trẹm, dong xe trở ngược vào đất liền theo hướng Ba Hòn (Kiên Lương) chừng 10 km, dấu vết những con sóng biển khi xưa vẫn in hằn vào chân một ngọn núi nằm giữa cánh đồng năn, mà nay người ta quen gọi nơi đó là hang Cá Sấu.
Buổi tối ở hòn Trẹm yên tĩnh. Quán xá lác đác mọc lên hai bên con đường đầy cây sao, mù u biển... dẫn vào hòn, nhưng rất hiếm nghe những tiếng nhạc “câu khách” ồn ào, những tiếng động cơ xe gắn máy gầm rú. Muốn thử đặc sản biển đã có cua đá, cá bống mú, ghẹ... bán đầy, với giá mà theo anh Trinh: “Giá thị trường chứ không phải giá “du lịch”, cứ yên tâm”. Muốn ăn cá còn tươi rói, cứ thả bộ xuống xóm chài cạnh hòn vào buổi chiều.
Đánh thức hòn Trẹm
Cách đây hơn một tháng, đoàn khách tham quan gồm các nhà đầu tư Trung Quốc đến hòn Trẹm. Trước khi rời Kiên Giang, họ đề nghị thẳng với Công ty Du lịch Kiên Giang: “Chúng tôi muốn tham gia cổ phần hoặc xin được đầu tư những dự án du lịch tại hòn Trẹm”.
Tiềm năng của hòn Trẹm - cách thị xã Rạch Giá gần 80 km, chính ngành du lịch Kiên Giang và Tổng cục Du lịch cũng nhận rõ từ lâu. Năm 2000, Tổng cục Du lịch quyết định đầu tư con đường lên đỉnh và vòng xung quanh hòn, nối với con đường nhựa dẫn từ Ba Hòn vào chùa Hang. Năm 2003, Công ty Du lịch Kiên Giang khởi động dự án xây dựng khu nhà nghỉ dưỡng cao cấp hòn Trẹm với kinh phí ban đầu 12 tỉ đồng.
Từ ghềnh đá biển nhìn lên, bảy ngôi biệt thự với 14 phòng đã hiện lên sau những rặng dây leo. Ngồi trong phòng thả tầm mắt, có thể xác định một lần nữa cái vị thế độc đáo của hòn Trẹm mà thiên nhiên ban tặng. Các biệt thự nằm sát bờ đá, phân bố đều theo dãy hành lang mà một bên là vách đá nhân tạo. Nhàn tản thả bộ theo hành lang này không khác gì đang đi ngang dãy đèn lồng phố cổ, nằm trong một thành quách thời xa xưa.
“Mục tiêu của chúng tôi là biến nơi này thành khu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho các doanh nhân, khách nước ngoài”- ông Nguyễn Hữu Khai, Giám đốc Công ty Du lịch Kiên Giang, cho biết. Cũng theo dự án, ngay dưới chân hòn, khối phòng ngủ “bình dân” với 12 phòng cũng đã định hình.
Từ hòn Trẹm, Công ty Du lịch Kiên Giang sẽ tổ chức nhiều tour tham quan kết hợp: đi chùa Hang, hòn Phụ Tử, Hà Tiên. Tiếp đó, một cầu cảng và những chiếc tàu du lịch sẽ đưa khách tham quan quần đảo Bà Lụa với nhiều hòn đảo, mà hòn xa nhất, theo ông Khai, chỉ cách hòn Trẹm khoảng 40 phút ngồi tàu. Còn tại hòn Trẹm, du khách có thể tắm biển hoặc xuống ngay bờ biển dưới chân để câu cá bống mú, bắt cua đá... Buổi tối, ra khơi câu mực.
Khai trương vào đầu năm 2005, khu nghỉ dưỡng sẽ đón ngay hai đoàn khách du lịch người Pháp với 20 người. Tiếp đó, ông Khai tin rằng, những chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các nhà máy xi măng ở Kiên Lương sẽ không bỏ qua những đêm “sống trên cao nguyên, hòa cùng đời sống của biển” tại đây.
Bình luận (0)