Lần đầu tiên, TP HCM vừa triển khai thành công lễ hội Tết Việt, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.
Đón Tết sớm
Tết vốn là một trong những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam với nhiều hoạt động hướng về những giá trị truyền thống. Không khí đón Tết và những ngày Tết vui chơi trên khắp mọi miền đã tạo nét độc đáo, thu hút sự chú ý của du khách quốc tế. Những năm gần đây, ngày Tết của nhiều gia đình đã thay đổi theo hướng mở hơn. Sau khi thực hiện các nghi lễ ngày Tết, một lượng lớn người Việt đã đi du lịch. Cùng với đó, rất nhiều khách quốc tế đã đến Việt Nam.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhìn nhận tại TP, trước đây mùng 1 Tết rất khó tìm hàng quán nhưng những năm gần đây, với lượng khách đến tăng cao, một số điểm cung ứng dịch vụ đã phục vụ du khách xuyên Tết. Thời điểm từ Tết dương lịch đến Tết nguyên đán cũng là mùa cao điểm khách du lịch tới TP.
Mâm cỗ ngày Tết. Ảnh: LINH ANH
Từ năm 2020 trở đi, Sở Du lịch TP phối hợp với Hiệp hội Ẩm thực văn hóa Việt Nam sẽ tổ chức lễ hội Tết Việt định kỳ, vào cuối tuần đầu tiên của tháng chạp, nhằm giới thiệu những giá trị đặc trưng nổi bật của Tết cổ truyền cho du khách từ lễ Tết, ăn Tết, chơi Tết, xem Tết, mua sắm Tết.
"Như tại lễ hội Tết Việt vừa qua, ban tổ chức đã bố trí 3 gian nhà theo phong cách đặc trưng cho 3 miền Bắc - Trung - Nam, giúp du khách tìm hiểu mâm cỗ cúng của từng vùng miền gồm những gì… Đó là sự đa dạng trong văn hóa của người Việt nhưng có cái chung là hướng về văn hóa, nguồn cội, giá trị, từ đó có ước vọng cho năm mới. Du khách cũng có dịp tìm hiểu về nghi thức cúng giao thừa, dựng cây nêu, gói bánh chưng…" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ.
Sau nhiều năm ăn Tết ở nhà, ông Nguyễn Văn An (ngụ quận 7, TP HCM) cho biết dịp Tết nguyên đán năm nay, lần đầu tiên ông và những người bạn đã về hưu sẽ ăn Tết ở các tỉnh Đông Bắc.
"Được trải nghiệm Tết ở các vùng miền khác nhau cũng là điều hay. Như ở Hà Giang, tôi từng du lịch vào mùa hoa tam giác mạch rất đẹp nhưng Tết này vẫn đăng ký mua tour để tìm hiểu, khám phá thêm cuộc sống của người dân dịp Xuân về. Tết cổ truyền của nước mình rất hay, nếu quảng bá để nhiều khách nước ngoài biết tới, đến chơi, trải nghiệm thì quá tốt. Ngay cả người dân trong nước cũng có nhu cầu đón Tết ở các vùng miền khác" - ông Nguyễn Văn An nói.
Cơ hội đến nhưng không dễ nắm bắt
Theo những người làm du lịch, nhiều Việt kiều xa xứ khi về quê thường có tâm lý muốn được ăn Tết Việt. Do đó, tổ chức để du khách chơi Tết, ăn Tết cũng là ý tưởng hay. Du khách được trải nghiệm các nghi lễ tái hiện tục lệ của người Việt từ cúng gia tiên, lì xì, chúc Tết, họ hàng sum họp đầu năm…
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết các hãng lữ hành cũng từng nghĩ đến và thực hiện, nhưng không dễ. Bởi du lịch là ngành dịch vụ, khi đã tạo thành sản phẩm du lịch thì đòi hỏi tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, rất khó để tìm đối tác cung ứng dịch vụ du lịch cho du khách hòa cùng không khí Tết.
Tái hiện khung cảnh Tết 3 miền tại lễ hội Tết Việt vừa tổ chức ở TP HCM Ảnh: LINH ANH
"Đặc thù ngày Tết phải cúng gia tiên, nghi lễ còn nặng nên không phải gia đình nào cũng muốn hợp tác đón khách. Chưa kể, Tết chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, khó cho việc sắp xếp. Nếu du khách tham gia ít, chi phí tour sẽ cao, khó cạnh tranh…" - ông Trần Thế Dũng phân tích.
Ăn Tết rồi phải du Xuân, nếu chương trình không hấp dẫn, cách làm chưa chuyên nghiệp sẽ không hút khách. Với đặc thù của người Việt, mùng 1 Tết phải chọn người xông đất hợp tuổi, cúng giao thừa xong sẽ cúng tân niên… Do đó, muốn phát triển sản phẩm du lịch này cần sự hợp tác của cả người dân, bên cạnh sự quan tâm của du khách. Có rất nhiều cơ hội nhưng phải làm việc chặt chẽ với các đơn vị liên quan, đối tác cung ứng dịch vụ.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã triển khai đưa Tết Việt vào thành hoạt động, lễ hội để quảng bá, giới thiệu tour tới du khách. Một số điểm đến ở Hà Nội, TP HCM cũng đã làm khá tốt điều này. Đối với khách du lịch, dịp Tết là cơ hội để những người làm du lịch giới thiệu được nét văn hóa truyền thống.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam, cho rằng thời gian qua, du lịch mới tập trung thu tiền ăn - ở của du khách, trong khi các khoản chi thêm cho dịch vụ bên ngoài mới là những khoản tiền lớn. Dù vậy, cái gì cũng có 2 mặt, nếu làm không khéo sẽ lại gây thiệt hại. Nếu quá tải, khách sẽ chán nản không đến nữa. Các dịch vụ trong mùa lễ hội nếu không quản lý khéo cũng sẽ tăng giá, làm du khách khó chịu; địa phương phải có biện pháp để không ngăn chặn tình trạng lợi dụng khách để chặt chém…
"Để biến Tết cổ truyền thành một lễ hội thu hút du khách phải có sự bàn bạc, tính toán rất chi tiết giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp triển khai và người dân địa phương" - ông Hoàng Nhân Chính đề xuất.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ngôi Sao Biển Sài Gòn:
Thu hút thêm nhiều khách quốc tế
Trong các chuyến du lịch, điều mà du khách muốn chạm đến, cảm nhận sau cùng là văn hóa. Tết cổ truyền là cơ hội tốt nhất để thúc đẩy, phát triển văn hóa.
Về giải pháp cụ thể, có thể để du khách thưởng thức Tết Việt với người dân địa phương như cách làm homestay lâu nay, để du khách cảm nhận không khí Tết, gói bánh chưng với thịt mỡ, dưa hành... Ở các nước, Noel, Tết dương lịch là thời điểm thu hút khách quốc tế thì Tết cổ truyền cũng là cơ hội tuyệt vời cho du khách trải nghiệm Tết Việt. Cái khó là phong tục Tết nguyên đán cũng là Tết đoàn viên nên tâm lý những người đi làm ăn xa gia đình, xa quê sau một năm sẽ trở về. Muốn đưa Tết thành dịp để đón nhiều khách thì khâu chuẩn bị phải tốt, trong khi đó nhân lực cho dịp Tết sẽ khó khăn.
Ông LẠI MINH DUY, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TST Tourist:
Cần chuỗi hoạt động đồng bộ
Tết Việt rất hay, ý nghĩa, truyền thống nên nếu biết sắp xếp các sự kiện trong năm từ đưa ông Táo về trời, tảo mộ cuối năm, cúng giao thừa, xuất hành đầu năm... sẽ tạo thành chuỗi sản phẩm thú vị cho du khách. Để triển khai, cần sự đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước góp phần làm hoạt động du lịch nhộn nhịp hơn.
Như Đường Hoa Nguyễn Huệ từ nhiều năm qua và đang ngày càng thu hút khách quốc tế. Người dân các vùng miền khi tới TP HCM dịp Tết cũng ghé đường hoa để vui chơi. Mong muốn của người làm công tác tổ chức lữ hành là TP HCM cần xây dựng các chuỗi hoạt động chứ không chỉ là một sự kiện, được triển khai đồng bộ từ cấp quản lý nhà nước, đến các hoạt động liên quan để phối hợp. Từ đó sẽ tạo nên sản phẩm Tết Việt gây chú ý với khách quốc tế hoặc nếu xây dựng được các chương trình ý nghĩa thì văn hóa phương Đông cũng là điểm nhấn mà khách quốc tế muốn tìm hiểu, trải nghiệm.
Bình luận (0)