Theo đó, vùng Đông Nam Bộ sẽ tập trung đầu tư phát triển 4 khu du lịch quốc gia, 5 điểm du lịch quốc gia và ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch nghỉ dưỡng biển.
Tiềm năng và thực trạng
Vùng Đông Nam Bộ có diện tích tự nhiên 23.597,9 km2, bao gồm TP HCM và 5 tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh; có tài nguyên du lịch gắn liền với cảnh quan tự nhiên, biển, đảo, hệ sinh thái, núi, hồ…; lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống... Đây là điều kiện để khai thác các sản phẩm du lịch như: du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch sinh thái; du lịch khám phá và nghiên cứu khoa học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn; du lịch lễ hội và tâm linh; du lịch tàu biển. Hệ thống giao thông thuận lợi với Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM); tuyến đường sắt xuyên Á (Dĩ An - Lộc Ninh - Campuchia); tuyến quốc lộ nối các cửa khẩu quốc tế đường bộ như Mộc Bài, Xa Mát (Tây Ninh), Hoa Lư (Bình Phước); tuyến du lịch đường thủy qua các cảng biển TP HCM và Vũng Tàu góp phần quan trọng trong việc thu hút khách du lịch. Mức tăng trưởng chung của ngành du lịch vùng giai đoạn 2000-2013 là 11,2%. Lượng khách quốc tế tăng đều qua các năm với mức tăng trưởng chung là 10,4% và khách du lịch nội địa là 11,4%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất so với các vùng trong cả nước.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, phát biểu tại hội nghị Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ
Thời gian qua, du lịch Đông Nam Bộ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu và đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thì mức tăng trưởng du lịch của vùng chưa tương xứng với tiềm năng, thị trường khách không ổn định và không đều; sản phẩm du lịch còn trùng lặp, chưa có thương hiệu vùng; chưa phân vùng khu vực phát triển; lực lượng lao động cao nhưng trình độ chưa đáp ứng so với yêu cầu; doanh nghiệp du lịch lữ hành còn thiếu…
Đẩy mạnh liên kết vùng
Mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển du lịch vùng trở thành vùng động lực hàng đầu để phát triển du lịch Việt Nam với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và có sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Theo đó, các chỉ tiêu đặt ra cụ thể, gồm: Năm 2020, vùng Đông Nam Bộ đón trên 30 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt khoảng 6 triệu lượt), tổng thu từ du lịch đạt khoảng 125.000 tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 400.000 lao động. Đến năm 2030, vùng đón khoảng 50 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt khoảng 12 triệu lượt), tổng thu từ du lịch đạt trên 230.000 tỉ đồng và tạo việc làm cho trên 1 triệu lao động.
Theo quyết định quy hoạch, việc phát triển sản phẩm du lịch vùng sẽ ưu tiên các sản phẩm du lịch hội nghị, hội thảo và du lịch nghỉ dưỡng biển. Từ nay đến năm 2020, Đông Nam Bộ cần đầu tư phát triển 4 khu du lịch quốc gia: Cần Giờ, Long Hải - Phước Hải, núi Bà Đen, Côn Đảo; 5 điểm du lịch quốc gia: Củ Chi, Cát Tiên, căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tà Thiết, hồ Trị An - Mã Đà. Đồng thời tập trung đầu tư 4 chương trình phát triển du lịch gồm: đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch vùng; bảo tồn, tôn tạo, phát triển tài nguyên; phát triển hạ tầng du lịch then chốt. Theo đó, vùng sẽ tiến hành tổ chức các không gian phát triển du lịch với TP HCM là trung tâm du lịch của vùng; Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển du lịch biển đảo; Đồng Nai, Bình Dương phát triển du lịch đô thị - sinh thái; Bình Phước, Tây Ninh phát triển du lịch di tích lịch sử, văn hóa và du lịch sinh thái. Hoạt động liên kết dựa trên cơ sở hình thành tuyến du lịch nội vùng, khai thác các tuyến du lịch chuyên đề đồng thời phát triển tuyến du lịch liên vùng đến các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, ĐBSCL, duyên hải Nam Trung Bộ và các tỉnh phía Bắc.
Trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng ở mỗi địa phương sẽ chủ động phối hợp, xây dựng, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn sao cho phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch chung của vùng, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư để đưa quy hoạch vào thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không chỉ là cơ sở pháp lý cho công tác triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của mỗi địa phương trong vùng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng, phát triển vùng Đông Nam Bộ nói chung và mỗi địa phương vùng Đông Nam Bộ nói riêng. Để thực hiện mục tiêu đề ra, các tỉnh, thành trong vùng cần tăng cường hơn nữa việc liên kết, hợp tác chặt chẽ; cùng tập trung huy động, khai thác tối đa lợi thế, nguồn lực đầu tư phát triển du lịch của từng địa phương; tích cực triển khai quy hoạch, đẩy mạnh liên kết, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, thương hiệu du lịch… nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với việc bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và cảnh quan thiên nhiên, môi trường đặc sắc… của vùng Đông Nam Bộ nhằm phát triển đồng thời thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế. |
Bài và ảnh: Lệ Trinh
Bình luận (0)