Quyết định nêu trên vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ những cá nhân, doanh nghiệp đã và đang có ý định đầu tư loại hình du lịch canh nông ở TP Đà Lạt cũng như các địa phương khác tại Lâm Đồng. Bởi lẽ, Đà Lạt là nơi đầu tiên thí điểm và đang phát triển mạnh mô hình du lịch canh nông - kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp, đem lại nguồn thu lớn.
Theo bà Huỳnh Thị Thu Hằng, chủ trang trại du lịch canh nông Bunny Hill (phường 11, TP Đà Lạt), cần làm rõ như thế nào là mô hình du lịch canh nông và du lịch canh nông cần phải lấy nông nghiệp làm nền tảng. Thời gian qua, nhiều người xin phép kinh doanh mô hình du lịch canh nông nhưng hầu hết lại làm theo hướng khác, không lấy nông nghiệp làm nền mà lách luật, chỉ tập trung vào du lịch.
"Việc tạm ngưng cấp phép thật đáng tiếc. Nhiều nhà đầu tư, người làm nông nghiệp đang muốn chuyển hướng sang du lịch canh nông, họ đã đầu tư rất nhiều tiền của, công sức nhưng không được phép hoạt động sẽ thiệt hại rất lớn. UBND tỉnh Lâm Đồng nên có phương án, quy định rõ cho những nhà đầu tư mô hình du lịch canh nông đúng chủ trương để phát triển mô hình này" – bà Hằng đề xuất.
Mô hình du lịch canh nông đang phát triển mạnh tại Đà Lạt, đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh Lâm Đồng.
Chị Lê Ngọc Thanh Nhã, một du khách từ TP HCM, cho biết chị và gia đình rất thích loại hình du lịch canh nông Đà Lạt. "Trẻ em ở thành thị đến với mô hình du lịch canh nông được học hỏi cách trồng dâu, rau xà lách... Thường thì các cháu chỉ biết ăn những món được ba mẹ mua ở chợ nhưng đến đây thì khác. Trẻ vừa học vừa chơi, học cách trồng và chăn sóc rau, củ quả sạch và được thưởng thức ngay tại vườn, điều này rất bổ ích" - chị Nhã bày tỏ.
Theo bà Hằng, tỉnh Lâm Đồng có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Du khách đến đây được tiếp cận cách làm nông nghiệp sạch như thế nào, sản xuất nông sản sạch ra sao… Thế nhưng, hiện nay hầu hết quỹ đất làm du lịch canh nông đều không được cấp phép xây dựng. Trong khi đó, để phát triển mô hình du lịch canh nông, nhà đầu tư cần phải có một số hạn mục xây cơ bản phục vụ du khách. "Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn UBND tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện cho các đơn vị làm du lịch canh nông được phép xây dựng các hạng mục với mật độ phù hợp nhưng vẫn giữ được nông nghiệp bền vững" – bà Hằng nói.
Lý giải về quyết định đột ngột này, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết thời gian qua, do thiếu hướng dẫn cụ thể của bộ, ngành trung ương trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm du lịch canh nông nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tiêu chí về xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng... Ngoài ra, còn có vấn đề chuyển đổi đất nông nghiệp thành phi nông nghiệp...
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho hay: "Đến nay, sở đã công nhận 32 điểm du lịch canh nông đạt chuẩn, tập trung phần lớn tại TP Đà Lạt. Phải hiểu rằng không phải là ngưng hẳn mà là tạm dừng cấp giấy phép đủ điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân đăng ký mô hình du lịch canh nông để rà soát lại, xây dựng lại chỉ tiêu, bộ tiêu chí nhằm bảo đảm các quy định. Đây là mô hình thí điểm, trong quá trình thực hiện chắc chắn có tổng kết rút kinh nghiệm để giữ lại những cái tốt nhằm tiếp tục phát huy, mặt không phù hợp thì chỉnh sửa cho phù hợp" – vị này cho biết.
Mô hình du lịch canh nông được UBND tỉnh Lâm Đồng bắt đầu thí điểm vào năm 2015, gắn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với phát triển du lịch bền vững. Lâm Đồng cũng ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình "tuyến du lịch canh nông", "điểm du lịch canh nông" làm cơ sở để phát triển loại hình này.
Bình luận (0)