Cuối tháng 4 vừa qua, tại thủ đô Bangkok - Thái Lan diễn ra hội nghị cấp cao của Ủy ban Du lịch thế giới (WTTC). Tại hội nghị này, được nhắc đến khá nhiều là ý định tích hợp du lịch thông qua đường không, đường bộ và đường biển giữa các nước Đông Nam Á.
Khó nhưng phải làm
Theo đài ABS-CBN (Philippines), các quan chức ASEAN đồng loạt khẳng định các nước thành viên sẽ áp dụng visa chung, sớm nhất là trong năm nay. “Chúng tôi muốn có chung một visa cho các nước ASEAN. Làm vậy du khách sẽ ở lại khu vực lâu hơn” - Bộ trưởng Du lịch Philippines Wanda Teo nói bên lề hội nghị. Tương tự, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul thừa nhận việc có chung một visa không hề dễ dàng vì những khác biệt chính sách giữa các nước, song bà nói: “Chúng tôi sẽ không dừng lại”. Về phần mình, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Arief Yahya khẳng định sử dụng cùng visa sẽ tạo điều kiện cho việc quảng bá ASEAN thành một điểm đến chung, qua đó có tiềm năng trở thành một trong những khu vực hấp dẫn nhất đối với du khách.
Trong khi chờ tìm được tiếng nói chung nhất, một số nước muốn khởi động kế hoạch riêng trước. Ví dụ, Bộ trưởng Yahya nói Indonesia có thể đề xuất Singapore trở thành trung tâm hàng không của khu vực, đổi lại Singapore hỗ trợ tuyên truyền cho du lịch Indonesia. Thái Lan lại muốn có visa chung với Campuchia trước, theo nữ Bộ trưởng Kobkarn. Muốn vậy, vấn đề đầu tiên cần xử lý là mức phí đăng ký visa khác nhau giữa 2 nước.
Ngoài chuyện khác biệt về thủ tục, quy định, một khó khăn khác đến từ hạ tầng xập xệ. Ông Arun Mishra, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), hạ tầng nghèo nàn - như các sân bay quá tải, thiếu thiết bị hàng không... - cùng với các quy định “chỏi” nhau chính là trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng của ASEAN.
Phú Quốc của Việt Nam có thể trở thành nơi lui tới của các du thuyền sang trọng Ảnh: 123 RF
Tiềm năng to lớn
Biết là còn nhiều khó khăn nhưng các nước ASEAN đã bắt đầu hành trình thai nghén visa chung cũng như xây dựng một hành lang Bắc - Nam trên bộ (kết nối tất cả thành viên từ phía Nam Trung Quốc xuống tới Malaysia) và hành lang Đông - Tây (nối từ Ấn Độ tới Việt Nam).
Được thành lập từ năm 1967, ASEAN hiện gồm 10 nước với tổng số dân 629 triệu người. Không chỉ vậy, đây còn là một trong những khu vực kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới, với GDP toàn khối được dự báo bắt kịp Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2030, theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Và theo Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan, bà Kobkarn, du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa dự báo trên.
Tại hội nghị, bà Kobkarn tỏ ra lạc quan với việc tăng cường kết nối ASEAN, trong đó Thái Lan đóng vai trò trung tâm. “ASEAN đã 50 tuổi nhưng ngành du lịch của khối như mới 15 tuổi” - bà nói, kèm theo đó là đề xuất chiến lược kép “vừa vươn xa vừa hướng nội” cho du lịch ASEAN. Tờ Eleven (Myanmar) dẫn lời bà giải thích chiến lược “vươn xa” sẽ giới thiệu những gói du lịch “2 đất nước 1 điểm đến”, theo đó khuyến khích du khách châu Âu, Trung Đông và Mỹ tới ít nhất 2 nước ASEAN một lúc. Còn “hướng nội” thúc đẩy các gói du lịch cuối tuần, du lịch kèm chữa bệnh, giáo dục... “32,5 triệu du khách tới Thái Lan vào năm ngoái, trong đó 70% là người dân các nước ASEAN. Họ tới để ăn uống, mua sắm và khám bệnh” - bà Kobkarn chỉ ra tiềm năng “du lịch hướng nội” của ASEAN.
Cũng theo các bộ trưởng, có thể mở rộng du lịch ASEAN bằng việc kết nối giao thông đường bộ, đường không và đường thủy. Trên bộ từ lâu đã tồn tại các đoàn mô-tô qua lại biên giới các nước. Trên biển đang phát triển mạnh loại hình du thuyền sang trọng - theo kiểu vùng Caribbean - đưa khách thăm thú các hòn đảo nổi danh như Myeik (Myanmar), Phuket (Thái Lan), Penang (Malaysia), Phú Quốc (Việt Nam) và Sihanoukville (Campuchia). Khả năng đi thuyền dọc sông Mekong cũng đang được tính tới. n
Bình luận (0)