PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp. PMI mới nhất cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 3-2023 (51,9).
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Zhao Qinghe, quan chức của NBS, cho biết 15/21 lĩnh vực được khảo sát cho thấy có sự mở rộng sản xuất, so với con số 5 của tháng trước đó.
Cũng theo ông Zhao, thị trường trở nên tích cực hơn khi doanh nghiệp tăng cường nối lại sản xuất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, các công ty vẫn còn đối mặt một số thách thức trong hoạt động và sản xuất, như cạnh tranh gia tăng và nhu cầu thị trường không đủ.
Trung Quốc đã đặt mục tiêu kinh tế tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay, tương tự năm 2023.
Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, mục tiêu này vẫn được xem là tham vọng trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức, như khủng hoảng bất động sản kéo dài, xã hội đang già đi, nợ chính quyền địa phương tăng, nhu cầu toàn cầu suy yếu, tình hình địa chính trị phức tạp…
Theo Reuters, giới phân tích nhận định Bắc Kinh sẽ cần triển khai thêm các gói kích thích kinh tế để đạt được mục tiêu nói trên.
Trước mắt, trang Bloomberg nhận định số liệu nói trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế thứ 2 thế giới đang ổn định. Ngân hàng Citi (Mỹ) hôm 28-3 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay từ 4,6% lên 5% do những dữ liệu tích cực gần đây và việc đưa ra chính sách phù hợp.
Bình luận (0)