Tội ác khó thể dung thứ
Nhận định về vụ việc, bạn đọc Năm Căn cho rằng: Thiếu hiểu biết pháp luật, không qua đào tạo nghiệp vụ dạy trẻ, ít học hành... nên mới ra nông nỗi này. Giữ trẻ thì ai cũng có lúc nóng giận nhưng một người đã qua đào tạo thì biết cách kìm chế và lường được hậu quả khi nặng tay với trẻ. Đằng này cô Nhờ nổi nóng đến tàn bạo và không lường được hậu quả khủng khiếp xảy ra. Với tính khí như thế này thì bất cứ cháu bé nào được giao cho Nhờ giữ cũng đối diện với nguy cơ bị hành hạ, đánh đập.
Ghê tởm với tội ác này, bạn đọc Hoàng Ký bày tỏ: “Khám nghiệm tử thi cho thấy cháu Long bị bầm và tụ máu dưới da ở phần đầu, mặt, cổ; sưng màn sụn; thanh khí quản bị vỡ…". Đọc những kết luận này thấy thật đau lòng. Cháu Long chịu biết bao đau đớn trước khi mất. Một đứa trẻ bé bỏng như vậy đã chết trong đau đớn và hoảng sợ, tội ác ngút ngàn này phải bị pháp luật nghiêm trị”.
Nhiều bạn đọc nhìn vụ việc ở góc độ khác khi cho rằng việc xử lý người gây ra vụ việc đã đành nhưng nhìn lại vụ việc càng đau xót khi một cháu bé vô tội đã mất và một cháu khác (con của Nhờ) cũng sắp mất mẹ. Một hành động nóng nảy đã gây ra bi kịch cho cả hai gia đình.
Hậu quả nhãn tiền
Chỉ riêng tại TP HCM, trong hàng trăm ngàn cháu bé là con công nhân, chẳng có bao nhiêu cháu được gửi trong các nhà trẻ an toàn chứ mong gì được gửi ở những nhà trẻ đầy đủ điều kiện cho các cháu vui chơi, ăn uống đầy đủ, tạo điều kiện cho các cháu phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Phần lớn các cháu được bố mẹ “gá” cho ai đó giữ để rảnh tay đi làm chứ không hề được chăm sóc chu đáo. Bao nhiêu doanh nghiệp đang hoạt động nhưng cũng không có mấy doanh nghiệp tổ chức được nhà trẻ cho con công nhân.
Bạn đọc Khải Lê thẳng thắn: Chúng ta cứ nói mãi "quyền của trẻ em" nhưng nhà trẻ, trường mẫu giáo công thì không đủ. Nhà trẻ, trường mẫu giáo tư nhân thì làm sao những bà mẹ công nhân như thế này có tiền để gửi. Chúng ta nói quá nhiều chuyện cao xa, nặng hô hào nhưng thực tế chưa làm được gì nhiều. Ngay cả những người làm trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng khó tìm được chỗ gửi con cho đàng hoàng chứ nói gì đến công nhân.
Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Còn bao nhiêu đứa trẻ bị hành hạ mỗi ngày tại các điểm giữ trẻ hộ gia đình ở các khu công nghiệp? Làm sao để bảo vệ được tất cả các bé ? Có bao nhiêu người lớn chúng ta có đầy đủ tri thức, nhận thức có thể suy nghĩ trách nhiệm, nhiệm vụ của mình khi sinh ra một đứa trẻ? Khi hạ sinh một đứa trẻ, hãy tự hỏi rằng bé có hạnh phúc không chứ đừng chỉ nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp từ nhiều năm qua các cơ quan chức năng đã đề cập đến việc tổ chức nhà trẻ cho con công nhân. Thế nhưng đến nay việc này đã bị bỏ lửng. Doanh nghiệp thì không mặn mòi và chẳng có lý do gì để họ phải tốn kém thêm chi phí. Khi xây dựng các khu công nghiệp thì việc việc tổ chức nhà trẻ cho con công nhân cũng bị xem là thứ yếu. Những hậu quả như trên là tất yếu trước những bất cập của vấn nhà trẻ cho con công nhân.
Chỉ tội công nhân quá nghèo khó
“Sự việc đau lòng này có thể không xảy ra nếu xã hội, cơ quan chức năng, chủ doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc xây dựng nhà trẻ... Nếu không chấn chỉnh ngay thì sẽ còn nhiều trường hợp đau lòng tương tự” - bạn đọc Trúc Giang. “Thiết nghĩ các khu công nghiệp khi nhận công nhân vào làm thì nên hỗ trợ, bố trí chỗ gửi con, chăm lo thai sản... Một thực trạng buồn cho thân phận công nhân” - bạn đọc Nông Dân.
|
Bình luận (0)