Lãi to vẫn tăng giá
Trong báo cáo gần đây của Petrolimex, 9 tháng đầu năm 2013, tập đoàn này lãi hơn 1.500 tỉ đồng, trong đó lãi từ xăng dầu hơn 700 tỉ đồng. Thế nhưng, thời gian qua, tập đoàn này vẫn luôn đưa ra điệp khúc lỗ và tăng giá đến 4 lần. Oái ăm nhất là đợt tăng giá lần này ngay cận Tết, với mức 580 đồng/lít. Với tình hình kinh tế còn ảm đạm như hiện nay, tăng giá xăng trong dịp Tết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, nhất là người có thu nhập thấp.
Bức xúc trước việc tăng giá này, bạn đọc Hai Dân, nói: "Tại sao các doanh nghiệp "độc quyền" lúc nào cũng kêu lỗ rồi tăng giá làm cho đời sống người dân vốn đã khổ lại phải gánh thêm bao nhiêu thứ nữa? Cơ chế thị trường, doanh nghiệp nhà nước làm chủ đạo... mà tăng giá vô tội vạ như thế này thì điều tiết cái gì? Làm thế nào cho người dân có lợi nhất, chứ không phải kiểu kinh doanh lãi thì bỏ túi, lỗ thì tăng giá bắt người dân phải gánh chịu?"
Chán nản với cách làm trên, bạn đọc Trần Thanh Tâm, nói thẳng: “Mấy “ông lớn” kinh doanh mặt hàng thiết yếu này khi nào muốn đạt doanh thu thì cứ viện đủ lý do để tăng giá chứ người dân biết gì mà can thiệp. Ngay cả Bộ Tài chính nói không tăng giá nhưng các “ngài” vẫn tăng giá đấy thôi. Chỉ tội cho người dân là khi lãi to thì các vị hưởng nhưng khi giảm lãi thì bắt họ chịu, bất chấp đời sống khó khăn như thế nào”.
Bạn đọc Tư Café mỉa mai: “Tui biết ngay mà, mấy hôm trước đang bình yên tự dưng Bộ Tài chính "đề nghị không được tăng giá xăng dầu" thì chắc rằng sẽ tăng. Đây cũng giống như tuyên bố để “đẩy” trách nhiệm tăng giá cho doanh nghiệp và doanh nghiệp thì chẳng ngại ngần gì làm tăng lợi nhuận của mình”.
Hãy thương lấy dân nghèo
Khi tăng giá xăng dầu, các doanh nghiệp cứ việc lý do giá thế giới tăng, giá xăng dầu ở các nước Âu, Mỹ cao hơn cả Việt Nam... Đồng ý rằng thế nhưng các vị không hiểu dùm, thu nhập bình quân của người dân các nước ấy cao gấp chục lần người dân nước ta. Các chính sách bảo hiểm y tế, giáo dục, hưu trí... đầy đủ và bảo đảm thì giá xăng dầu của họ cao chút đỉnh so với ta thì có thấm tháp gì.
Dẫn chứng cách làm tốt, bạn đọc Sĩ Phu Xứ Nghệ cho rằng hãy học theo cách làm của các nước trong khu vực. Cụ thể, tại Indonesia, quốc gia có dân số đông gấp 3 lần chúng ta, sản lượng khai thác dầu mỏ hằng năm của họ nếu chia bình quân trên đầu người còn thấp hơn Việt Nam, ấy thế mà người dân được sử dụng xăng dầu với giá rẻ hơn rất nhiều, chỉ hơn 10.000 đồng/lít. Trong khi đó, chúng ta có dầu mỏ để xuất khẩu, hằng năm cũng mang về hàng tỉ USD nhưng không hiểu khoản tiền ấy đi đâu về đâu mà dân mình lại phải gánh trên vai giá xăng dầu cao gấp đôi Indonesia.
Không chỉ sợ tăng giá xăng dầu, rất đông bạn đọc cho biết khi mặt hàng này tăng thì sẽ kéo theo hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác tăng giá theo như vận chuyển hành khách, hàng hóa sẽ tăng, gạo, muối... Đó là chưa kể chúng ta không kiểm soát tốt thị trường bán lẻ nên nhiều mặt hàng sẽ “té nước theo mưa”, tăng giá mà không có cách gì kéo xuống.
Tiền ăn, tiền học của con cái ngày càng teo tóp Quá thất vọng với việc tăng giá xăng, bạn đọc Cố Ly, mỉa mai: Thôi thì tự an ủi rằng tăng giá xăng cũng có nhiều mặt tích cực. Thiếu tiền mua xăng thì ít ra đường, giảm thiểu được TNGT, giảm hít khói bụi, giúp đường xá thông thoáng và đỡ hư hỏng... Chỉ lo là tiền ăn, tiền học của con cái ngày càng teo tóp, sức khỏe người thân ngày càng xuống thấp... Tiền một lít xăng hiện nay bằng cả tiền chợ một ngày của chị em công nhân thế mà năm nào cũng tăng. Doanh nghiệp nhà nước lãi “khủng” làm gì khi đó là tiền mồ hôi nước mắt của dân nghèo.
|
Bình luận (0)