Dù chưa ổn nhưng cần đột phá
Nội dung chính của hầu hết sự không đồng tình của bạn đọc ở chỗ đề văn này đề cập đến hai nhân vật “hotgirl” chứ ít quan tâm đến bản chất của đề thi này. Phân tích và bình luận về hai câu phát biểu về quan điểm sống của hai nhân vật trên mới là ý đồ của đề thi. Dù không biết bà Tưng hay Ngọc Trinh là ai thì học sinh vẫn làm bài bình thường. Và trong bối cảnh này không ai có thể ngờ nghệch cho rằng đề thi là cổ xúy học sinh theo lối sống của nhân vật được trích dẫn phát biểu.
Đối với ý kiến: nếu với đề văn này học sinh có quan điểm sống như thế và đưa vào bài thi thì chấm thế nào? Bạn đọc Hoàng Hải phân tích: thực sự có chuyện này xảy ra thì đây không chỉ là sự thất bại của một đề văn mà chính là sự thất bại của cả một nền giáo dục. Sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường mà quan điểm sống các em như thế thì chúng ta phải trách chính chúng ta, trách nền giáo dục và những hiện thực xã hội đã làm mai một lý tưởng của các em.
Hãy để các em nhìn xã hội
Nhiều bạn đọc cho rằng một để văn học sinh giỏi của một thành phố lớn nhưng khi đưa ra đã nhận nhiều ý kiến trái chiều thì cần phải xem lại và rút kinh nghiệm cho những lần sau. Đề văn mở nhưng phải loại bỏ những tình tiết “phô”, phản cảm. Dù muốn dù không học sinh cũng nhìn thấy xã hội hằng ngày, các em có cách cảm nhậm và dần hiểu về nó. Chúng ta không thể ngây thơ cứ nghĩ rằng học sinh chỉ hiểu những gì nhà trường muốn dạy, chỉ thấy những gì người lớn muốn cho thấy.
Bạn đọc Bé Út gợi ý: Tại sao không ra đề thi đại loại “nếu thấy cha, mẹ hoặc người thân đang đút lót phong bì để được giải quyết ưu tiên ở các cơ quan hoặc bệnh viện, trường học... thì các em có cảm nghĩ thế nào. Theo em thì mỗi cá nhân cần làm thế nào để cải thiện tình trạng tiêu cực này?”. Tất nhiên mỗi chủ đề của một đề văn thì có cách dẫn dắt khác nhau, có cách nhẹ nhàng, có cách gay gắt, có cách đặt thẳng vào thực trạng xã hội... Bởi thế, ra đề thi mà muốn có đột phá, được sự đồng thuận của nhiều người thì thật khó. Cách làm dễ nhất là ra đề an toàn dù có cũ cũng chẳng ai nói gì.
Bạn đọc Hai Hậu, nhìn nhận: “Theo tôi đây là một đề tài hay. Tại sao chúng ta không dám đối mặt với những tệ hại, tệ nạn xã hội đang xảy ra trong đời sống. Hãy để những người trẻ nói lên tiếng nói chân thật của mình trước các tệ nạn đó. Nếu như lúc nào cũng ấp ủ câu “tốt khoe xấu che” thì chẳng bao giờ chúng ta làm cho xã hội trở nên tốt đẹp được. Tôi cho con cái tôi biết tất cả những gì đang xảy ra ngoài xã hội và chỉ chúng biết cách phòng ngừa, có quan điểm sống. Cá nhân tôi ủng hộ cách ra đề này và người chấm cũng hãy hết sức trung thực với thí sinh”.
Đồng quan điểm trên bạn đọc Ngọc Trầm, cho biết “ Tôi cũng là giáo viên, cảm thấy đề văn trên hoàn toàn bình thường. Học sinh đâu cần biết Ngọc Trinh hay bà Tưng là ai, vấn đề cần mổ xẻ là câu nói của họ, tức là một khuynh hướng sống hiện nay. Từ đó sẽ đặt cho học sinh nhiều vấn đề xã hội để suy nghĩ. Đâu phải cứ nghe đến các tên “hotgirl” là ném đá. Nói như vậy đề thi không được đề cập đến quân giặc, đến bọn xấu, bọn ác, chỉ có bà Trưng, cô Tấm, các vĩ nhân, những gương thì mới được à. Cuộc sống vốn đa chiều và muôn mặt, có yêu thương thì cũng có căm thù vì đó là 2 mặt của tình cảm. Nếu là người chấm bài, chúng ta sẽ được biết những cơn lốc của cuộc sống đã có những tác động đến học sinh như thế nào để có những định hướng tốt hơn cho giáo dục”.
Vấn đề do hai cái tên bà Tưng, Ngọc Trinh mà ra
“Theo tôi nghĩ vấn đề là do 2 cái tên Ngọc Trinh và bà Tưng mà ra. Nếu đề ra là: Trong giới trẻ hiện nay, có những người có suy nghĩ là "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" và "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền" thì có lẽ mọi người không phản ứng nhiều” bạn đọc Bình Minh. “Theo tôi việc này cũng chẳng có gì là ầm ĩ, một đề tài mới nhưng cũng phản ánh hiện thực xã hội, một bộ phận lớp trẻ hiện nay quả thực đã không hiểu tính nhân văn của dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng... Hãy để cho lớp trẻ tự đánh giá, suy nghĩ và mạnh dạn lên án những hiện tượng lệch lạc... Việc này cũng góp phần vào việc rèn nhân cách, kỹ năng sống đó chứ” - bạn đọc Kim Bồng. |
Bình luận (0)