Đó là kết quả từ nghiên cứu từng công bố trên Annals of Translational Medicine. xem xét tác động của nồng độ vitamin A, D, E trong huyết thanh đến mức độ bệnh của 122 trẻ em nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae.
Nhóm tác giả từ Khoa Nhi của Bệnh viện số 3 Đại học Y khoa Bắc Kinh và Bệnh viện Nhi Bắc Kinh (Trung Quốc) đã chứng minh việc nhận được đầy đủ ba vitamin này đều tốt trong việc đẩy lùi các bệnh hô hấp.
Trong đó giá trị của vitamin A phát huy rõ ràng lên trẻ nhiễm Mycoplasma pneumoniae.
Mycoplasma pneumoniae là cái tên được nhắc đến nhiều gần đây. Đây là một trong các tác nhân chính liên quan đến đợt bệnh viêm phổi gia tăng ở trẻ em tại Liêu Ninh, Bắc Kinh và một số tỉnh thành khác ở Trung Quốc thời gian gần đây.
Đó cũng là một trong những mầm bệnh liên quan đến đợt gia tăng bệnh hô hấp cuối năm nay ở TP HCM, bên cạnh virus cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV) và một số vi khuẩn khác.
Mycoplasma pneumoniae có thể gây một số bệnh đường hô hấp trên và cả viêm phổi, nhưng là mầm bệnh quen thuộc, có thể điều trị tốt bằng các kháng sinh thông thường.
Tuy vậy, vì là mầm bệnh thường xuất hiện trong các đợt gia tăng bệnh hô hấp, việc phòng ngừa và giảm nguy cơ bệnh nặng bằng cách nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ luôn được quan tâm.
Trong đó, nghiên cứu từ Trung Quốc nói trên cho thấy tình trạng thiếu vitamin A liên quan đến các ca mắc bệnh nặng hơn khi nhiễm Mycoplasma pneumoniae, nhất là ở trẻ dưới 6 tuổi.
"Việc bổ sung vitamin A có thể làm giảm tỉ lệ mắc viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae nặng. Điều quan trọng khác là phải kiểm tra và bổ sung vitamin A ở bệnh nhân nhiễm Mycoplasma pneumoniae" - các tác giả viết.
Ngoài ra, họ cho rằng cần nghiên cứu thêm giá trị của cả việc bổ sung vitamin D và E đối với căn bệnh này và các bệnh hô hấp khác.
Trong nghiên cứu, sự thiếu hụt các vitamin này cũng có mối tương quan thuận đến diễn tiến bệnh của trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp tái phát, cho dù chưa thể hiện được tương quan đáng kể trong bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae.
Các tác giả khuyên vẫn nên duy trì nồng độ vitamin E và D trong mức khuyến nghị.
Một số nghiên cứu khác trên thế giới cũng cho thấy vitamin A, D, E cũng như các vitamin khác đều có giá trị nhất định đối với sức khỏe của hệ miễn dịch và nhiều hệ cơ quan khác.
Đảm bảo trẻ đủ vitamin A bằng cách nào?
Trẻ nhỏ từ 6-35 tháng tuổi tại Việt Nam được bổ sung vitamin A liều cao 2 lần mỗi năm thông qua các chiến dịch được triển khai trên toàn quốc. Phụ huynh có thể đưa trẻ đến các bệnh viện nhi, trạm y tế phường/xã để uống bổ sung khi có thông báo.
Theo Havard Health, một người có thể nhận được nguồn vitamin A phong phú thông qua việc ăn uống đa dạng các loại thực phẩm.
Bởi lẽ, vitamin này hiện diện trong các loại thịt, trứng, sữa...; hoặc được cơ thể tổng hợp sau khi bạn "nạp" tiền chất vitamin A là beta-carotene và lycopene trong các loại rau, củ, quả màu vàng, cam, đỏ hoặc rau lá màu xanh đậm.
Trong khi đó, Healthline "điểm mặt" cụ thể một số món giàu vitamin A như gan động vật, trứng, một số loại phô mai, khoai lang, cà rốt, xoài, dưa hấu, đu đủ, quýt, ổi, chanh dây, cải bó xôi, cải xoăn, ớt chuông...
Bình luận (0)