Ngày 12-3, nguồn tin của Báo Người Lao Động cho hay Bộ Công Thương vừa có Tờ trình số 1345/TTr-BCT gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cùng Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề nghị phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Tuyệt đối tránh cơ chế xin - cho
Đây là tờ trình lần thứ 6 về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước đó, từ ngày 14-7-2023 đến 26-1-2024, Bộ Công Thương đã có 5 tờ trình, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Cả những lần trình này, Bộ Công Thương đều đưa 3 dự án thủy điện Đắk R'lấp, 1, Đắk R'lấp 2, Đắk R'lấp 3 (gọi tắt Đắk R'lấp 1, 2, 3). Tuy nhiên, Thủ tướng đều chưa phê duyệt và yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung.
Đặc biệt, sau lần trình thứ 5 tại Tờ trình số 644/TTr-BCT, ngày 29-2-2024, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 74/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Thường trực Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Trong đó, yêu cầu: "Làm rõ căn cứ pháp lý về danh mục các dự án dự phòng trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và cơ chế điều hành phát triển điện lực linh hoạt. Chỉ đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII các nội dung này nếu bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý và được pháp luật quy định cụ thể, tuyệt đối tránh việc thực hiện tùy tiện và cơ chế xin - cho".
Từ yêu cầu này, trong tờ trình, Bộ Công Thương cho biết qua rà soát, thấy pháp luật về quy hoạch (Luật Quy hoạch và các nghị định hướng dẫn) không hướng dẫn về danh mục dự án dự phòng. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho rằng theo thống kê từ các văn bản của các địa phương đề xuất lần này, nhiều dự án chưa đáp ứng được các tiêu chí theo yêu cầu, vượt quá quy mô phân bổ cho địa phương. Do vậy, danh mục dự phòng nguồn điện không được đưa vào kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Ba dự án thủy điện Đắk R'lấp 1, 2, 3 cũng bị đưa ra ngoài.
Khi nghe thông tin này, ông Võ Danh Tuyên, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng (vừa nghỉ hưu), rất vui. "Tôi vui và cũng rất chắc chắn từ trước rồi, rằng 3 dự án này sẽ không được phê duyệt thực hiện vì vướng vào rừng tự nhiên, không thể chuyển mục đích được đâu. Quan điểm của Sở NN-PTNT từ trước tới nay rất rõ. Bây giờ tôi nghỉ rồi, anh em nào lên thay thì vẫn quan điểm như vậy thôi. Tuyệt đối không được đụng đến rừng tự nhiên, trừ công trình trọng điểm quốc gia" - ông Tuyên khẳng định.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 12-3, ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng sạch Tây Nguyên (Công ty Năng lượng sạch Tây Nguyên) - là doanh nghiệp đề xuất 3 dự án thủy điện Đắk R'lấp 1, 2, 3 - cho biết đã biết thông tin 3 dự án thủy điện Đắk R'lấp đã đưa ra khỏi tờ trình về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. "Chuyện này thì tôi biết rồi nhưng chưa trả lời anh được. Cái này trình đi trình lại mấy lần rồi. Lần này cũng chưa chắc đâu" - ông Quý nói.
Báo chí vào cuộc; tỉnh, ngành rà soát lại
Ba dự án thủy điện Đắk R'lấp 1, 2, 3 được Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng sạch Tây Nguyên đề xuất trên lưu vực sông Đồng Nai, nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên thuộc 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước. Ba dự án này được đưa vào Quy hoạch điện VIII vào tháng 5-2023. Nếu triển khai, nguy cơ mất hàng trăm héc-ta rừng nguyên sinh và nhiều hệ lụy khác khi vị trí mà đề xuất 3 dự án gần trùng với vị trí 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A - từng bị đưa ra khỏi Quy hoạch điện VII trước đây vì nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Trước lo ngại này, cuối tháng 10-2023, Báo Người Lao Động đã cử nhóm phóng viên lặn lội hơn 10 ngày vào tận vị trí đề xuất các dự án, thu thập tư liệu để thực hiện loạt bài điều tra.
Khởi đăng từ ngày 13-11-2023, Báo Người Lao Động đã có 15 bài viết liên quan đến 3 dự án nói trên. Qua đó cho thấy nếu triển khai 3 dự án này thì một diện tích lớn rừng nguyên sinh lên đến hàng trăm héc-ta trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên sẽ bị mất. Hệ sinh thái khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh đã được phê duyệt cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngoài ra, còn có nhiều sự mập mờ về tính pháp lý của 3 dự án. Trong đó có việc khi đề xuất, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng "đánh mất" một nội dung quan trọng là 3 dự án "nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, là khu vực được bảo toàn nguyên vẹn của Vườn Quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh đã được phê duyệt".
Về phía tỉnh Đắk Nông, có sự thay đổi từ đề nghị không bổ sung đến đề nghị bổ sung 3 dự án thủy điện này vào Quy hoạch điện VIII.
Ngay khi báo khởi đăng loạt bài điều tra, nhiều chuyên gia và các bộ, ngành lên tiếng, khẳng định Chính phủ không thể cho chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng để làm thủy điện. Cần rà soát lại.
Riêng tỉnh Lâm Đồng, cuối năm 2023, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan rà soát lại toàn bộ 3 dự án thủy điện nói trên.
Vui mừng vì rừng được cứu
Ông Trần Văn Mấm, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (Đắk Nông), vui mừng khi nghe tin Bộ Công Thương đưa 3 dự án thủy điện Đắk R'lấp ra khỏi tờ trình Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vì rừng được cứu. Theo ông Mấm, nếu các nhà máy thủy điện này xây dựng sẽ mất diện tích lớn rừng trong vùng lõi của rừng phòng hộ Nam Cát Tiên, ảnh hưởng tới môi trường, hệ sinh thái động, thực vật đang phát triển, ảnh hưởng nguồn nước sông Đồng Nai và vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển thế giới.
"Chúng tôi rất vui mừng. Việc không xây dựng 3 nhà máy thủy điện này khiến công tác quản lý bảo vệ rừng sẽ đỡ vất vả hơn. Cảm ơn Báo Người Lao Động đã có loạt bài phản ánh những bất cập của 3 dự án để các cơ quan quản lý nhìn nhận thấu đáo sự việc. Điều này cũng đúng với chủ trương của Nhà nước là không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế" - ông Mấm nói.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)