xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đua mở đường bay quốc tế, ngắt mạch lỗ

THÁI PHƯƠNG - DƯƠNG NGỌC

Các hãng hàng không Việt Nam đang phục hồi kinh doanh với doanh thu đến từ đường bay quốc tế

Ở chiều ngược lại, nhiều hãng hàng không quốc tế cũng cấp tập mở hoặc chuẩn bị đường bay tới các thành phố lớn, điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Kéo khách bay quốc tế

Hãng hàng không Hoàng gia Bhutan Drukair đang chuẩn bị cho hoạt động khai thác đường bay Việt Nam - Bhutan. Ông Bùi Minh Đăng, Trưởng Phòng Vận tải hàng không - Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết cục đã nhận được hồ sơ xin cấp phép bay của hãng này và đang xem xét. Hiện Việt Nam và Bhutan chưa có hiệp định hàng không, chưa có hoạt động khai thác hàng không thường lệ giữa 2 nước. Mỗi năm thường chỉ có một vài chuyến bay charter (thuê chuyến) giữa Việt Nam và Bhutan phục vụ khách hành hương.

Theo Công ty Du lịch Hồng Ngọc Hà, đối tác tổng đại lý bán vé chính thức đường bay Việt Nam - Bhutan của Drukair, hãng này dự định khai thác với tần suất 2 - 3 chuyến charter/tuần giữa Paro và TP HCM, tăng mạnh so với các năm trước.

Hãng hàng không West Air (Trung Quốc) vừa ra mắt đường bay mới giữa TP Trùng Khánh - Trung Quốc và TP Hà Nội - Việt Nam với tần suất 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần. Theo West Air, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam và từ Việt Nam đến Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng, trong đó đường bay mới giữa Trùng Khánh và Hà Nội được kỳ vọng có thêm nhiều khách hàng lựa chọn.

Trong khi đó, các hãng hàng không trong nước cũng đua mở rộng mạng lưới bay quốc tế. Vietravel Airlines vừa thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên kết nối Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) tới TP Phú Quốc - Việt Nam, đánh dấu hành trình nỗ lực mở rộng mạng lưới đường bay quốc tế đến các thị trường gửi khách lớn của Việt Nam trong năm nay.

Vietjet dự kiến nhận thêm 10 tàu bay thế hệ mới để đáp ứng nhu cầu phát triển, phục vụ người dân, du khách trên khắp các đường bay trong nước, quốc tế. Các máy bay mới dự kiến giao từ tháng 8-2024, trong đó phần lớn là tàu bay A321neo ACF hiện đại nhất hiện nay của Airbus. Mới đây, Vietjet cũng đã ký hợp đồng đặt mua 20 tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) của Airbus với tổng trị giá 7,4 tỉ USD. 

"Với 10 tàu bay sắp nhận từ nay đến cuối năm, hãng sẽ tiếp tục mở rộng mạng bay tới các điểm đến mới tại Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia..." - đại diện Vietjet thông tin.

Đua mở đường bay quốc tế, ngắt mạch lỗ- Ảnh 1.

Các hãng hàng không đua nhau đẩy mạnh đường bay quốc tế. Trong ảnh: Hành khách Việt Nam chờ làm thủ tục ở sân bay Frankfurt - Đức. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Đón sóng phục hồi của hàng không, du lịch

Số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy 7 tháng đầu năm 2024, cả nước đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế và hơn 79,5 triệu lượt khách nội địa. Dự kiến, lượng khách quốc tế lẫn nội địa trong năm nay đều vượt mục tiêu.

Với ngành hàng không, Cục Hàng không Việt Nam dẫn dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy thị trường hàng không toàn cầu sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay. Trong đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương (gồm Việt Nam) có thể ngắt mạch lỗ và đạt lợi nhuận khoảng 1,1 tỉ USD.

Đón đầu cơ hội, các hãng hàng không cho biết đang và sẽ đẩy mạnh mạng bay quốc tế trong bối cảnh doanh thu của mạng bay này tăng mạnh. Chẳng hạn, Vietnam Airlines có kế hoạch mở thêm hàng loạt đường bay vào năm 2025, bên cạnh đường bay thẳng tới Munich - Đức sẽ đưa vào khai thác từ tháng 10-2024. Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa hồi đầu năm 2024 từng thông tin hãng sẽ nghiên cứu mở thêm nhiều đường bay quốc tế như Milan - Ý, Copenhagen - Đan Mạch và Bắc Mỹ (gồm Seattle - Mỹ, Vancouver - Canada)...

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024, các hãng hàng không đều ghi nhận doanh thu tăng mạnh đến từ đường bay quốc tế. Trong đó, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 53.126 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Vietnam Airlines đã vận chuyển gần 11,5 triệu lượt hành khách và 143.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng lần lượt 10% và 42,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tổng lượt khách của thị trường quốc tế đạt gần 20 triệu, tăng 42% so cùng kỳ, phục hồi gần bằng mức trước dịch COVID-19. "Hãng đã mở thêm các đường bay mới đến Manila - Philippines, Thành Đô - Trung Quốc và nâng cấp máy bay thân rộng trên các đường bay đến Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore" - đại diện Vietnam Airlines nói.

Trong báo cáo giải trình kết quả kinh doanh tăng đột biến 6 tháng đầu năm, Vietjet cho hay doanh thu hợp nhất đạt 34.016 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.311 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 15% và 433% so với cùng kỳ, với đóng góp không nhỏ của khách quốc tế. Hãng khai thác 149 đường bay, gồm 38 đường bay nội địa và 111 đường bay quốc tế, tới Tây An - Trung Quốc, Đài Trung và Cao Hùng thuộc Đài Loan - Trung Quốc, Daegu - Hàn Quốc...

Theo Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024, có 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng Việt Nam khai thác gần 160 đường bay quốc tế kết nối Việt Nam và các điểm đến trên thế giới, hồi phục tương đương giai đoạn trước dịch COVID-19. 

Giá vé máy bay nội địa vẫn cao

Ngày 20-8, theo ghi nhận của phóng viên và phản ánh của bạn đọc, giá vé máy bay một số đường bay nội địa từ TP HCM đi các tỉnh vào cuối tháng 8 và dịp lễ 2-9 vẫn ở mức cao. Chị Lê Ngọc Trinh (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết vừa mua vé máy bay cho mẹ từ Thanh Hóa vào TP HCM với giá khoảng 2,5 triệu đồng/chặng. Đây là mức giá rất cao, dù thời điểm này không phải cao điểm và đặt mua cách lịch khởi hành gần 10 ngày.

Một số công ty du lịch cho hay giá vé máy bay nội địa dịp lễ 2-9 dù hạ nhiệt so với giai đoạn cao điểm hè nhưng vẫn ở mức cao, khiến khách ưu tiên chọn đi tour nước ngoài với điểm đến mới lạ hơn.

Đại diện một hãng hàng không nội địa lý giải: Giá vé máy bay khó giảm khi các hãng tiếp tục gặp khó khăn từ giá nhiên liệu cao, biến động tỉ giá bất lợi, tình trạng thiếu hụt máy bay do nhà sản xuất Pratt & Whitney triệu hồi động cơ trên toàn cầu. Nếu như trước đại dịch, ngành hàng không có 230 máy bay thì hiện nay chỉ còn 160, giảm 32%. "Việc thiếu hụt máy bay toàn cầu làm tăng giá thuê máy bay, chi phí bảo dưỡng, vật tư, phụ tùng, đồng thời kéo dài thời gian máy bay nằm đất" - đại diện một hãng phân trần.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo