Ngày 6-4, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần 23 năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Tham gia chương trình có 1.500 học sinh cùng hơn 100 giáo viên của 9 trường THPT trên địa bàn.
Lo con người mất việc vì AI
Điểm nổi bật trong chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" tại Kon Tum là học sinh đã tìm hiểu được ngành nghề muốn học nhưng còn băn khoăn ngành nghề đó đã phù hợp chưa và việc làm trong tương lai thế nào. Các em tỏ ra tự tin khi đặt câu hỏi và chăm chú nghe tư vấn, tận dụng từng giây phút để tiếp cận các thầy cô.
Thúy Nhi, học sinh Trường THPT Kon Tum, cho các thành viên ban tư vấn biết em quan tâm đến ngành truyền thông đa phương tiện nhưng lo trong thời đại AI (trí tuệ nhân tạo) thì học ngành này có bị thất nghiệp không, có nên học ngành này không? Trả lời, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, khẳng định con người tạo ra AI thì con người không thể thất nghiệp được. Công nghệ phát triển, AI đã có thể hỗ trợ đắc lực cho công việc nhưng ý tưởng về nội dung thì AI khó có thể thay thế con người.
Cũng quan tâm ngành truyền thông đa phương tiện, một học sinh khác lại đặt câu hỏi cho Trường ĐH Văn Hiến về cơ hội thực hành nghề nghiệp trong thời gian học, ThS Lưu Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Trường ĐH Văn Hiến, cho biết truyền thông đa phương tiện áp dụng tất cả công nghệ liên quan để tạo ra các tác phẩm truyền thông nhằm thu hút khách hàng. Trong quá trình học thì được thực hành như quay phim, quy trình thực hành sản phẩm truyền thông...
Trả lời học sinh hỏi về ngành kỹ thuật ô tô của trường đào tạo khối kiến thức gì, xét tuyển như thế nào, TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết: Ngành kỹ thuật ô tô, học sinh được học về động cơ, hệ thống điện, hệ thống gầm. Trường xét tuyển theo nhiều phương thức khác nhau.
Một học sinh băn khoăn về lựa chọn ngành học khi em thích sáng tạo trên mạng xã hội nhưng gia đình lại muốn tham gia các ngành nghề tài chính, kinh doanh... ThS Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Đông Á, trả lời việc chọn ngành cần dựa vào sở thích và năng lực để đánh giá bản thân phù hợp với ngành nghề, cần xác định mục tiêu nghề nghiệp của mình là muốn làm gì sau khi tốt nghiệp.
Đa dạng trong lựa chọn
Em Phạm Ngọc Hoàng, học sinh Trường THPT Duy Tân, quan tâm ngành công nghệ tài chính và phương thức xét tuyển vào Trường ĐH Ngân hàng TP HCM. ThS Ngô Thị Xuân, Phó trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết công nghệ tài chính đào tạo kết hợp giữa tài chính và công nghệ. Sinh viên khi tốt nghiệp có thể làm việc được ở nhiều lĩnh vực khác nhau như trong khối ngân hàng, doanh nghiệp liên quan dòng tiền, dự án, đầu tư... Trường có 5 phương thức tuyển sinh, trong đó có 2 phương thức sớm: học bạ 3 học kỳ kết hợp thành tích bậc THPT; kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính do trường tổ chức.
TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, thông tin kỳ thi đánh giá đầu vào đại học tổ chức thi các môn (ngoại trừ môn văn). Kỳ thi này tạo thêm cơ hội xét tuyển bên cạnh các phương thức xét tuyển khác. Học sinh cần tìm hiểu các phương thức tuyển sinh của các trường để chọn những phương thức phù hợp.
Chế biến món ăn có phải đang là ngành "hot"? Trả lời câu hỏi của em Yến Nhi, học sinh Trường THPT Lê Lợi, TS Bùi Hồng Đăng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Công Thương TP HCM, chia sẻ ngành chế biến món ăn thuộc nhóm ngành lõi của Trường ĐH Công Thương TP HCM. Hiện nhiều học sinh không đánh giá cao về ngành này vì cứ nghĩ học xong là... vào bếp để nấu món. Nhưng thực tế không phải vậy, ngành này là nghiên cứu chế biến món ăn. Hiện nhu cầu tuyển dụng ngành này rất lớn nhưng nguồn cung cấp không nhiều.
Thầy Nguyễn Thành An, Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và hỗ trợ sinh viên - Trường ĐH Luật TP HCM, trả lời câu hỏi của học sinh về thông tin ngành quản trị luật học trên 4 năm, được cấp 2 bằng… "Các em học 5 năm, khi ra trường được cấp 2 bằng là ngành cử nhân luật và cử nhân quản trị kinh doanh" - thầy An thông tin.
ThS Bùi Quang Trung, Trưởng Phòng Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trả lời câu hỏi của học sinh về ngành y khoa đã cho biết đây là ngành đang được nhiều học sinh lựa chọn trong những năm qua do có sự tham gia từ các bệnh viện lớn cũng như quá trình thực hành thực tế...
Lời cảm ơn
Chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần thứ 23 năm 2024 đã kết thúc giai đoạn 1 - tư vấn trực tiếp tại các địa phương.
Trong 4 chương trình tổ chức tại TP HCM, Vĩnh Long, Quảng Nam và Kon Tum, có khoảng 10.000 học sinh (chủ yếu khối 12) từ hàng chục trường THPT tham dự chương trình được Ban Tư vấn đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ĐHQG TP HCM, các trường ĐH - CĐ tư vấn chọn ngành, chọn trường; 1.000 giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại các trường THPT được bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức hướng nghiệp; hàng trăm suất học bổng được trao cho học sinh và giáo viên khó khăn...
Chương trình được đài phát thanh - truyền hình (PT-TH) các địa phương truyền hình trực tiếp đã lan tỏa tới hàng triệu học sinh.
Ban Tổ chức chương trình trân trọng cảm ơn các đơn vị phối hợp tổ chức: Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT; Sở GD-ĐT TP HCM, Đài Truyền hình TP HCM, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TP HCM); Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, Đài PT-TH Vĩnh Long, Trường ĐH Cửu Long; Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, Đài PT-TH Quảng Nam, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng và Trường THPT Phan Châu Trinh (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam); Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, Đài PT-TH Kon Tum, Trường THPT Kon Tum...
Cảm ơn các chuyên gia, thành viên Ban Tư vấn và các đơn vị tài trợ, hỗ trợ, đồng hành.
Giai đoạn 2 của chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" sẽ là chuỗi chương trình tư vấn trực tuyến và talkshow với các chủ đề phù hợp kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH - CĐ, dự kiến bắt đầu từ tháng 6-2024.
Chương trình mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các đơn vị để đưa thông tin thiết thực, hữu ích tới học sinh, phụ huynh.
Trân trọng cảm ơn.
Ban Biên tập
Chọn sai ngành học gây lãng phí lớn
Chiều 6-4, hơn 200 giáo viên tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tham dự chương trình "Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp" do Báo Người Lao Động phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Kon Tum tổ chức.
Chia sẻ về công tác hướng nghiệp với học sinh, TS Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), cho biết trong nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đã triển khai công tác này theo nhiều hình thức, nhiều cấp độ khác nhau. Hằng năm có gần 1 triệu học sinh dự thi tốt nghiệp THPT; hơn 400.000 học sinh bậc THCS không học tiếp THPT. Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, dù số học sinh tốt nghiệp THCS, THPT mỗi năm khá cao nhưng thực tế số các em lựa chọn vào đại học không cao. Năm 2021 - 2022, trong số tốt nghiệp THPT, học sinh vào đại học chỉ chiếm 37,4%.
TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, thông tin hiện nay tỉ lệ sinh viên/dân số ở nước ta là 215 sinh viên/vạn dân, thấp rất nhiều so với các nước trong khu vực. Theo ông Lý, nguồn nhân lực đang thiếu rất trầm trọng nhưng vấn đề là làm sao để tìm được nguồn nhân lực phù hợp với ngành nghề đó.
Theo ông, việc lựa chọn sai ngành nghề gây lãng phí rất lớn, không những lãng phí cho chính người học, gia đình mà cả xã hội.
Đặng Trinh
Các đơn vị tài trợ
- Công ty CP Phân bón Bình Điền
- Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HD Bank)
- Tập đoàn Vingroup
- Công ty CP Thương mại và Truyền thông Thời Đại (Sun Group)
- Trường ĐH Văn Hiến
- Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn
- Công ty CP Uniben
- Trường ĐH Tài chính - Marketing
Và các đơn vị hỗ trợ - đồng hành: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Công Thương TP HCM, Trường ĐH Luật TP HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM và Trường ĐH Đông Á.
Bình luận (0)