xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dựa vào thiên nhiên để phát triển

Nguyễn Đắc Thành

Khu vực Trung Trường Sơn là một trong những nơi có những cánh rừng tự nhiên đa dạng sinh học, liền mạch, rộng lớn nhất châu Á; có vai trò hết sức quan trọng về an ninh môi trường cũng như đóng góp cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 5-6, tại TP Huế, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam đã phối hợp với WWF Mỹ và WWF Đan Mạch tổ chức hội thảo tham vấn "Giải pháp dựa vào thiên nhiên cho sự phát triển bền vững của Trung Trường Sơn". Hội thảo nhằm giới thiệu, chia sẻ, thảo luận về tiềm năng, chiến lược phát triển với các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) ở Trung Trường Sơn thời gian tới.

Tìm cách sống hài hòa với thiên nhiên

Hơn 50 đại biểu đã tham gia thảo luận, gồm đại diện Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN-PTNT một số tỉnh thuộc Trung Trường Sơn, các tổ chức tài chính, tổ chức xã hội và tổ chức bảo tồn đang thực hiện hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam.

Hầu hết đại biểu cho rằng những cánh rừng Trung Trường Sơn ở các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình có vai trò hết sức quan trọng về an ninh môi trường cũng như đóng góp cho sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương này.

Trung Trường Sơn là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật. Đây là mái nhà của nhiều loài đặc hữu, trong đó có sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, cầy vằn, trĩ sao, thỏ vằn Trường Sơn, cũng như các loài có giá trị bảo tồn cao như vượn, chà vá chân xám, chà vá chân đỏ, gà lôi... Toàn bộ khu vực này có 134 loài động vật có vú và hơn 500 loài chim.

Nơi đây thuộc một phần trong các khu rừng ẩm của dãy Trường Sơn, là một trong 200 vùng sinh thái được xác định là quan trọng nhất cho việc bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu. Ở Đông Dương, Trung Trường Sơn còn được công nhận là hành lang đa dạng sinh học.

Khu vực Trung Trường Sơn thuộc các khu rừng ẩm của dãy Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái được xác định là nơi quan trọng nhất trong việc bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu Ảnh: WWF VIỆT NAM

Khu vực Trung Trường Sơn thuộc các khu rừng ẩm của dãy Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái được xác định là nơi quan trọng nhất trong việc bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu Ảnh: WWF VIỆT NAM

"Khu vực Trung Trường Sơn có tính đa dạng sinh học cao, vì vậy cũng chịu áp lực lớn từ con người. Điều đó đã làm suy giảm số lượng quần thể các loài quan trọng đang bị đe dọa và các loài đặc hữu. Hai mối đe dọa lớn nhất đối với động vật hoang dã là săn bắt và khai thác gỗ. Việc săn bắt (thường dùng bẫy) nhắm đến nơi trú ngụ của động vật có vú và các loài chim; còn việc khai thác gỗ đã làm xáo trộn các loài sống trên cây" - báo cáo của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) nêu.

Theo ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Thừa Thiên - Huế, mọi người ai cũng phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp nhằm thích ứng, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. "Mục tiêu của chúng ta là tìm cách sống hài hòa, nhận từ thiên nhiên và trả lại thiên nhiên một cách đầy đủ nhất. Sự tồn tại bền vững của thiên nhiên cũng chính là cái nôi sự sống của nhân loại" - ông nhận định.

Lấy con người làm trung tâm

Trong những đề xuất nhằm phát triển bền vững khu vực Trung Trường Sơn 10 năm tới, các chuyên gia nhấn mạnh nên lấy con người làm trung tâm. Với những cộng đồng sống gần rừng, sinh kế của họ cần được quan tâm. Khi sinh kế ổn định, họ chính là lực lượng tham gia bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn cho rằng những tác động ảnh hưởng đến rừng hay động vật phải được phục hồi càng sớm càng tốt. Việc rừng bị ảnh hưởng bởi các dự án gây chia cắt sinh cảnh tác động rất lớn đến sự đa dạng sinh học. Ông Tuấn đề xuất nghiên cứu phát triển khu vực Tam Giang - Cầu Hai tại Thừa Thiên - Huế để xây dựng thành một khu bảo tồn. Bởi lẽ, khu vực này là nơi sinh sống của hàng ngàn người và có tác động đến khí hậu, môi trường của cả vùng rộng lớn.

Ông Tuấn đưa ra ví dụ về việc phục hồi rừng phòng hộ Bắc Hải Vân tại Thừa Thiên - Huế. Theo đó, 25 năm trước, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng giữ rừng và các quyết sách của chính quyền mà bây giờ, chúng ta có được một khu rừng tươi tốt, nhiều gốc cây lớn phát triển.

Ông Tuấn cũng cho rằng hiện nay, phục hồi rừng và các loài bản địa không phải là việc dễ dàng. Thực tế đòi hỏi dự án đầu tư phải nhiều giai đoạn, chứ không chỉ đầu tư 1 lần mà thành khu rừng nhiều tầng tán được.

Ông Tuấn phân tích: "Các chương trình của nhà nước chỉ cho phép đầu tư một lần trên một khu vực nhất định. Việc hình thành khu rừng nhiều tán, đa dạng loài cây, có giá trị sinh thái ngang bằng khu rừng tự nhiên là rất khó. Vì thế, dự án phục hồi rừng nên được hỗ trợ để tiếp tục các giai đoạn sau, khi chương trình đầu tư ban đầu của nhà nước kết thúc".

Để khu vực Trung Trường Sơn phát triển bền vững, tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất thành lập Khu Dự trữ sinh quyển liên biên giới. Khu dự trữ sinh quyển này gồm: Khu Bảo tồn sao la Thừa Thiên - Huế, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Khu Bảo tồn Xê-sáp Lào và Khu Bảo tồn sao la Quảng Nam.

Khu vực Trung Trường Sơn thuộc các khu rừng ẩm của dãy Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái được xác định là nơi quan trọng nhất trong việc bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu Ảnh: WWF VIỆT NAM

Khu vực Trung Trường Sơn thuộc các khu rừng ẩm của dãy Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái được xác định là nơi quan trọng nhất trong việc bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu Ảnh: WWF VIỆT NAM

Quảng Nam thì đề xuất thành lập Khu Dự trữ thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, Khu Bảo tồn biển Tam Hải - Tam Tiến. Còn Quảng Trị đề xuất nâng cấp 2 khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrong thành vườn quốc gia. Trong khi đó, Quảng Bình cho biết sẽ nỗ lực để Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Công viên Địa chất toàn cầu.

Đại diện WWF Việt Nam, ông Thibault Ledecq - Giám đốc Bảo tồn - khẳng định WWF sẽ luôn làm việc và hợp tác với các bên liên quan để phát triển những mô hình NbS phù hợp, toàn diện, cần thiết cho sự phát triển bền vững của Trung Trường Sơn trong tương lai. Những mô hình này không chỉ hỗ trợ ngành lâm nghiệp mà còn tiếp tục nghiên cứu tiềm năng ở các khu vực ven biển, đầm phá và vùng đất ngập nước; đồng thời huy động những nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình NbS hiệu quả trên quy mô lớn. 

"Biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt, chúng ta phải có cách thức để ứng phó. Đây là lúc cần sự kết nối giữa các bên liên quan để cùng nhau đưa ra giải pháp. Tôi nghĩ việc này sẽ rất phức tạp, song nếu chúng ta cùng hành động thì sẽ phát triển tốt hơn. Nguồn lợi chúng ta đạt được phải lớn hơn chi phí bỏ ra" - ông Thibault Ledecq nhấn mạnh.

Đây là một phần hoạt động của nền tảng khởi tạo các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Nền tảng này là sáng kiến của WWF nhằm xây dựng một hình mẫu về quy mô đầu tư cho các giải pháp NbS chất lượng, mang tính toàn vẹn cao, đem lại tác động tích cực trên diện rộng đối với khí hậu, thiên nhiên và con người tại các cảnh quan rừng nhiệt đới.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo