Mới đây, Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp 3 chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gồm: "Heo Broong Đức Cơ Gia Lai", "Sầu riêng Đức Cơ Gia Lai" và "Yến sào Đức Cơ Gia Lai". Điều này mở ra cơ hội lớn để kinh tế huyện biên giới giáp Campuchia bứt phá mạnh mẽ.
Lợi thế chim trời, heo bản
Với khí hậu ôn hòa, độ cao lý tưởng cùng diện tích rừng tự nhiên và đồng cỏ rộng lớn, Đức Cơ là môi trường hoàn hảo để chim yến sinh trưởng, phát triển. Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, tổ yến tại đây có chất lượng vượt trội.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ, nghề nuôi yến tuy còn mới nhưng đã nhanh chóng cho thấy tiềm năng lớn. Hiện sản lượng tổ yến đạt khoảng 5-7 tấn/năm. Các chuyên gia đánh giá chất lượng tổ yến Đức Cơ không thua kém những vùng nổi tiếng như Khánh Hòa.
Tuy nhiên, phần lớn tổ yến ở đây chỉ được bán ở dạng thô, chưa chế biến sâu, nên giá trị chưa được tối ưu hóa. Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Cơ, cho rằng việc xây dựng thương hiệu "Yến sào Đức Cơ" sẽ tạo sự khác biệt và nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh chim yến, huyện Đức Cơ tự hào với giống heo Broong - một sản phẩm đậm bản sắc địa phương. Được thuần hóa từ heo rừng qua nhiều thế hệ, heo Broong nổi bật với chất lượng thịt thơm ngon, độc đáo. Khi mới sinh, heo Broong có lông màu vàng nâu, sau 3-5 tháng chuyển sang đen ánh vàng. Nuôi thả tự nhiên và ăn thức ăn từ cỏ, trái cây, nên heo Broong trưởng thành sau 6 tháng, chỉ đạt trọng lượng 25-30 kg. Với tỉ lệ nạc - mỡ cân đối, thịt heo Broong được đánh giá là khác biệt hoàn toàn so với các giống heo khác.
Dù thời gian nuôi kéo dài, năng suất không cao nhưng giá trị kinh tế của heo Broong rất đáng chú ý, nhờ giá bán heo hơi dao động 180.000-250.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các giống heo thông thường. Hiện nay, huyện Đức Cơ đang triển khai chương trình phục tráng giống heo Broong, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng điều kiện địa phương để chăn nuôi, thoát nghèo bền vững.
Khẳng định vị thế
Đức Cơ hiện có hơn 600 ha sầu riêng, trong đó 470 ha đạt chuẩn VietGAP, là diện tích lớn nhất tỉnh Gia Lai. Theo quy hoạch, đến năm 2030, diện tích trồng sầu riêng sẽ được mở rộng lên 1.500 ha.
Điểm khác biệt nổi bật của sầu riêng Đức Cơ là thời gian chín sớm, có thể thu hoạch từ tháng 6 hằng năm, sớm hơn 2 tháng so với nhiều vùng trồng khác. Sầu riêng Đức Cơ được đánh giá cao nhờ hương vị đậm đà, thơm ngon, đạt chất lượng vượt trội. Hiện nay, sầu riêng tại Đức Cơ mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân, với giá loại cao cấp 70.000-80.000 đồng/kg. Huyện Đức Cơ đã đầu tư bài bản từ vùng trồng, kỹ thuật sản xuất đến đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bảo đảm đầu ra ổn định cho người dân thông qua liên kết với hợp tác xã và doanh nghiệp.
Việc đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp như yến sào, heo Broong và sầu riêng Đức Cơ là bước tiến quan trọng. Ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, khẳng định: "Xây dựng thương hiệu không chỉ giúp sản phẩm chống hàng nhái, hàng giả mà còn khẳng định sự khác biệt, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường".
Ngoài ra, huyện sẽ đẩy mạnh quảng bá và kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư để chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm. Những nỗ lực này sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp của Đức Cơ không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn vươn xa trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Bên cạnh nông nghiệp, huyện Đức Cơ đã được phê duyệt quy hoạch cụm công nghiệp tại xã Ia Kriêng với diện tích 75 ha. Vị trí chiến lược gần cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh và Quốc lộ 19 giúp cụm công nghiệp trở thành đầu mối giao thương quan trọng giữa Tây Nguyên, cảng Quy Nhơn và các nước ASEAN. Cụm công nghiệp khi hình thành sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu, tạo việc làm cho người dân, nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là đòn bẩy quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của huyện Đức Cơ: "Thương hiệu mạnh, sản phẩm vươn xa".
Bình luận (0)