Mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận điều trị 3 bệnh nhân mắc cúm B nặng, trong đó có 2 bệnh nhân trẻ tuổi nguy kịch phải can thiệp bằng tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Trước đó, những người này đều rất khỏe mạnh.
Nhiều ca nguy kịch
Trường hợp nam 40 tuổi ở Thanh Hóa, sức khỏe bình thường. Trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, ăn uống kém. Khi thấy đau tức ngực sau xương ức, khó thở tăng dần, ho khạc đờm xanh, bệnh nhân nhập viện kiểm tra và kết quả dương tính với cúm B. Khi chụp cắt lớp, hình ảnh thể hiện tổn thương phổi bên phải, bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi nặng kèm cúm B. Bệnh nhân được thở ôxy và chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và phải đặt ECMO.
Tương tự, nữ bệnh nhân 30 tuổi ở Nam Định xuất hiện sốt cao 39 - 40 độ C kèm đau tức ngực và khó thở tăng dần. Bác sĩ kê đơn thuốc điều trị ngoại trú nhưng không bớt, bệnh nhân phải nhập viện với chẩn đoán viêm phổi/suy hô hấp, nhiễm cúm B. Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhi 19 tháng tuổi do sốt cao liên tục 39 - 40 độ C. Trước khi nhập viện, bệnh nhi đã được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn với kết quả xét nghiệm dương tính với cúm B. Bệnh nhi được bác sĩ chẩn đoán viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn huyết, phải điều trị tích cực.
Tại TP HCM mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cứu sống bé gái 3 tuổi, ở quận 8 bị nhiễm cúm A/H1 biến chứng nặng. Trước khi nhập viện, bệnh nhi sốt cao liên tục, ho, tiêu chảy nhiều lần, được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương điều trị kháng sinh với chẩn đoán viêm phổi song tình trạng suy hô hấp diễn tiến nhanh. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy, kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1 (chủng pdm 2009) và được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa cấp cứu.
TS-BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cho biết bệnh nhi được điều trị tích cực với thở máy thông số cao, dùng kháng sinh phổ rộng, sử dụng thuốc kháng virus, thuốc an thần giãn cơ, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan. Trước tình trạng rất nặng của bệnh nhi, ê-kíp điều trị đã hội chẩn và quyết định sử dụng phương pháp ECMO. Kết quả sau gần 3 tuần điều trị, tình trạng sức khỏe bệnh nhi cải thiện dần, được cai ECMO, sau đó cai máy thở. Hiện bệnh nhi tỉnh táo, tiếp xúc tốt.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.200 - 1.500 bệnh nhi đến khám ngoại trú. Trong đó, các bệnh về hô hấp khoảng 300 - 400 ca; rối loạn tiêu hóa, đau bụng... khoảng 250 - 300 ca; còn lại là các bệnh khác. Số bệnh nhi đến khám chủ yếu là các bệnh liên quan hô hấp. Riêng về cúm, bệnh nhi đến với các dấu hiệu cúm thường không thực hiện xét nghiệm tìm nguyên nhân. Bởi cúm thường từ 7 - 14 ngày sẽ tự hết, chỉ cần dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, tăng cường sức đề kháng bằng vitamin, uống nhiều nước. Trừ một số trường hợp bệnh nhi diễn tiến suy hô hấp nhanh hoặc xuất hiện chùm ca bệnh mới cần thực hiện xét nghiệm tìm tác nhân nhằm có hướng điều trị phù hợp.
Chủ động phòng bệnh bằng vắc-xin
Theo các bác sĩ, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp qua các giọt nước bọt nhỏ hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Thông thường bệnh diễn tiến nhẹ và hồi phục sau 2 - 7 ngày, có thể kéo đến 14 ngày. Tuy nhiên, với các đối tượng người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bệnh có thể diễn biến nặng, dễ gặp biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi, suy hô hấp… và có thể dẫn tới tử vong. Hầu hết khi bị cúm, mọi người thường không đến các cơ sở y tế để thăm khám mà tự mua thuốc về điều trị tại nhà. Chỉ đến khi tình trạng bệnh khá nặng mới đến bệnh viện.
TS-BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết cũng như cúm A, cúm B lây từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ có chứa virus cúm trong không khí, khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Virus cúm cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm virus, chẳng hạn như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang… Bệnh cúm thường nặng hơn cảm lạnh đơn thuần, mặc dù bệnh cũng có thể nhẹ. Mức độ nghiêm trọng của bệnh từ các triệu chứng nhẹ đến viêm phổi nặng, viêm não và nhiễm trùng toàn thân, có thể đe dọa tính mạng. Bệnh nặng hơn thường gặp ở người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, xơ gan, tim mạch. Nhiễm trùng nặng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào, kể cả người có thể trạng sức khỏe tốt.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cảnh báo bệnh nhân nhiễm cúm mùa trên nền suy giảm miễn dịch thì sẽ nặng hơn bệnh nhân thường. Bệnh cúm ác tính có thể gây tổn thương phổi rất nhanh, thường trong khoảng 3 - 5 ngày, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Nguy hiểm hơn, biểu hiện cúm ác tính khá giống với cúm thông thường nhưng có thể gây tổn thương phủ tạng. Do đó, bất kỳ ai cũng không nên chủ quan với cúm, nhất là khi nhiều người có thói quen tự mua thuốc về điều trị tại nhà mà không đến khám tại các cơ sở y tế.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cũng lưu ý đang vào mùa sốt xuất huyết nên phụ huynh cần lưu ý phân biệt để theo dõi diễn tiến bệnh của trẻ. "Nếu sốt xuất huyết đơn thuần thường sẽ không ho, không sổ mũi, trong khi mắc cúm thì bên cạnh sốt cao còn kèm các triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi..." - bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Hơn 800.000 người mắc cúm mỗi năm
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tác nhân gây bệnh cúm chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 800.000 người mắc cúm, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Số người nhập viện và tử vong chủ yếu xảy ra ở nhóm nguy cơ cao gồm người lớn tuổi (trên 65 tuổi), người có bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, nội tiết), phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Bình luận (0)