Tình yêu, hôn nhân vốn là một khía cạnh tự nhiên của cuộc sống nhưng hiện nay nhiều bạn trẻ nhìn nhận việc này một cách dè dặt. Tình trạng này không chỉ phản ánh những thay đổi về lối sống, giá trị cá nhân, mà còn cho thấy những thách thức xã hội cần được giải quyết để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh, bền vững.
"Ích kỷ" với bản thân
Minh Hằng (25 tuổi), nhân viên marketing tại TP HCM, chia sẻ: "Mỗi ngày tôi dành 10-12 giờ ở công ty, chưa kể thời gian di chuyển. Về nhà, tôi chỉ muốn nghỉ ngơi, không hứng thú đi tìm một người để hẹn hò hay xây dựng mối quan hệ nghiêm túc".
Trong khi đó, Hoàng Nam (29 tuổi), lập trình viên tự do, thừa nhận anh e ngại các vấn đề phát sinh từ tình yêu, hôn nhân như cãi nhau, ghen tuông, hay cảm giác không được tự do.
"Yêu thì vui nhưng cũng mệt mỏi. Tôi thấy độc thân thoải mái hơn, không cần phải lo lắng hay cam kết với ai, thích đi đâu thì đi, làm gì thì làm. Đến giờ, tôi chưa có kế hoạch yêu và kết hôn. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải biết chăm sóc và yêu thương bản thân" - anh Nam nói.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều bạn trẻ (độ tuổi từ 22-30) cho biết với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn, họ thường cảm thấy áp lực khi nghĩ đến việc phải gánh vác tài chính trong một mối quan hệ. Nhiều người lo ngại việc yêu đương sẽ làm tăng thêm gánh nặng, khiến họ mất tập trung vào các mục tiêu cá nhân.
Có một số bạn trẻ từng trải qua những tổn thương trong các mối quan hệ trước đó; có người lại là chứng nhân sự tan vỡ của gia đình, bạn bè, dẫn đến tâm lý dè dặt, bất an, thậm chí sợ hãi khi phải mở lòng với người khác.
Bên cạnh đó, mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò tạo điều kiện để kết nối dễ dàng hơn nhưng đồng thời cũng làm giảm đi giá trị của sự cam kết. Việc có quá nhiều lựa chọn hoặc những mối quan hệ thoáng qua khiến giới trẻ dần trở nên thờ ơ, không còn muốn đầu tư thời gian, cảm xúc cho một tình yêu nghiêm túc.
Một thực tế khác diễn ra ngày càng phổ biến là nhiều bạn trẻ ưu tiên phát triển sự nghiệp, nâng cao giá trị bản thân hơn là việc tìm kiếm một người đồng hành. Họ tin rằng tình yêu có thể chờ nhưng cơ hội phát triển cá nhân thì không thể bỏ lỡ.
Để cuộc sống thêm ý nghĩa
Theo các chuyên gia tâm lý xã hội, việc giới trẻ lười yêu, trì hoãn kết hôn không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân mà còn có tác động lâu dài đến xã hội, dẫn đến tỉ lệ kết hôn và sinh con sẽ giảm.
Ngoài ra, việc không trải qua tình yêu, không có mối quan hệ nghiêm túc khiến giới trẻ thiếu đi khả năng giải quyết xung đột, đồng cảm và duy trì sự kết nối lâu dài.
Trò chuyện với những người "từ chối" yêu, chúng tôi nhận ra dù không thừa nhận nhưng thực tế có lúc họ sẽ cảm thấy trống rỗng, cô đơn khi không có một mối quan hệ thân thiết, sâu sắc; khi bạn bè có nhiều mối quan tâm (chồng, con, mái ấm…) khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa, còn mình chỉ có công việc, mua sắm, ăn uống…
Sau gần 10 năm kết hôn, chị Lệ Uyên (37 tuổi), chuyên gia thiết kế đồ họa, tâm sự: "Tôi cũng từng ngại yêu, ngại kết hôn, sợ vướng bận gia đình khi công việc đang có nhiều cơ hội thăng tiến.
Nhưng được nghe, được chứng kiến gia đình ấm áp, hạnh phúc, vợ chồng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn để yêu thương và cùng thăng tiến của sếp trực tiếp khiến tôi thay đổi suy nghĩ.
Đến giờ, có 2 con, chúng tôi vẫn luôn hạnh phúc bên nhau. Mỗi khi gặp căng thẳng trong công việc, nhớ đến nụ cười vui vẻ của chồng con và mái nhà ấm áp chờ đón mình trở về, là lòng cảm thấy nhẹ nhõm".
Theo chị Uyên, tình yêu, hôn nhân không phải là một gánh nặng hay áp lực, ngược lại, nếu biết xây dựng và giữ gìn, đó sẽ là nguồn động lực lớn trong cuộc sống. "Sự cân bằng giữa công việc, tình yêu, gia đình và sở thích cá nhân sẽ giúp chúng ta có cuộc sống trọn vẹn hơn" - chị Uyên đúc kết.
Trong khi đó, anh Công Thành (40 tuổi, giảng viên một trường đại học ở TP HCM) cho rằng tình yêu là một phần không thể thiếu của cuộc sống, là sợi dây gắn kết giữa con người và con người.
Dù xã hội hiện đại mang lại nhiều thách thức nhưng với nhận thức đúng đắn, kỹ năng sống tốt và sự hỗ trợ từ gia đình, xã hội, bạn trẻ hoàn toàn có thể tìm thấy những mối quan hệ ý nghĩa, tạo cho mình một mái ấm hạnh phúc.
"Bạn trẻ cần được trang bị về kỹ năng xây dựng mối quan hệ để cảm thấy tự tin hơn khi bước vào một tình yêu nghiêm túc và xây dựng gia đình. Nên tham gia các hoạt động xã hội, gặp gỡ trực tiếp thay vì phụ thuộc vào mạng xã hội hay ứng dụng hẹn hò. Sự tương tác thật sẽ giúp hiểu nhau và cảm thông sâu sắc, từ đó xây dựng các mối quan hệ sâu sắc, bền chặt hơn" - anh Thành gợi ý.
Xu hướng kết hôn muộn
Số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê cho thấy trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở Việt Nam thay đổi lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỉ lệ kết hôn giảm.
Cụ thể, giai đoạn 1989-2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ là 23,2 đã tăng lên 29,3 tuổi với nam và 25,1 đối với nữ vào năm 2023.
Tỉ lệ người độc thân cũng có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019. Như vậy, trong vòng 15 năm, tỉ lệ người chọn không kết hôn đã tăng gần gấp đôi.
Bình luận (0)