Năm nay 27 tuổi, Mỹ Loan (sống tại TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn không thể thoát khỏi những ám ảnh về sự chê bai từ cha mẹ trong suốt thời thơ ấu.
Tổn thương tâm lý
"Ba mẹ luôn kỳ vọng vào tôi và không bao giờ chấp nhận bất kỳ lỗi lầm nào. Tôi đã cố gắng hết sức nhưng dường như trong mắt ba mẹ, tôi vẫn chưa đủ tốt" - Loan buồn bã nói.
Loan nhớ lại kỷ niệm khi cô chỉ xếp hạng 2 trong lớp chuyên thời THPT. Thay vì nhận được sự động viên, cô lại bị trách mắng: "Suốt đời con cũng chỉ đứng sau người khác".
Lời nói của ba mẹ đã khiến Loan bị tổn thương tâm lý sâu sắc và đến nay, dù đã lập gia đình và có công việc ổn định, cô vẫn không tự tin vào khả năng của bản thân.
Minh Tú (21 tuổi, hiện là sinh viên đại học tại TP HCM) dù có nhiều thành tích trong học tập nhưng vẫn luôn cảm thấy tự ti về ngoại hình do những lời bình phẩm về cân nặng từ khi còn nhỏ. "Ba mẹ luôn so sánh tôi với em gái và không ngừng bông đùa về cân nặng, khiến tôi cảm thấy mình thật xấu xí" - Tú tâm sự.
Tú kể đã trải qua chế độ ăn kiêng khắc nghiệt chỉ để có vóc dáng mảnh mai như em gái nhưng bất thành. "Nhà đáng lẽ phải là nơi để trở về, vậy mà với tôi, nơi đó lại gợi lên sự tự ti.
Những lời chê bai cứ lặp đi lặp lại không chỉ khiến tôi thấy mình kém cỏi mà còn làm mất đi mối liên kết với cha mẹ. Tôi luôn có cảm giác xa lạ trong chính căn nhà của mình. Tôi chán ghét bản thân và phó mặc tất cả, không còn muốn cố gắng nữa" - Tú thở dài.
Ở tuổi 16, Mạnh Khang (ngụ quận 7, TP HCM) đã luôn mang nét mặt âu lo, buồn bã dù không rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn hay áp lực từ trường lớp. Từ một cậu bé chăm ngoan, học giỏi ở bậc THCS, Khang học hành sa sút, dần thu mình với thế giới bên ngoài khi bước chân vào THPT.
Tâm sự với bạn thân, Khang kể: "Mỗi lần mình lỡ làm sai điều gì, mẹ không ngừng lớn tiếng mắng mỏ, miệt thị. Những lời đay nghiến đó dội vào tai liên tục như tra tấn khiến mình phát điên, muốn bỏ nhà đi cho xong".
Tôn trọng cảm xúc của con
Việc trẻ không nhận được sự công nhận từ cha mẹ có thể làm giảm lòng tự trọng, tự cô lập bản thân và thiếu sự gắn bó với gia đình. Đối với những trẻ có tính cách nhạy cảm hoặc sống trong môi trường gia đình khắt khe, những lời chê bai không chỉ làm giảm sự tự tin mà còn có thể dẫn đến trầm cảm.
Một nghiên cứu gần đây với 500 học sinh THCS và THPT ở TP HCM cho thấy có đến 43,2% học sinh cảm thấy cha mẹ không hiểu mình; 22,8% học sinh tranh cãi với cha mẹ về các vấn đề học tập và cuộc sống.
Đây là những con số đáng lo ngại, cho thấy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng lớn - nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng hiện đại, áp lực thành công trở nên nặng nề hơn bao giờ hết.
Thạc sĩ tâm lý hôn nhân và gia đình Nguyễn Phượng Uyên cho biết: "Cha mẹ thường nghĩ họ chỉ trích, chê bai con là vì muốn con tốt hơn. Tuy nhiên, thực tế, điều này chỉ khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương và xa cách hơn. Lời chê bai, dù là nhỏ cũng có thể tạo ra những ám ảnh tâm lý kéo dài đến tuổi trưởng thành".
Cũng theo bà Nguyễn Phượng Uyên, trong bối cảnh xã hội ngày nay, việc làm bạn với con không chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầy đủ vật chất mà còn cần sự thấu hiểu và tôn trọng cảm xúc của con.
Cha mẹ có thể chỉ ra những điểm hạn chế của và gợi ý cách hoàn thiện; phải biết cách động nỗ lực của con để chúng tự tin hơn và trưởng thành.
"Chê bai chỉ làm con cảm thấy tệ hơn. Nếu cha mẹ khen những điều làm tốt trước khi góp ý những khuyết điểm, trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận" - bà Nguyễn Phượng Uyên nhấn mạnh.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang cho rằng nhiều phụ huynh vẫn giữ tư tưởng "thương cho roi cho vọt" mà không nhận ra rằng điều này có thể khiến con trở nên lạc lõng, thậm chí dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
"Cha mẹ cần làm bạn với con, đồng hành với con trong quá trình trưởng thành. Chỉ khi con cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu, mối quan hệ gia đình mới thật sự gắn bó và bền chặt".
Các chuyên gia lưu ý nuôi dạy con giống như việc chăm sóc một cây xanh. Nếu muốn con phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng về thể chất lẫn tinh thần.
Một gia đình yêu thương và hòa thuận sẽ tạo nên những đứa trẻ tự tin, vui vẻ, biết cách đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Ngược lại, nếu gia đình đầy rẫy những lời chỉ trích và áp lực, trẻ sẽ bị khủng hoảng, mất đi khả năng phát triển toàn diện.
"Thay vì chỉ trích, cha mẹ hãy dành thời gian để lắng nghe và hiểu con mình. Đôi khi, chỉ một nụ cười khích lệ hay một lời khen nhỏ cũng đủ để con cảm thấy được yêu thương, có thêm động lực để phấn đấu" - chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang khuyên.
Cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con mà quên rằng những lời nói tưởng chừng vô hại có thể để lại những tổn thương sâu sắc tâm lý của trẻ.
Bình luận (0)