Sau thời kỳ các "ngôi sao phòng vé" như Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương… sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo, sẵn sàng đến rạp xem phim bất kể nội dung tác phẩm thế nào, là thời kỳ của các nghệ sĩ hài khuấy đảo phòng vé...
Không thể "gánh phim"
Thời gian qua, những phim có các nghệ sĩ hài nổi tiếng như Hoài Linh, Trường Giang, Việt Hương, Trấn Thành… thường thành công doanh thu dù kịch bản gây ra không ít tranh cãi, khen chê trái chiều.
Song song với các nghệ sĩ hài là những diễn viên có thực lực diễn xuất cũng được khán giả yêu thích, điển hình là Thái Hòa. Với chiến thắng liên tục tại phòng vé từ những phim góp mặt như "Để Mai tính", "Long Ruồi", "Tèo Em", "Để Mai tính" 2, "Cưới ngay kẻo lỡ"…, Thái Hòa từng được người trong giới và người hâm mộ ưu ái gọi là "ông hoàng phòng vé".
Để rồi gần đây, cụm từ "ông hoàng phòng vé" xem ra khó có thể đứng vững khi Thái Hòa hóa thân vào vai doanh nhân thành đạt - Thoại trong phim "Cái giá của hạnh phúc" do Nguyễn Ngọc Lâm đạo diễn. Phim không tạo được sức hút với khán giả, doanh thu theo thống kê của trang Box Office Vietnam chỉ hơn 26,3 tỉ đồng (chưa tính chi phí ăn chia với nhà rạp, thuế, chi phí quảng bá…).
Tương tự, diễn viên Kiều Minh Tuấn cũng là gương mặt xuất hiện nhiều trên màn ảnh rộng với nhiều phim thắng lớn trước đó. Dẫu vậy, gần đây các phim: "Duyên ma" (đạo diễn: Khánh Toàn - Tâm Nguyễn), "Kẻ ẩn danh" (đạo diễn: Dan Trần) và "Trên bàn nhậu dưới bàn mưu" (đạo diễn: Tiến M. Nguyễn) mà anh tham gia đều không thể hòa vốn.
Diễn viên Tuấn Trần cũng không thể bứt phá, trở thành nhân tố "gánh phim" khi tác phẩm "Móng vuốt" anh đóng chính thất thu ở rạp, dù đã góp mặt trong những tác phẩm khá thành công như "Bố già", "Đất rừng phương Nam", "Mai". Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền cũng có danh tiếng nhưng phim do cô sản xuất, đạo diễn và tham gia diễn xuất là "Kiều" và "Đóa hoa mong manh" đều thua lỗ nặng.
Muốn thắng phải hay
Người trong giới cho rằng ngay cả Trấn Thành, Lý Hải hiện rất thành công với những phim do họ đạo diễn, cũng không thể chắc chắn các phim sau này sẽ bội thu nếu không có sự đầu tư tạo sự khác biệt cho những tác phẩm mới. "Phim không hay, không hấp dẫn khán giả thì chẳng ngôi sao nào cứu được phòng vé" - đạo diễn Võ Thanh Hòa khẳng định.
Theo những người trong cuộc, trước đây, làng giải trí trong nước chưa lớn, số lượng diễn viên được biết đến không nhiều, khán giả mong chờ được thưởng thức tác phẩm của diễn viên mình yêu thích, chỉ cần nghe tên diễn viên là sẵn sàng đi xem. Ngày nay, số lượng diễn viên ngày càng nhiều, tốc độ đào thải nhanh. Một số diễn viên trẻ chỉ mới tạo được ấn tượng, chưa kịp sở hữu lượng người hâm mộ lớn đã phải lui về phía sau nhường lại cho các diễn viên mới. Mặt khác, với sự phát triển của công nghệ, khán giả Việt cũng dễ dàng xem được nhiều phim nước ngoài và chuyển sự yêu thích sang diễn viên các nước có nền điện ảnh phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.
Các nhà chuyên môn khẳng định "ngôi sao phòng vé" Việt hiện nay chỉ là điều kiện cần. Nghĩa là phim cần có "ngôi sao" để tạo sức hút ban đầu, giúp nhà sản xuất quảng bá cho bộ phim. Điều kiện đủ để kéo khán giả đến rạp là câu chuyện được kể phải thật chất lượng. Phim hay thì khán giả sẽ lan tỏa thông tin trên mạng thông qua truyền miệng và ngược lại. "Nếu tác phẩm bị chê về nội dung thì dù có nhiều "ngôi sao phòng vé", phim cũng khó thắng" - nhà biên kịch Kim Ngọc cho biết.
Điều này cũng đã được chứng minh qua phim "Cái giá của hạnh phúc", khi tác phẩm tạo được sự tò mò ban đầu do có Thái Hòa đóng chính nhưng sau khi tò mò qua đi, số lượng khán giả đến rạp thưởng thức phim này giảm dần do không tạo được hiệu ứng truyền miệng từ chất lượng của kịch bản.
"Diễn viên "ngôi sao phòng vé" nếu không hợp vai thì cũng khó lòng được người xem phim ủng hộ" - nhà báo Cát Vũ nói.
Bình luận (0)