xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

DỪNG TUYỂN SINH LỚP 10 BẰNG CHỨNG CHỈ IELTS: Phải tính đến công bằng trong giáo dục

PHƯƠNG DUNG - YẾN ANH thực hiện

Học ngoại ngữ để làm phương tiện hỗ trợ học tập, làm việc khác với học ngoại ngữ lấy chứng chỉ dùng làm công cụ để được ưu tiên. Việc ưu tiên, tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS vào lớp 10 có thể gây bất công cho học sinh giữa các vùng miền

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa "tuýt còi" các địa phương tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh lớp 10. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên: Nhiều địa phương tiếc nuối trước yêu cầu của Bộ GD-ĐT - không được tuyển thẳng hay cộng điểm vào lớp 10 cho những thí sinh có chứng chỉ IELTS. Một trong những lý do được nêu ra là sẽ ảnh hưởng đến phong trào học tiếng Anh của địa phương. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

- PGS-TS NGUYỄN XUÂN THÀNH: Cá nhân tôi không nghĩ như vậy. Học ngoại ngữ là rất tốt. Tuy nhiên, học để biết ngoại ngữ để dùng làm phương tiện học tập và làm việc sau này, chứ không phải học chỉ để lấy chứng chỉ phục vụ việc tuyển thẳng hay ưu tiên trong tuyển sinh. Học ngoại ngữ không phải nhu cầu tự thân mà do động lực từ bên ngoài như vậy không bền vững, nó có thể khiến học sinh không tập trung việc học ngay sau khi lấy được chứng chỉ. Tôi cho rằng trong trường hợp này, phong trào học tiếng Anh sẽ theo hướng không tốt.

DỪNG TUYỂN SINH LỚP 10 BẰNG CHỨNG CHỈ IELTS:

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT)

Học ngoại ngữ là chủ trương lớn đã được triển khai từ nhiều năm qua. Học ngoại ngữ ở đây là trang bị cho học sinh một năng lực ngoại ngữ để các em có một phương tiện tiếp cận nguồn tri thức trong nước và hội nhập quốc tế. Đến thời điểm này, chúng ta có thể nhận thấy học sinh THPT về mặt ngoại ngữ có những thay đổi rõ rệt so với trước đây. Đó chính là việc mà chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa để học sinh có được động lực tự thân trong quá trình học ngoại ngữ.

Quy chế tuyển sinh THPT của Bộ GD-ĐT không dành bất kỳ ưu tiên nào với thí sinh có IELTS. Tuy nhiên, vài năm gần đây, một số địa phương vẫn tuyển thẳng, cộng điểm khuyến khích cho các thí sinh này. Vì sao có điều đ ó, thưa ông?

- Năm 2014, bộ ban hành quy chế tuyển sinh THPT, nêu rõ 4 nhóm thí sinh được tuyển thẳng, gồm: Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; thí sinh là dân tộc ít người; người khuyết tật; người đọat giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật. Ba nhóm đối tượng khác được cộng điểm ưu tiên: con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; người nhiễm chất độc hóa học, anh hùng lao động, lực lượng vũ trang; đang sống và học tập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...

Quy chế cũng cho phép các sở GD-ĐT cộng điểm khuyến khích cho một số đối tượng, mức điểm cộng do địa phương chủ động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các quy định về cộng điểm khuyến khích bộc lộ mặt trái, có thể tạo ra sự mất công bằng giữa học sinh mà việc tuyển thẳng hay cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ IELTS là một ví dụ.

DỪNG TUYỂN SINH LỚP 10 BẰNG CHỨNG CHỈ IELTS:

Năm 2024, các địa phương không được phép tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong ảnh: Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2022-2023 tại Hà Nội. Ảnh: HỮU HƯNG

Thực tế ở cùng một địa phương, học sinh ở khu vực trung tâm dễ tiếp cận với việc học và lấy chứng chỉ ngoại ngữ hơn. Ngược lại, ở những địa bàn khó khăn, dù có nỗ lực học tốt ngoại ngữ, việc đi đến địa điểm thi hay chuẩn bị tiền triệu để đóng lệ phí thi cũng gặp trở ngại. Rõ ràng là năng lực, trí tuệ cũng như tiềm năng của học sinh này tốt, nhưng điều kiện ít hơn thì khó có thể có chứng chỉ.

Vì vậy, bộ đã điều chỉnh quy chế tuyển sinh THPT vào năm 2018, bỏ nội dung cho phép địa phương cộng điểm khuyến khích. Các tỉnh, thành được chủ động kế hoạch tuyển sinh, môn thi, hình thức, nhưng tuyển thẳng hay ưu tiên thì phải thực hiện theo yêu cầu của bộ. Việc một số địa phương đưa thêm đối tượng tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển là không đúng.

Năm nay, ngay khi biết có tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện đúng quy định đã được ban hành.

2025 là năm đầu tiên lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển cấp. Trong khi đó, một số địa phương cho biết đã kiến nghị tuyển thẳng, cộng điểm cho học sinh có chứng chỉ IELTS, học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố. Bộ có xem xét những kiến nghị này khi xây dựng quy chế tuyển sinh THCS, THPT mới không?

- Dự thảo quy chế tuyển sinh cấp THCS, THPT đang được Bộ GD-ĐT xây dựng với mong muốn tạo ra hành lang pháp lý tốt nhất, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 - chương trình định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Trước kiến nghị của các địa phương về việc cộng điểm ưu tiên, khuyến khích, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đánh giá.

Việc này phải nghiên cứu kỹ vì khuyến khích không đúng gây lãng phí thời gian, tiền bạc; đồng thời khiến các em mất kiến thức nền tảng, bị lệch lạc trong lựa chọn hướng đi. Chúng tôi cũng sẽ tính đến những thứ mang tính ghi nhận kết quả của học sinh một cách bền vững, giúp các em học thật, hình thành năng lực thật. Sẽ rất khó có chuyện tuyển thẳng không kèm điều kiện khác với thí sinh chỉ có chứng chỉ IELTS.

Các chính sách của ngành giáo dục dành cho cấp THCS là hướng tới việc phát triển toàn diện năng lực, kiến thức nền tảng. Bộ GD-ĐT chỉ có quy chế thi học sinh giỏi quốc gia dành cho học sinh THPT, không có quy định thi học sinh giỏi cấp THCS, cũng không có trường chuyên cấp THCS.

Chúng ta cần thấy rằng giải học sinh giỏi thì xét theo từng môn, trong khi tuyển sinh lớp 10 gồm nhiều môn. Một học sinh THCS giỏi văn cần được khuyến khích phát triển môn này, nhưng không đồng nghĩa bỏ môn khác. Đó là chưa nói đến tuyển thẳng học sinh giỏi cấp tỉnh, các em chỉ tập trung môn đó từ các lớp dưới mà bỏ qua các môn khác, không biết những môn này hay, thú vị thế nào, dẫn đến chọn các môn học ở cấp THPT không phù hợp.

Quy chế tuyển sinh cấp THCS, THPT đang được xây dựng. Theo đúng quy trình, chúng tôi cũng sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trước khi chính thức ban hành. 

Giúp học sinh có nhiều lựa chọn thú vị

Theo ông Hiếu Đào, Giám đốc Trung tâm tiếng Anh Exel Focus (Hà Nội), hiện nay, ngày càng nhiều gia đình cho con học tiếng Anh theo chương trình IELTS (bài kiểm tra khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh). Điều này xuất phát từ nhu cầu cũng như xu hướng ngày càng tăng của việc dùng chứng chỉ IELTS để tuyển chọn học sinh tại các trường quốc tế, chương trình liên kết ở Việt Nam, các nước và đặc biệt các nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu thế giới như Anh, Mỹ, Úc...

Ông Hiếu Đào cho rằng với chương trình học và rèn luyện đa dạng rất thực tế với đầy đủ 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, được công nhận rộng rãi trên toàn cầu, việc đạt được điểm IELTS cao sẽ giúp các học sinh có thêm nhiều cơ hội học tập, tham gia các chương trình trong và ngoài nước.

DỪNG TUYỂN SINH LỚP 10 BẰNG CHỨNG CHỈ IELTS: Phải tính đến công bằng trong giáo dục- Ảnh 3.

Một tiết học IELTS tại Trung tâm tiếng Anh Exel Focus, Hà Nội. Ảnh: Bách An

"Học IELTS tạo một cú hích, giống một làn gió mới cho các bạn yêu thích tiếng Anh với nội dung hấp dẫn. Hiện không ít trường đã chủ động tổ chức giảng dạy và kết hợp với các trung tâm khác có chuyên môn cao về giảng dạy IELTS hỗ trợ các học sinh. Tôi nghĩ đây cũng là cách để nâng cao, đa dạng nội dung chất lượng dạy tiếng Anh tại các trường" - ông Hiếu Đào nói.

Cũng theo chuyên gia này, với sự phát triển của internet, học sinh ở mọi nơi có thể học các khóa học với chi phí hợp lý. Nếu học sinh không muốn học IELTS thì vẫn hoàn toàn ôn thi theo phương pháp truyền thống. Sử dụng chứng chỉ IELTS chỉ như tạo cơ hội, sân chơi mới sẽ giúp các học sinh có nhiều lựa chọn thú vị hơn trong việc học tiếng Anh. Điều này đã được áp dụng phổ biến ở các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới nhiều năm nay.

Trước đề xuất tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS của nhiều địa phương, ông Hiếu Đào cho rằng điều đó tạo ra động lực trong việc học. Nếu các trường tại địa phương đào tạo được nhiều học sinh có năng lực ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tiếng Anh, học sinh sẽ có rất nhiều cơ hội tham gia các chương trình hấp dẫn không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác. Hiện nay, các chương trình liên kết, các trường quốc tế tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều sử dụng chứng chỉ IELTS là một trong những tiêu chí xét tuyển năng lực ngoại ngữ đối với sinh viên quốc tế khi tham gia các khóa học của họ.

"Tôi mong rằng Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh hợp lý, tạo nhiều lựa chọn và cơ hội học tiếng Anh cho học sinh" - ông Hiếu Đào bày tỏ.

Yến Anh


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo