Những ngày này, tuyến đường ven biển tỉnh Quảng Trị, đoạn qua huyện Gio Linh, lãng đãng trong sương mờ. Những rặng phi lao dọc theo bờ biển phấp phới, rì rào nương mình theo gió.
Nhiều đời tạo dựng, gìn giữ
Lâu nay, nhiều khu vực rừng phòng hộ (chủ yếu là phi lao) ven biển huyện Gio Linh được người dân chăm sóc, gìn giữ, bảo vệ nghiêm ngặt. Trước thời tiết, khí hậu miền biển vô cùng khắc nghiệt, cây phi lao vẫn vươn mình đứng vững, rễ đâm sâu bám chặt vào cát. Nhìn từ trên cao, rừng phi lao này tựa như vành đai xanh bảo vệ thôn xóm trước tình trạng "cát bay, cát nhảy", sóng biển dâng và mưa bão.
Ông Trương Quang Lực (ngụ thôn Tân Hải, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) cho biết từ hàng chục năm trước, gia đình ông đã trồng gần 1.000 cây phi lao dọc theo bờ biển. Đến nay, có cây đã sống gần nửa thế kỷ, tán vươn cao, gốc vững tựa đá núi. Không những gia đình ông mà nhiều hộ dân khác cũng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ và không ngừng củng cố, phát triển vành đai xanh ven biển này.
"Lợi ích mà rừng phi lao mang lại cho dân làng rất lớn. Từ việc ngăn "cát nhảy, cát bay", rừng phi lao này đóng vai trò như lá chắn ngăn gió bão, tạo môi trường sống trong lành, an toàn cho người dân địa phương. Hiểu được vai trò quan trọng này nên bao năm nay, người dân địa phương rất có trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng phi lao. Họ gìn giữ rừng không chỉ cho mình mà còn cho cả đời con cháu sau này" - ông Lực nhận xét.
Theo lãnh đạo UBND xã Gio Hải, rừng phi lao ven biển đi qua 4 thôn của xã được người dân trồng từ sau năm 1975 và chăm sóc cho đến nay. Trước tình trạng sạt lở bờ biển trên địa bàn ngày càng gia tăng, cùng với các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu khác thì việc gìn giữ, phát triển diện tích rừng phi lao đóng vai trò rất quan trọng.
Dọc theo bờ biển xã Trung Giang, huyện Gio Linh cũng có hơn 40 ha rừng phi lao do người dân trồng từ lâu. Nhiều nơi, qua các lần trồng dặm, cây mọc lên san sát, vững chải, như ở các thôn Nam Sơn, Thủy Bạn.
Ông Nguyễn Đức Phới, Chủ tịch UBND xã Trung Giang, nhận định ngoài 350 ha rừng các loại, sự hiện diện của diện tích rừng phi lao này đã hạn chế tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tạo môi trường sống an toàn cho người dân địa phương. Người dân cũng như chính quyền địa phương sẽ ưu tiên gìn giữ, bảo vệ không gian xanh ven biển quý giá này.

Rừng phi lao ven biển đoạn qua xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
Không ngừng gia tăng diện tích rừng trồng
Ông Nguyễn Văn Cung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Gio Linh, cho biết trên địa bàn các xã, thị trấn ven biển huyện này có hơn 500 ha rừng. Trong đó, khoảng 60 ha là rừng tự nhiên và số còn lại thuộc rừng trồng phòng hộ, rừng trồng sản xuất.
Để bảo vệ hiệu quả, thời gian qua, nhiều diện tích rừng ven biển được giao cho cộng đồng thôn, hộ gia đình và các xã quản lý. Qua kiểm tra, theo dõi, những khu rừng này đang được các địa phương và người dân bảo vệ hiệu quả.
Cùng với việc gìn giữ, bảo vệ rừng phòng hộ, những năm gần đây, thông qua Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR), tỉnh Quảng Trị đã không ngừng trồng mới, phục hồi diện tích rừng ven biển. Riêng tại địa bàn huyện Gio Linh, dự án đã tiến hành trồng mới rừng phòng hộ, trồng phục hồi rừng với diện tích khoảng 190 ha ở các xã Gio Hải, Trung Giang, Gio Mỹ, Trung Hải, thị trấn Cửa Việt...
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị - đơn vị chủ đầu tư dự án, đến nay, tỉnh này đã trồng mới, trồng phục hồi 624 ha rừng. Trong đó, trồng mới là 107 ha rừng phòng hộ, phục hồi và nâng cấp 517 ha rừng phòng hộ ven biển trên cạn.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn hỗ trợ trồng 83.310 cây phân tán trên địa bàn 27 xã vùng dự án thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ. Các loài cây được chọn trồng, hỗ trợ có tính chịu hạn cao, thích ứng với thời tiết đặc thù tại tỉnh như keo lưỡi liềm, phi lao.
Ông Trần Hoàng Việt, Phó Giám đốc Dự án FMCR tỉnh Quảng Trị, thông tin về cơ bản, toàn bộ diện tích thực hiện tại dự án đều thuộc đất rừng phòng hộ ven biển, được giao cho UBND các xã quản lý và người dân tham gia bảo vệ. Trồng rừng, phục hồi và quản lý hiệu quả rừng trồng có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng hộ, bảo vệ và cải tạo môi trường khu vực ven biển.
"Đây là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với biến đổi khí hậu, các rủi ro do thiên tai, nước biển dâng. Ngoài ra, việc này còn góp phần tạo ra môi trường canh tác thủy sản và nông nghiệp thuận lợi, góp phần tăng thu nhập cho người dân vùng ven biển" - ông Việt nhìn nhận.

Người dân canh tác nông nghiệp bên rừng phi lao phòng hộ ven biển Quảng Trị
Lá chắn nơi cửa sông
Từ kinh phí của dự án FMCR, cùng với việc trồng mới, phục hồi rừng phòng hộ ven biển, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị đã triển khai trồng hơn 43 ha rừng ngập mặn tại cửa sông Thạch Hãn, sông Bến Hải thuộc các huyện Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh. Loài cây được chọn trồng là bần chua, một loài thực vật ngập mặn.
Đến nay, sau 4 năm trồng và chăm sóc, diện tích rừng ngập mặn này đã phát triển, sinh trưởng tốt, xanh mướt cả vùng cửa sông. Những cánh rừng ngập mặn này được kỳ vọng sẽ trở thành lá chắn nơi cửa sông, tạo môi trường thuận lợi cho các loài thủy hải sản, chim trời đến cư ngụ.
Bình luận (0)