Sâm bố chính còn được gọi là sâm tiến vua nhưng thời gian gần đây có nhiều dự án phát triển sản phẩm từ dược liệu này giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn. Các sản phẩm từ sâm tiến vua khá đa dạng, như: sâm khô cắt lát, cắt sợi, trà sâm, sâm ngâm mật ong,… với giá bán từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm.
Chỉ bằng một ly cà phê
Bên cạnh đó, để phục vụ mùa Tết sắp tới, các doanh nghiệp (DN) đã đầu tư thêm vào bao bì để sản phẩm có thành phần dược liệu trở thành quà tặng với giá bán đa dạng, từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Chị Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia (tỉnh Thừa Thiên - Huế) - một doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp từ việc hợp tác với nông dân vùng cao tỉnh Thừa Thiên - Huế để trồng sâm bố chính làm nguyên liệu chế biến, nhìn nhận mặt hàng này đang dần trở về giá trị thật.
Nhờ vậy, sâm bố chính hiện nay có thể dùng cho mọi đối tượng, đặc biệt là sử dụng trong ẩm thực ngày càng nhiều. "Trước đây, sâm bố chính khai thác tự nhiên nên đắt đỏ, nay nhiều nơi trồng thành công nên giá hợp lý hơn. Ở công đoạn chế biến, công ty chúng tôi vừa nâng công suất hệ thống máy sấy lạnh giúp giảm hơn 20% giá thành so với hệ thống cũ" - chị Phương dẫn chứng.
Chị Phương cho biết theo Dược điển Việt Nam, liều dùng tối đa của sâm bố chính là 12 g củ khô/ngày, tính ra chỉ tốn chưa tới 50.000 đồng/ngày. "Đấy là liều tối đa, còn thông thường mọi người dùng bồi bổ sức khỏe chỉ 2-3 lần/tuần nên chi phí không lớn. Vấn đề của nhà sản xuất là đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu, thói quen người dùng" - chị Phương nói.
Ông Võ Đình Hoa, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Khang An Đà Lạt (Lâm Đồng), cho hay cách đây 5 năm, đông trùng hạ thảo khô sấy thăng hoa phải 25 triệu đồng/kg thì nay chỉ còn 18 triệu đồng/kg. Nguyên nhân là do số lượng người tham gia đầu tư nuôi trồng đông trùng hạ thảo rất lớn khiến thị trường bão hòa.
Cũng theo ông Hòa, nếu tính theo kg thì đông trùng hạ thảo có giá cao nhưng khi sử dụng chỉ vài sợi để pha trà chỉ tốn tầm 25.000 đồng/ngày - không quá cao so với một ly cà phê ở quán. Dù vậy, so với thực phẩm thông thường hoặc các loại đặc sản, đây vẫn là dòng sản phẩm mới, cao cấp nên phân khúc khách hàng còn hẹp.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, do giá nguyên liệu rẻ hơn nên các loại đẳng sâm, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi… được chiết xuất đưa vào nhiều mặt hàng bình dân hơn như: nước giải khát đông trùng hạ thảo có giá 40.000 đồng/chai, nước giải khát đẳng sâm có giá 18.000 đồng/chai hay mè xửng sâm bố chính giá 69.000 đồng/gói.
Sâm Ngọc Linh bắt đầu rẻ
Ông Lương Trọng Khoa, sáng lập Công ty CP Sâm Ngọc Linh Vinapanax (TP HCM), cho biết những năm qua có rất nhiều nhà đầu tư lớn lẫn cá nhân đổ vào mảng trồng và chế biến sâm Ngọc Linh.
"Đến nay, các vườn trồng đến giai đoạn thu hoạch, nguồn cung nhiều hơn nên mặt bằng giá sâm Ngọc Linh rẻ hơn 15%-20% so với 3 năm trước. Tôi nghĩ 5 năm tới, giá nguyên liệu sâm Ngọc Linh còn giảm hơn nữa, việc bán sâm tươi sẽ khó khăn hơn, từ giờ phải đầu tư sớm vào chế biến tương tự như cách Hàn Quốc đã làm" - ông Khoa dự báo.
Sâm Ngọc Linh là dược liệu quý, khi đầu tư vào lĩnh vực này ai cũng mong muốn số đông người tiêu dùng Việt Nam có thể sử dụng được. "Thời điểm hiện tại, sâm Ngọc Linh 7 tuổi có giá 90 triệu đồng/kg, chúng tôi tính toán 1 lát sâm tươi có giá 100.000 đồng. Việc sử dụng sâm dạng sơ chế như vậy sẽ không dùng hết được những chất quý trong sâm gây ra lãng phí.
Giải pháp của chúng tôi là chiết xuất tinh sâm Ngọc Linh định chuẩn theo Dược điển Việt Nam để đưa vào các loại thực phẩm giúp giá từng sản phẩm phù hợp hơn với người tiêu dùng" - ông Khoa nói.
Ngoài sâm Ngọc Linh trồng tự nhiên, các nhà khoa học đã thành công trong việc nuôi cấy sinh khối rễ tóc sâm Ngọc Linh trong phòng thí nghiệm. Đây là kết quả nghiên cứu giữa Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM và Trường Đại học Picardie Jules Verne (Pháp) và đã thương mại hóa thành công.
Sản phẩm ra thị trường dưới dạng thực phẩm chức năng có tên nước uống sâm Ngọc Linh Navilife loại hộp mềm tiết kiệm giá 990.000 đồng gồm 12 chai 50 ml. Ngoài ra, còn có một số quy cách đóng gói đẹp mắt hơn để dùng làm quà tặng.
Theo TS Hà Thị Loan, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP HCM, hiện nay rễ sâm Ngọc Linh nuôi trồng trong phòng thí nghiệm giá chỉ 2 triệu đồng/kg trong khi sâm Ngọc Linh trồng tự nhiên giá từ 60-180 triệu đồng/kg.
"Tất nhiên, rễ sâm nuôi cấy tế bào có chất lượng không bằng hàng tự nhiên khi hoạt chất saponin được tính toán chỉ bằng khoảng 50% so với sâm Ngọc Linh 6 năm tuổi. Nhưng ưu thế giá thành rẻ nên đây vẫn là một lựa chọn cho người tiêu dùng" - TS Loan nói.
Nhu cầu rất lớn
Kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Kiều Trinh, nhân viên HTX Dược liệu An Thành (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), cho biết nhu cầu của thị trường đối với các loại dược liệu rất lớn. "Nhiều lần đi tham dự các hội chợ, triển lãm tại TP HCM và Hà Nội, chúng tôi đều bán hết hàng mang đi, sau đó họ trở thành khách quen nên thường đặt hàng giao tận nhà. Nhìn chung, điều người tiêu dùng cần là hàng thật, chuẩn về nguồn gốc. Chúng tôi ở ngay vùng nguyên liệu, thuận tiện hướng dẫn người dân địa phương cách khai thác để bảo tồn cho mùa sau nên có nguồn hàng ổn định và giá bán khá mềm do không qua trung gian" - chị Trinh nói.
Theo kỹ sư Trinh, HTX đang đẩy mạnh sản phẩm đẳng sâm, một loại sâm rất tốt, tương đương nhiều loại sâm nhập khẩu nhưng giá thành thấp hơn nhiều vì chỉ cần trồng 18-24 tháng đã có thể thu hoạch.
Bình luận (0)