Theo ông Trần Thiện Thanh, Phó Giám đốc HTX Sầu riêng Trường Phát, hiện nay trái sầu riêng của Việt Nam còn cạnh tranh với nhiều quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia… và chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nếu tăng trưởng nóng thì đến một lúc nào đó loại trái cây "tỉ đô" này cũng sẽ rớt giá như một số loại cây ăn trái khác.
"Chúng tôi thường khuyến khích xã viên hạn chế mở rộng diện tích, chỉ trồng thêm sầu riêng khi có quy hoạch của ngành chức năng vì nếu gặp rủi ro thì khó hoàn vốn do sầu riêng có chi phí đầu tư cao. Song song đó, phải nâng cao chất lượng hàng hóa và mẫu mã để cạnh tranh với các nước. Có như vậy mới giữ được giá cao" - ông Thanh nói.
Để ngành nông nghiệp của TP Cần Thơ phát triển bền vững, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng hiện ngành đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đối với vùng sản xuất lúa chuyên canh tập trung đã áp dụng quy trình sản xuất tiết kiệm tài nguyên (3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm...), sử dụng giống chất lượng cao và các giống lúa thơm đặc sản; các khâu cơ giới tương đối đồng bộ trong phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân và gieo sạ, làm đất, thu hoạch được ứng dụng phổ biến. Riêng vùng cá tra tập trung ứng dụng hiệu quả các giải pháp thâm canh, công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm…
Tỉnh Cà Mau với hơn 280.000 ha nuôi tôm, sản lượng đạt khoảng 230.000 tấn/năm được xem là "thủ phủ" tôm của cả nước. Hộ nuôi tôm ở Cà Mau rất phấn khởi khi nghe tin mặt hàng nông sản chiếm khoảng 9% của tổng số gần 5 tỉ USD xuất siêu trong 2 tháng đầu năm. Ông Nguyễn Văn Tình (70 tuổi; ngụ huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) bày tỏ gia đình đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi tôm quảng canh tại địa phương. Sau thời gian dài canh tác, độ phù sa trong đất giảm kéo theo nguồn thức ăn cho tôm nuôi hạn chế. "Để tăng sản lượng tôm nuôi, tôi đã mua những cuộn rơm cho vào vuông nuôi. Sau khi rơm phân hủy, ngoài cải thiện môi trường nước trong vuông nuôi, còn bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm nhanh lớn và cho năng suất cao" - ông Tình chia sẻ.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu nông sản 689 tại Kiên Giang cho biết nông sản muốn xuất khẩu bền vững thì giữa doanh nghiệp và nông dân phải gắn kết, hỗ trợ chặt chẽ. Trong năm qua, khi có nhu cầu thu mua nông sản xuất khẩu, công ty tư vấn, chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cho nông dân rồi thu mua chính sản phẩm đó tại ruộng với giá tốt, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp.
Bình luận (0)