Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra không ít vấn đề, nhất là với thế hệ trẻ. Game online từ một công cụ giải trí đã trở thành mối lo với gia đình, xã hội khi nhiều trẻ em, thanh thiếu niên nghiện game.
Thiết thực, hợp lý
Trước tình trạng này, Nghị định 147/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ 25-12 được ban hành được coi là bước tiến đáng chú ý trong thiết lập quy định kiểm soát việc phát hành, chơi game.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là quy định này có thực sự hợp lý và khả thi không?
Với kinh nghiệm, vai trò của một giáo viên THPT, tôi cho rằng việc giới hạn giờ chơi game đối với trẻ em, thanh thiếu niên là hoàn toàn cần thiết. Qua giảng dạy và tiếp xúc hằng ngày với học sinh, tôi nhận thấy tình trạng nghiện game khá phổ biến, nhất là ở lứa tuổi dưới 18. Nhiều học sinh của tôi thường xuyên bị phân tâm trong giờ học, giảm sút thành tích, thậm chí gặp vấn đề về sức khỏe do thức khuya chơi game.
Giới hạn thời gian chơi game không quá 180 phút/ngày cũng là mức độ hợp lý bởi vừa đủ để các em được giải trí mà không làm ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng khác như học tập, vận động thể chất và giao tiếp xã hội. Nếu không, nhiều trẻ có thể rơi vào tình trạng chơi game không kiểm soát, dẫn đến các hệ lụy như rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, giảm tập trung và thậm chí là các vấn đề tâm lý như trầm cảm hoặc lo âu.
Không phải tất cả phụ huynh và trẻ em đều ý thức được tầm quan trọng của việc giới hạn giờ chơi game. Tôi từng gặp nhiều gia đình không quan tâm đến thời gian chơi game của con, thậm chí coi đó là cách để con bớt quậy. Việc quy định giới hạn giờ chơi game không chỉ hợp lý mà còn rất cần thiết để bảo vệ thế hệ trẻ.
Cần giải pháp đồng bộ
Mặc dù quy định là cần thiết nhưng việc thực thi lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Nếu không có giải pháp cụ thể và khả thi, quy định này dễ dàng trở thành lý thuyết. Từ góc nhìn của mình, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất là xây dựng hệ thống kiểm soát từ các nhà phát hành game thông qua ứng dụng công nghệ. Chẳng hạn, yêu cầu đăng ký tài khoản bằng thông tin cá nhân thật như ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân. Ở Trung Quốc, một số doanh nghiệp đã triển khai công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác minh danh tính người chơi và bảo đảm tuân thủ quy định.
Thứ hai, phụ huynh cần đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát thời gian chơi game của con cái. Thay vì chỉ cấm đoán, phụ huynh nên đồng hành, lắng nghe và hướng dẫn con sử dụng thời gian hợp lý. Các ứng dụng quản lý thời gian trên thiết bị di động cũng có thể hỗ trợ phụ huynh trong việc giám sát.
Thứ ba, nâng cao vai trò của nhà trường. Nhà trường cần tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục học sinh về tác hại của nghiện game và lợi ích của việc sử dụng thời gian hợp lý. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ thể thao, nghệ thuật cần được đẩy mạnh để tạo môi trường giải trí lành mạnh, thay thế cho game.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát các nhà phát hành game để bảo đảm họ tuân thủ quy định. Nếu phát hiện vi phạm, cần có hình thức xử phạt nghiêm minh để tạo tính răn đe. Điều này không chỉ giúp quy định đi vào thực tế mà còn nâng cao ý thức của các bên liên quan.
Thực thi quy định này chắc hẳn sẽ gặp không ít thách thức. Một số học sinh có thể tìm cách lách luật, chẳng hạn sử dụng tài khoản của người lớn hoặc chơi game trên nhiều thiết bị khác nhau. Ngoài ra, việc triển khai công nghệ kiểm soát từ các nhà phát hành game cũng đòi hỏi chi phí lớn và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan.
Tuy nhiên, nếu có sự quyết tâm từ chính phủ, các cơ quan quản lý, nhà phát hành game, gia đình và nhà trường, quy định này hoàn toàn khả thi. Quan trọng hơn, nó không chỉ là một giải pháp ngắn hạn để hạn chế nghiện game mà còn là bước đi dài hạn để xây dựng thói quen sống lành mạnh cho thế hệ trẻ.
Để quy định này thực sự hiệu quả, cần những giải pháp kiểm soát cụ thể, đồng bộ và khả thi. Hy vọng rằng sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ giúp các em học sinh có một môi trường sống lành mạnh, cân bằng giữa học tập, giải trí và phát triển bản thân.
Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Dưới 18 tuổi không được chơi game quá 180 phút/ngày: Quản lý cách nào?" để tiếp nhận những ý kiến đóng góp của bạn đọc, chuyên gia và nhà quản lý xung quanh quy định mới nêu trên.
Bài viết tham gia diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn hoặc toasoan@nld.com.vn.
Bình luận (0)