Từ nguồn tin báo của người dân về hoạt động của cơ sở tái chế nhớt thải, hoạt động rầm rộ trong nhiều ngày tại thôn Tân Hòa, xã Sông Phan (huyện Hàm Tân, Bình Thuận), chúng tôi đã thâm nhập thực tế.
Dù đã được người dân cung cấp thông tin vị trí xây dựng cơ sở tái chế dầu nhớt thải khá cụ thể tại khu vực sản xuất 85 ha – xã Tân Hòa, tuy nhiên phải mất hơn 1 buổi, men theo nhiều lối mòn bằng cả xe máy lẫn đi bộ, chúng tôi mới tìm đến nơi.
Nhìn từ xa, không dễ nhận biết được nơi này được sử dụng để tái chế dầu nhớt thải. Xung quanh là các bức tường tôn xanh cao khoảng 2m, lợp kín toàn bộ khu đất rộng hàng trăm mét vuông, nằm lọt thỏm giữa rẫy thanh long và khu rừng keo lá tràm.
Theo tìm hiểu, cơ sở tái chế dầu nhớt thải này do ông Nguyễn Trọng Huân (SN 1980, trú khu phố 3, phường Tân Thiện, thị xã LaGi, Bình Thuận) làm chủ. Ông Huân thuê đất của người dân địa phương và tiến hành xây dựng từ tháng 10-2023. Đến đầu tháng 11 vừa qua, cơ sở này đi vào hoạt động, gây ô nhiễm nặng môi trường xung quanh.
"Hàng ngày khi còn hoạt động, nơi này ám mùi dầu đốt rất hôi. Ngoài ra còn tiếng máy chạy, các cột khói bốc lên cao vô cùng ô nhiễm" – ông H., một người dân sống cạnh cơ sở tái chế nhớt thải, nói.
Tại hiện trường, cơ sở tái chế dầu nhớt thải của ông Nguyễn Trọng Huân, có 1 lò tách nước cặn trong nhớt thải, 2 lò chưng cất nhớt thải, 2 bồn giải nhiệt, 2 bồn chứa dầu sau ngưng tụ, 1 hồ chứa nước làm mát, 1 nhà tiền chế để công nhân sinh hoạt làm việc.
Tại cơ sở còn có 16 thùng phuy (loại 200 lít/thùng) nhớt thải chưa qua xử lý, 20 thùng phuy (loại 200 lít/thùng) chứa cặn nhớt thải đã qua xử lý, 9 thùng nhựa (loại 1.000 lít/thùng) chứa dầu nhớt thành phẩm đã qua xử lý.
Phía sau cơ sở đào các hố đất chứa các bao chất thải rắn màu đen, trên bề mặt hố có lấp đất và dùng tôn che chắn lại.
Theo người dân, ban đầu khi cơ sở của ông Nguyễn Trọng Huân mới xây dựng, người dân thấy rào chắn xung quanh và xây dựng các lò đốt nên đinh ninh nơi này xây dựng để sản xuất rượu. Ngay sau khi phát hiện dấu hiệu tái chế nhớt, người dân đã trình báo lên chính quyền xã Sông Phan.
Từ nguồn tin báo của người dân, công an huyện Hàm Tân phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, UBND xã Sông Phan tổ chức kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh tại cơ sở tái chế dầu nhớt nói trên.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, dầu nhớt thải được ông Nguyễn Trọng Huân thu mua về từ các cơ sở tại tỉnh Đắk Lắk, chứa trong các phuy sắt. Sau đó nhân công đổ vào lò gia nhiệt thêm các chất phụ gia để lắng lọc cặn, gia nhiệt để bay hơi qua lò ngưng tụ, sử dụng nước làm mát để ngưng tụ thành dầu diesel thành phẩm đổ vào các thùng nhựa loại 1.000 lít, một lượng dầu nặng không hóa hơi được thì đổ lại vào phuy sắt loại 200 lít, chất cặn thì đổ vào bao và chôn lấp ngay tại cơ sở. Mục đích tái chế dầu thành phẩm sau đó bán lại cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu đốt lò nhiệt.
Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Bình luận (0)