Đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại vào sáng 8-8 sau 15 năm chờ đợi. Đoạn này gồm 8 ga: Nhổn (S1), Minh Khai (S2), Phú Diễn (S3), Cầu Diễn (S4), Lê Đức Thọ (S5), Đại học Quốc gia (S6), Chùa Hà (S7) và Cầu Giấy (S8).
Háo hức chờ trải nghiệm
Từ sáng sớm, nhiều người dân Hà Nội đã đến các nhà ga, xếp hàng lấy vé để trải nghiệm tàu điện trên cao.
Trong 15 ngày đầu tuyến đường sắt đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí. Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) bố trí hàng trăm nhân viên hướng dẫn người dân nhận và sử dụng thẻ miễn phí đi tàu điện.
Có mặt tại ga Cầu Giấy, ông Dương Văn Quỳnh (trú quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết cũng như nhiều người khác, ông rất mong chờ ngày tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vận hành chính thức. "Mỗi khi tuyến này lỡ hẹn là người dân lại thấy hụt hẫng. Lần này, tuyến chính thức đi vào vận hành khiến mọi người rất vui và hào hứng" - ông bày tỏ.
Nguyễn Xuân Quỳnh, sinh viên Trường ĐH Thương mại, nhận xét tàu điện sạch sẽ, thoáng mát và giá vé hợp lý. Quỳnh và các bạn dự định sẽ sử dụng phương tiện công cộng này để di chuyển thường xuyên trong thời gian tới.
Tính đến 16 giờ ngày 8-8, đã có gần 15.000 lượt hành khách trải nghiệm tàu điện tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội trong ngày đầu vận hành chính thức.
Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, giá vé đối với khách đi 1 ga là 8.000 đồng/lượt, đi cả tuyến là 12.000 đồng/lượt. Vé ngày là 24.000 đồng, có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt; vé phổ thông là 200.000 đồng/tháng; vé ưu tiên cho học sinh, sinh viên 100.000 đồng/tháng; vé tập thể là 140.000 đồng/tháng.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội thực hiện chính sách vé miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người trên 60 tuổi, người khuyết tật.
Khách đi tàu điện ngày càng đông
Tại Hà Nội, ngoài tuyến Nhổn - ga Hà Nội vừa vận hành, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được đưa vào khai thác thương mại từ tháng 11-2021 với chiều dài 13,05 km, gồm 12 nhà ga. Từ khi đi vào hoạt động, tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã làm thay đổi bộ mặt giao thông thủ đô, thể hiện được tính ưu việt, thu hút ngày càng đông hành khách sử dụng.
Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Metro, cho biết trung bình mỗi ngày bình thường, tàu điện Cát Linh - Hà Đông vận chuyển khoảng 35.000 hành khách. Riêng cuối tuần, tuyến này vận chuyển khoảng 22.000 hành khách/ngày. Người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nhất là phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch như tàu điện, không chỉ bởi những ưu điểm của loại hình này mà còn thể hiện văn hóa cộng đồng, vì thủ đô xanh - sạch - đẹp.
TP Hà Nội cũng đang phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ, sớm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, với chiều dài 11,5 km. Tuyến này được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ giúp giảm lưu lượng xe cá nhân; tạo động lực phát triển mạng lưới giao thông công cộng của thủ đô; kết nối sân bay, vùng ngoại ô, các khu đô thị mới của TP Hà Nội đến khu trung tâm phố cổ...
Bộ Chính trị đã yêu cầu TP Hà Nội phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành 14 tuyến đường sắt đô thị. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhìn nhận với các đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, giao thông công cộng ngày càng có vai trò quan trọng. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị được coi là trục xương sống của mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỉ trọng vận tải hành khách công cộng, đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông.
Về kế hoạch cụ thể, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội, cho biết thành phố sẽ phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải của thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý. "Phấn đấu tỉ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2023 của TP Hà Nội đạt 50%-55%; sau năm 2035 đạt 65%-70%" - ông Nguyễn Phi Thường thông tin.
UBND TP Hà Nội đã đề xuất "1 kế hoạch, 3 phân kỳ" đầu tư đường sắt đô thị. Theo đó, phân kỳ 2024 - 2030 đặt mục tiêu hoàn thành thi công 96,8 km (gồm các tuyến số 2, số 3, số 5); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301 km đường sắt đô thị. Sơ bộ nhu cầu vốn giai đoạn này khoảng 14,602 tỉ USD.
Trong phân kỳ 2031 - 2035, hoàn thành đầu tư xây dựng 301 km; sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 22,572 tỉ USD. Đến sau năm 2030, đường sắt đô thị đảm nhận 35%-40% lượng hành khách công cộng. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 là khoảng 37,174 tỉ USD.
Ở phân kỳ 2036 - 2045, mục tiêu là hoàn thành đầu tư xây dựng 200,7 km đường sắt đô thị đối với các đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung theo Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỉ USD.
UBND TP Hà Nội đề nghị HĐND thành phố thống nhất nội dung, ban hành nghị quyết riêng thông qua Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thủ đô. Đồng thời, trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để phân cấp, phân quyền chủ động cho TP Hà Nội, tập trung nguồn lực, rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.
TP HCM: Chuẩn bị vận hành metro số 1
Bất chấp nhiều khó khăn cần tháo gỡ, chủ đầu tư và nhà thầu đã nỗ lực bảo đảm tiến độ vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào cuối năm 2024.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), đến nay, tuyến đường sắt đô thị số 1 đã đạt 98,38% khối lượng. Dự án đang tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục phụ trợ như: xây cầu bộ hành, tòa nhà Văn phòng Công ty O&M, đánh giá an toàn hệ thống để trình cơ quan chức năng thẩm định và chứng nhận an toàn. Nhà thầu đang thử nghiệm tích hợp các hệ thống để phục vụ công tác thử nghiệm vận hành tích hợp. Đây là tiền đề cho việc triển khai các kịch bản đánh giá an toàn hệ thống, việc vận hành thử nghiệm trong tháng 10 và 11-2024.
Riêng khâu đào tạo nhân sự vận hành tuyến metro số 1, tháng 7 vừa qua, nhân viên lái tàu đã được thực hành trên thiết bị mô phỏng đoàn tàu và chuẩn bị thực hành trên tàu trong tháng 8 này.
"Dự án đã đi đến những giai đoạn cuối để hoàn thành, nghiệm thu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, cần sự chỉ đạo tháo gỡ của UBND TP HCM cũng như sự phối hợp tích cực từ phía nhà thầu để đưa vào vận hành, khai thác đúng tiến độ, bao gồm thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, đánh giá an toàn hệ thống, hoàn thành hạng mục thi công phụ trợ..." - đại diện MAUR cho biết.
Ngoài tuyến metro số 1, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng đang được nhà thầu thi công các hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật như điện, cấp nước, chiếu sáng, cây xanh... Chủ đầu tư đã ký kết, triển khai một số gói thầu tư vấn kiểm soát dự án; tích cực làm việc với các nhà tài trợ để lựa chọn phương án tài chính phù hợp, xúc tiến các khoản vay.
MAUR cũng khởi động một số tuyến metro khác. Trong đó, tuyến metro số 2 - giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm) được các bên liên quan xúc tiến khoản hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi, cùng với việc lập đề xuất dự án. Còn tuyến metro số 5, giai đoạn 1 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) đang cập nhật tình hình tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra, phục vụ khâu thẩm định của Hội đồng Thẩm định nhà nước và báo cáo UBND TP HCM.
Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) đang được rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư, các phương án tài chính ngoài phương án vay theo điều kiện STEP (điều kiện đặc biệt cho đối tác kinh tế, trong đó nhà thầu chính phải có quốc tịch Nhật Bản).
Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được khởi công xây dựng vào năm 2009, dự kiến khai thác thương mại vào năm 2015 song đã nhiều lần trễ hẹn.
Vào thời điểm khởi công, dự án có tổng mức đầu tư 783 triệu Euro. Đến năm 2014, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 1,176 tỉ Euro. Tháng 5-2023, dự án tiếp tục điều chỉnh tổng mức đầu tư lên khoảng 1,3 tỉ Euro với thời gian thực hiện từ năm 2009 đến 2027.
Bình luận (0)