xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đường sắt đô thị TP HCM trước bước ngoặt mới

Bài và ảnh: PHAN ANH

28 cơ chế, chính sách vượt trội, chưa từng có trong Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM được kỳ vọng tạo bước đột phá

Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND TP HCM Đỗ Thị Minh Quân cho biết kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ giữa năm) HĐND thành phố khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ diễn ra trong 2,5 ngày, từ hôm nay, 15-7, đến 17-7.

Cần thiết và cấp bách

Bà Đỗ Thị Minh Quân thông tin một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại kỳ họp lần này liên quan Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM theo Kết luận 49/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đến năm 2035, TP HCM có thể hoàn thành 6 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 180 km.  Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đến năm 2035, TP HCM có thể hoàn thành 6 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 180 km. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo nội dung tờ trình, UBND TP HCM kiến nghị HĐND thành phố thông qua chủ trương về một số nội dung chủ yếu của Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM theo Kết luận 49. Đồng thời, giao UBND TP HCM phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành trung ương tổ chức hoàn thiện đề án, báo cáo cấp thẩm quyền thông qua và trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị.

UBND TP HCM cho rằng đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị thành phố là việc cần thiết và cấp bách. Việc này nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị và các quy hoạch liên quan hệ thống đường sắt đô thị TP HCM. 

Đồng thời, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ và quy hoạch TP HCM; tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển đô thị hiện đại, lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị.

"Xương sống" của hệ thống giao thông

Khẳng định xây dựng hệ thống đường sắt đô thị sẽ tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, UBND TP HCM xác định đường sắt đô thị là trục "xương sống" của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, là thành tố quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Do đó, TP HCM sẽ tập trung đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm, bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện và kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 1 từ nay đến năm 2035 hoàn thành 6 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 180 km, dự kiến đảm nhận 40% - 50% lượng khách công cộng, đáp ứng 7 - 8 triệu lượt khách/ngày đêm. Sau đó, TP HCM tiếp tục làm thêm hơn 168 km để nâng tổng chiều dài lên hơn 351 km vào năm 2045. Đến năm 2060, các tuyến đường sắt đô thị còn lại trong quy hoạch được đầu tư, nâng tổng chiều dài lên 510 km.

Để thực hiện mục tiêu, đề án xây dựng 6 nhóm cơ chế chính sách với 28 cơ chế vượt trội, chưa từng có. Trong đó, 17 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội; 11 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ.

Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo

Nhiều chuyên gia đánh giá để đạt được những mục tiêu đề ra trong đề án, cần có cách làm mới. Vì thế, 28 cơ chế, chính sách đột phá trong đề án được kỳ vọng nhận được sự đồng ý của Quốc hội và Chính phủ, mở ra bước ngoặt trong cách làm đường sắt đô thị.

Luôn tâm huyết với lĩnh vực đô thị, TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận làm đường sắt đô thị không còn là nhiệm vụ của riêng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM mà cần cách tiếp cận và sự vào cuộc đa ngành. 

Bởi lẽ, nhiều vấn đề nằm ngoài tầm của Ban Quản lý đường sắt đô thị; việc triển khai cần có sự kết nối chặt chẽ các khâu, từ quy hoạch, bồi thường, giải tỏa, xây dựng đến vận hành.

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh trước khi xây dựng, cần hoàn thành việc bồi thường, giải tỏa để bảo đảm tiến độ thi công. Nếu chưa thực hiện xong mà khởi công thì rất khó khăn bởi sau khi khởi công, giá đất tăng lên từng ngày, từng giờ trong khi thời gian giải phóng mặt bằng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.

Theo đề án, sơ bộ tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác cho giai đoạn từ nay đến năm 2035 là khoảng 837.249 tỉ đồng (tương đương 34,92 tỉ USD), không bao gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1. Vốn để triển khai được huy động tối đa từ mọi nguồn lực; trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, tạo đột phá. Các nguồn được huy động từ tăng thu ngân sách, thu từ phát triển đô thị theo mô hình TOD, phát hành trái phiếu, đầu tư công, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu...

Về kế hoạch trong thời gian tới, UBND TP HCM cho biết đề án đang được tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến các bộ, ngành trung ương. Trong tháng 7-2024, đề án được báo cáo Thủ tướng và Thường trực Chính phủ. Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị cho ý kiến trong quý III/2024. Dự kiến, nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường sắt đô thị TP HCM sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. 

HĐND TP HCM bàn nhiều nội dung quan trọng

Tại kỳ họp HĐND lần này, UBND TP HCM sẽ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; kết quả thực hiện chủ đề năm "Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội"; kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2024. Bên cạnh đó là tình hình sử dụng khoản chưa phân bổ từ 2%-4% tổng chi ngân sách 16 quận theo quy định tại khoản 6 điều 5 Nghị quyết 98; kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 và công tác chuẩn bị năm học mới 2024-2025.

Kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM khóa X vừa qua, các đại biểu thông qua nhiều chính sách quan trọng Ảnh: PHAN ANH

Kỳ họp thứ 15 HĐND TP HCM khóa X vừa qua, các đại biểu thông qua nhiều chính sách quan trọng .Ảnh: PHAN ANH

UBND TP HCM cũng trình kỳ họp HĐND thành phố tờ trình về quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024-2025 và các năm học tiếp theo; danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; kế hoạch đầu tư công năm 2025; quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư nhiều dự án. Kỳ họp còn thảo luận và thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề về "Việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2022-2025".


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo