Chiều 13-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Cuộc làm việc được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu trụ sở EVN ở Hà Nội và trực tuyến tới 778 điểm cầu tại các đơn vị thành viên của tập đoàn.
Doanh thu ước đạt 497.000 tỉ đồng
Tại buổi làm việc, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN, cho biết năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung cuối tháng 5, đầu tháng 6 và phải thực hiện tiết giảm phụ tải miền Bắc nhưng EVN đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Theo đó, doanh thu toàn tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỉ đồng; nộp ngân sách khoảng 21.000 tỉ đồng. Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỉ đồng.
Điện sản xuất toàn hệ thống đạt trên 280 tỉ KWh, tăng trên 4,5% so với năm 2022. Điện thương phẩm trên 251 tỉ KWh, tăng 3,5%. Đến nay, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống trên 80.000 MW, đứng đầu khu vực ASEAN. Trong đó, nguồn của EVN và các đơn vị thành viên là gần 30.000 MW, chiếm trên 37%. Đáng chú ý, giá trị khối lượng đầu tư của EVN đạt 90.997 tỉ đồng - thuộc hàng cao nhất trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. EVN đã khởi công 146 dự án và hoàn thành 163 dự án lưới điện 110 - 500 KV.
Cũng trong năm 2023, EVN và các tổng công ty điện lực đã chủ động thu xếp các nguồn vốn để đầu tư cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Đến nay, tỉ lệ số xã nông thôn đạt tiêu chí về điện thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới là 94,5%.
Theo ông Đặng Hoàng An, năm 2024, EVN tập trung bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. EVN phấn đấu bảo đảm cung ứng sản lượng điện thương phẩm năm 2024 là 262,26 tỉ KWh và sẵn sàng với phương án cao 269,3 tỉ KWh; đầu tư toàn tập đoàn đạt 101.911 tỉ đồng; bảo đảm cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.
Chủ tịch EVN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết một số đề xuất liên quan vấn đề tiết kiệm điện; cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện. EVN cũng kiến nghị sửa đổi Luật Điện lực và một số luật liên quan đầu tư; nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng tái tạo; sớm ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu… và giải quyết một số khó khăn, vướng mắc tại các dự án cụ thể.
Phải tái cấu trúc EVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực, cố gắng, kết quả mà EVN đã đạt được, góp phần quan trọng vào kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ những hạn chế cần rút kinh nghiệm như: EVN vẫn để xảy ra thiếu điện cục bộ; một số dự án nguồn điện và lưới điện tiến độ triển khai chậm; một số đảng viên, cán bộ, nhân viên của các đơn vị trong tập đoàn bị kỷ luật, xử lý…
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo và toàn thể cán bộ, người lao động EVN trên từng cương vị công tác của mình tự rà soát, đánh giá để rút ra các bài học kinh nghiệm; chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm phát huy những ưu điểm, khắc phục những khó khăn, hạn chế.
Thủ tướng yêu cầu EVN phải rà soát kỹ từng chỉ tiêu kế hoạch sản xuất - kinh doanh đề ra trong năm 2024; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Mục tiêu lớn nhất là dứt khoát không để thiếu điện cho sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Mục tiêu lớn thứ 2 là phải vận hành giá cả theo quy luật thị trường, có chính sách với đối tượng an sinh xã hội. Mục tiêu thứ 3 là phải tái cấu trúc lại tập đoàn EVN theo quy luật thị trường và phải cân đối được tài chính. Đồng thời, phải đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Về xây dựng, thực hiện các chiến lược trung và dài hạn, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở các chiến lược về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, EVN phải tập trung hoàn thiện xây dựng, thực hiện tốt chiến lược trung và dài hạn về phát triển năng lượng, chiến lược, kế hoạch phát triển điện lực phù hợp với xu thế mới. Đồng thời, EVN cần xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với những vấn đề đột xuất, bất ngờ.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của EVN, Thủ tướng nhất trí xem xét giải quyết. Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành liên quan và EVN giải quyết theo thẩm quyền và quy định pháp luật. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Cung ứng đủ than, khí cho sản xuất điện năm 2024
Nhằm bảo đảm nhiên liệu cho sản xuất điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu nhiên liệu cho phát điện, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu EVN phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Đông Bắc, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị liên quan tính toán, xác định nhu cầu, kế hoạch cung ứng đủ than, khí cho sản xuất điện năm 2024.
Thủ tướng cũng chỉ đạo EVN bảo đảm hoàn thành 190 dự án lưới điện từ 110 - 500 KV, đấu hoàn thành đường dây 500 KV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối; hoàn thành dự án thủy điện Ialy mở rộng và 2 dự án điện mặt trời Phước Thái 2, 3; khởi công các dự án thủy điện Trị An mở rộng, thủy điện tích năng Bắc Ái. Bên cạnh đó, đẩy nhanh thi công các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch I...
Bình luận (0)