Chiều cuối hạ, cơn mưa giông bất chợt trút xuống TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), phủ lên từng ngõ nhỏ một màu lạnh lẽo, âm u. Trong căn nhà nơi mặt phố, bà N.T.H đã ngoài lục tuần, vẫn đứng bán tạp hóa. Với cái chân bó bột, bà bước từng bước tập tễnh, chậm rãi lấy từng món hàng cho khách.
Mẹ con quay lưng
Có người mua hàng nhưng có người lướt qua với ánh mắt vừa thương cảm, vừa tò mò về câu chuyện của gia đình bà. Bà H. đứng đó, nét mặt trầm ngâm. Chuyện gia đình bà bao năm dày công vun đắp, gìn giữ yêu thương, giờ đây lại phải mang ra rạch ròi trước tòa án, trở thành đề tài cho thiên hạ bàn tán. Những lời đồn thổi len lỏi, xé lòng người đàn bà góa bụa.
Khi có người nhắc về chuyện mẹ con đưa nhau ra tòa chia tài sản, đôi mắt bà H. lại ươn ướt. Rồi bà đưa tay lên miệng, ra hiệu im lặng, sợ đánh thức anh B. - con trai cả đang nằm nghỉ ở căn phòng phía sau vách tiệm tạp hóa.
Bà H. ngồi im lặng một lúc, đôi bàn tay gầy guộc run rẩy khẽ đan vào nhau. Giọng bà khe khẽ như nói cho chính mình nghe: "Từ ngày chồng tôi mất, căn nhà này chẳng còn ấm áp nữa...".
Bà H. kể, giọng lạc đi. Cách đây 20 năm, anh B. cưới vợ, vợ chồng bà cho anh này căn nhà rộng tầm 29 m2 và một ki-ốt mặt tiền - nơi bà buôn bán tạp hóa bây giờ. Rồi 2 năm sau, chồng bà qua đời, người con cả cùng vợ vẫn ở đó nhưng không khí gia đình mỗi ngày một ngột ngạt. "Sống cùng nhau nhưng mà chúng chẳng coi tôi là mẹ nữa..." - bà H. nghẹn ngào.
Ban đầu, những va chạm chỉ là chuyện nhỏ nhặt, những bất đồng dễ dàng bỏ qua. Nhưng theo thời gian, chúng âm ỉ lớn dần, thành khoảng cách vô hình mà chẳng ai trong nhà muốn đối diện. Bà H. quay lại nhìn về phía vách ngăn, nơi con trai cả đang nằm nghỉ, đôi mắt xa xăm như trĩu nặng bao ký ức.
Ngày ấy, vợ chồng bà cùng nhau tảo tần sớm hôm, dốc sức nuôi 4 đứa con trai trưởng thành. Cả hai người đã vất vả biết bao để dựng lên tổ ấm, mua được mảnh đất rộng 155,8 m² trên con đường lớn ở phường Gia Hội. Căn nhà ấy là thành quả cả một đời tích góp, là nơi lưu giữ bao kỷ niệm, bao tháng ngày hạnh phúc bên những đứa con. Nhưng giờ đây, đứng giữa ngôi nhà thân thuộc, bà H. lại đau lòng đến lạ lùng.
Năm 2006, chồng bà H. qua đời, không để lại di chúc. Mẹ con bà bất đồng trong phân chia tài sản, nên bà H. khởi kiện ra tòa, yêu cầu xác định phần tài sản thuộc về mình và phần di sản của chồng trong khối tài sản chung. Bà H. mong muốn được nhận căn nhà và sẽ thanh toán lại phần giá trị tài sản cho các đồng thừa kế còn lại.
Những người con khác ngoài anh B. đều đồng ý tặng lại phần thừa kế của mình cho mẹ. Còn anh B. thì khẩn thiết: "Vợ chồng tôi cùng 3 đứa con nhỏ không đủ điều kiện để mua chỗ ở khác. Tôi muốn được ở tại nơi đang sinh sống, để tôi có thể thực hiện nghĩa vụ của con trai trưởng, giữ gìn việc thờ cúng tổ tiên".
Ngày 2-4-2024, TAND TP Huế xét xử sơ thẩm tuyên giao cho bà H. quyền sở hữu toàn bộ nhà và đất nhưng bà H. phải thanh toán cho anh B. hơn 287 triệu đồng là phần giá trị di sản mà anh này được hưởng từ người cha quá cố. Không đồng tình với phán quyết, anh B. kháng cáo nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ nào.
Tại tòa, vị chủ tọa cố gắng khuyên nhủ bà H. liệu có thể suy nghĩ lại, rút đơn để gia đình con trai cả có nơi ở ổn định. Nhưng bà H. kiên quyết lắc đầu, từ chối. Khi hòa giải bất thành, HĐXX đã tuyên y án sơ thẩm. Rời khỏi tòa, bà H. và anh B. lặng lẽ bước đi theo hai hướng ngược lại, cố tránh mặt nhau nhưng cả hai rồi vẫn sẽ quay về một ngôi nhà chung.
Chia lại căn nhà của mẹ
Ngày 23-12-2010, khi vụ tranh chấp về căn nhà tại cư xá Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TP HCM) xảy ra, ít ai ngờ rằng phải đến năm 2023, cuộc chiến pháp lý này mới khép lại. Suốt 14 năm đằng đẵng đó, 11 anh chị em trong gia đình họ chỉ còn lại vài người, người nhỏ tuổi nhất cũng ngoài 50.
Câu chuyện bắt đầu khi ông N.T.T (60 tuổi) quyết định đưa em trai út của mình, ông N.T.H (56 tuổi) ra tòa vì cho rằng ông H. đã chiếm giữ căn nhà là tài sản của mẹ để lại. Như nhiều câu chuyện gia đình khác, câu hỏi chia tài sản cũng kéo theo những tranh cãi nảy lửa và dai dẳng.
Đến năm 2016, ông H. qua đời và nghĩa vụ tiếp tục được truyền lại cho vợ và 3 người con. Trong bản tự khai ngày 29-8-2023, gia đình ông H. giãi bày rằng họ đã dành nhiều công sức xây dựng, bảo vệ căn nhà hơn 20 năm qua nên cảm thấy phần thừa kế mà họ nhận theo cách tòa án hòa giải là không xứng đáng với những gì đã bỏ ra.
Bà Nguyễn Thị T. - một người chị, cũng lên tiếng yêu cầu phần thừa kế, với lý lẽ rằng căn nhà có được nhờ tiền các anh chị em gửi từ Mỹ về để sửa chữa, nâng cấp vào năm 2000. Sau khi mẹ mất vào năm 2005, không để lại di chúc, căn nhà ấy trở thành tài sản thừa kế chung của tất cả các anh chị em.
Trải qua nhiều phiên tòa, tòa án xác nhận căn nhà là tài sản riêng của mẹ họ, được mua sau khi cha họ mất. Song việc chia căn nhà thành từng phần bằng hiện vật là điều không thể, khi các bên thừa kế không ai muốn từ bỏ quyền lợi của mình và cũng không có ai đủ khả năng chi trả cho phần còn lại của những người khác. Cuối cùng, tòa quyết định giao căn nhà cho cơ quan thi hành án bán đấu giá, để chia đều giá trị cho các bên.
Dẫu vậy, tòa cũng ghi nhận sự chăm sóc, giữ gìn căn nhà trong suốt thời gian qua của gia đình ông H. Khi vợ chồng ông là những người ở lại, tòa dành thêm cho họ một suất thừa kế trị giá 640 triệu đồng, như một cách tôn trọng công sức mà họ đã bỏ ra.
Cuối cùng, sau gần 14 năm dài đằng đẵng, hội đồng xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T., khép lại một hành trình đầy đau khổ và mệt mỏi. Nhưng cho dù thắng hay thua thì sau cuộc chiến này, những anh chị em ruột thịt trong gia đình họ đã không còn gắn bó với nhau. Thậm chí, có người dù đã phải nhắm mắt xuôi tay, vẫn mang theo mình nỗi khắc khoải về cuộc chiến phân chia tài sản.
Bình luận (0)