Cưới nhau chẳng bao lâu mà Miên đã thấy... chán chồng. Tuấn khác xa với người trước đây theo đuổi Miên một trời một vực, khiến Miên đôi khi hoang mang tự hỏi đây có đúng là người đã một thời từng thề thốt sẽ làm tất cả để Miên nở một nụ cười.
“Hồn nhiên như... cô tiên”
Tuấn có thể đứng hằng giờ trước nhà Miên, chỉ để nhìn thấy Miên lăng xăng làm gì đó trong nhà. Sau này thân thiết hơn thì Tuấn lại thay Miên làm những chuyện vặt vãnh để cô có thời gian nghỉ ngơi, học hành và ngồi chơi với anh.
Biết Miên thích một cuốn sách hay, một đĩa nhạc trữ tình nào đó là anh đi lùng bằng được đem về cho Miên. “Chỉ cần nhìn thấy em vui là anh sung sướng...”. Miên thấy mềm lòng và nhận lời cầu hôn của Tuấn, dù thật lòng chưa yêu Tuấn đến mức... phải cưới.
Nhưng đến khi về sống với nhau thì Tuấn quay ngoắt một trăm tám mươi độ. Giờ Miên mới biết mọi thứ đều được mẹ anh lo sẵn ở nhà, nhất là chuyện ăn uống. Thỉnh thoảng muốn rủ chồng ra ngoài ăn, Miên phải chủ động chọn quán, chọn món.
Đã thế, Tuấn còn lười không muốn đi. Miên lạ lùng nhìn chồng nằm ườn ra giường trong lúc cô tất bật tay năm tay mười trong nhà. Thậm chí có cái bóng đèn hư nói mãi cũng không sửa, cô đành lủi thủi tự làm lấy. Anh chàng lại còn có thói quen thay đồ ra là vứt mỗi nơi một thứ.
Vợ muốn gom giặt cũng được mà để bừa ra đấy cũng không sao... Vợ phàn nàn, Tuấn nhe răng cười hồn nhiên: “Lúc “cưa” em anh phải ráng chịu khó làm màu, làm mè, sắm cho trọn vai tuồng để cưới được vợ xinh... Còn giờ thì, đừng bắt anh làm màu nữa nghe”. Miên nghe mà sửng sốt, không biết nên khóc hay nên cười.
Ngược lại với Miên là Thúy. Chồng làm sếp ở một đơn vị liên doanh nước ngoài, có của ăn của để nên ít khi Thúy phải nhúng tay vào chuyện nhà. Ngoài thời gian đi làm, Thúy nghe theo lời mách nước của bạn bè và mấy bài “nhỏ to” trong các tạp chí phụ nữ, lo săn sóc sắc đẹp để... giữ chồng! Trong phòng riêng của vợ chồng đầy nhóc quần áo, mỹ phẩm. Cứ hễ nghe ai nói ở đâu có hàng “độc”, đồ đẹp là Thúy tới rinh về.
Chăm chút cho bản thân là vậy nhưng chuyện nội trợ thì Thúy chẳng đoái hoài. Cái bếp hiện đại, sáng choang ban đầu mỗi ngày mỗi ố bẩn và lạnh lẽo vì hiếm khi được bà chủ để mắt tới. Nồi cơm luôn bị thiu vì ít nấu và ông chủ, bà chủ lại ít ăn cơm nhà.
Quần áo Thúy chật cả tủ, nhưng của chồng thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài bộ. Bận rộn quá nên Dũng – chồng Thúy - chẳng để ý chuyện ăn mặc, nhưng khi có tiệc tùng, lễ lạc quan trọng, thấy anh cũng diện những bộ cánh bình thường, nhiều cô trong cơ quan nhìn anh ái ngại.
Bực mình, nhiều lúc Dũng cằn nhằn vợ: “Em làm đàn bà trong nhà mà chẳng biết lo thu vén gì cả...”. Thúy cãi chồng: “Em cũng đi làm như anh. Có tiền thì cứ thuê người giúp việc dọn quét để ý mọi thứ cho anh. Chứ bảo em làm phụ nữ hai giỏi là em không kham nổi đâu đấy!”.
Đến lúc đó thì Dũng cũng... bó tay. Anh nhìn những cô bạn đồng nghiệp, thậm chí là nhân viên nữ dưới quyền, dù thu nhập rất thấp nhưng mỗi chiều tan sở lại tất tả về nhà lo cho chồng con miếng cơm ngon, thu vén nhà cửa chu đáo, tinh tươm đến phát thèm mà chạnh lòng nghĩ đến cô vợ “hồn nhiên như... cô tiên” của mình.
Mái ấm lung lay
Qua mấy ngày Tết, trong bữa tụ tập bạn bè, Nguyên – một người bạn cũ-ngậm ngùi: “Vợ mình thì cái gì cũng được, nhưng có mỗi khoản quá vô tâm, chỉ biết sống cho mình mà không biết gì đến chồng hay họ hàng, kể cả họ hàng đằng ngoại. Mình là con trai trưởng, gia đình sống khuôn phép, mực thước, nên cũng cố gắng hướng cô ấy vào quỹ đạo chung mà không được. Không biết mình còn giữ cái gia đình bé mọn này đến bao lâu...”.
Ăn mãi những món quen thuộc đến nhàm mà cũng không ngon lành gì, riết rồi Dũng cũng chán, đi làm về thích ghé nhậu với bạn cho vui. Sau này có thêm thằng con trai, anh luôn giành phần đón con rồi sau đó chở con đi ăn, đi chơi trước khi về nhà.
Bà nội mỗi lúc nhìn thấy hai cha con lại ca cẩm: “Coi đó, cha làm sếp, thiếu chi tiền mà cả cha lẫn con đều nhếch nhác thấy sợ, chỉ có mẹ mày là xinh đẹp đỏm dáng”. Vài lần, bà đã kêu Thúy ra nói chuyện, bảo ban... nhưng xem ra không thành công.
Hết chịu nổi cảnh cơm hàng cháo chợ trong khi con trai còn quá nhỏ, Dũng đành thuê người giúp việc. Một người phụ nữ trung niên không nhan sắc nhưng dịu dàng và có đôi tay khéo léo, tổ chức công việc nhà chỉn chu đâu ra đó.
Mới mấy tháng mà hai cha con Dũng đã khác hẳn về hình vóc: béo tốt hơn, tươm tất hơn. Dĩ nhiên là Thúy rất vui vì chồng thường xuyên về nhà, con có người chăm sóc rất tốt. Nhưng cô không ngờ được là trái tim Dũng từ lâu không còn dành cho cô nữa.
Miên, trong một buổi cà phê cùng bạn bè, đã buột miệng: “Không biết mình có đủ sức ngoại tình không chứ sống với một người quá vô tâm như Tuấn, có ngày mình hết chịu nổi. Mà suốt ngày cứ nghĩ làm sao để thoát khỏi gia đình, thoát khỏi Tuấn, đó cũng là một hình thức ngoại tình rồi còn gì...
Làm đẹp mình trong mắt người yêu rất quan trọng. Nhưng khi đã là chồng là vợ, khi cái gọi là “làm màu” rơi xuống để sống thật với nhau, cả hai càng cần phải chăm lo cho tổ ấm, quan tâm tới họ hàng đôi bên. Người xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” cũng là vì lẽ đó. Nếu không thì chỉ vì sự đoảng vị, vô tâm, chỉ lo lấy điểm trước hôn nhân mà quên là cuộc sống chung còn kéo dài đến cả đời thì hạnh phúc khó mà ở lại lâu.
Bình luận (0)