Lần đầu tiên một cuộc hội thảo về mối liên hệ giữa BLTD và HIV/AIDS do Viện Nghiên cứu và Phát triển x∙ hội (ISDS) và Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức thu hút được mối quan tâm của nhiều cơ quan và cá nhân.
BLTD = tình dục không an toàn
Chị Tâm, một người gọi điện đến đường dây tư vấn của Trung tâm CSAGA, chia sẻ nỗi khốn khổ trong đời sống vợ chồng của mình. Chị là một nữ giám đốc thành đạt với một công ty có 50 công nhân. Tuy nhiên trong đời sống vợ chồng, chị là người yếu đuối luôn bị thiệt thòi.
Chồng chị liên tục đòi quan hệ tình dục bằng các hình thức kiểu cách kỳ quái mà chị không sao quen được. Anh ta thường xem các loại phim khiêu dâm sau đó bắt vợ thực hiện lại.
Mặc dù vậy, chị vẫn cắn răng chịu đựng và chiều chồng với hy vọng nếu không anh ta sẽ đi tìm để thỏa mãn tình dục với gái mại dâm. Tuy nhiên bất chấp cố gắng của chị, anh ta vẫn không thấy thỏa mãn với vợ và thường xuyên đi quan hệ tình dục với gái mại dâm.
Kết quả của những lần quan hệ tình dục bừa bãi ấy là anh ta bị mắc bệnh lậu. Sau đó, anh ta lại làm cho chị bị lây nhiễm bệnh này. Mỗi lần sinh hoạt vợ chồng, anh ta luôn là người áp đặt. Chị không được quyền thỏa thuận với anh ta về cách thức sử dụng các biện pháp tránh thai hay phòng chống lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục. Mỗi lần bị bệnh chị lại phải âm thầm đến cơ sở y tế chữa trị.
Tuy nhiên sau đó chị lại bị tái lây nhiễm căn bệnh này từ chồng mình. Sự việc này cứ lặp đi lặp lại đã 5 lần. Cho đến khi gọi điện đến trung tâm tư vấn chị vẫn chưa dám từ chối chồng hay đề nghị anh ta sử dụng bao cao su trong sinh hoạt vợ chồng. Chị cũng hoàn toàn không nghĩ tới nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS từ chính người chồng của mình.
Người chồng của chị đưa hẳn một cô gái từng làm việc ở nhà hàng về nhà làm vợ bé. Anh ta công khai và buộc chị phải chấp nhận điều này.
Tương tự như vậy là trường hợp của chị Thi 36 tuổi. Vợ chồng chị có hai con, một trai một gái. Mọi chuyện trở nên tồi tệ khi chồng chị bán bớt nhà đất và có nhiều tiền trong tay. Anh ta thường xuyên có quan hệ lăng nhăng với nhiều phụ nữ khác, bất chấp lời khuyên can của vợ.
Không những thế, anh ta thường hay đóng cửa đánh đập vợ. Sau đó anh ta cặp bồ với một cô gái làng chơi đã có hai con. Anh ta thường xuyên công khai đưa cô gái này về nhà. được anh ta bênh vực, cô gái này còn liên tục viết thư hăm dọa, buộc chị phải bỏ chồng để họ được tự do bên nhau.
Giai đoạn sau anh ta càng đánh đập và cưàng hiếp chị. Chị Thi mong muốn giải quyết dứt điểm chuyện gia đình nhưng chưa một lần chị nghĩ đến chuyện mình có thể bị lây nhiễm HIV/AIDS từ người chồng luôn có mối quan hệ lăng nhăng với gái làng chơi.
Bà Nguyễn Vân Anh, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trung tâm CSAGA, cho biết từ năm 1997 đến 2005, có khoảng 2.500 cuộc gọi đến đường dây tư vấn của trung tâm này có liên quan tới BLTD. Trong những năm gần đây con số này tăng lên gấp nhiều chục lần. Trong số những người gọi điện có tới hơn 30% trường hợp người gây ra BLTD là chồng hay bạn tình.
Một số phụ nữ đã lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhiều lần từ chính người chồng của mình. Ngoài ra có tới 54% phụ nữ cho biết bạn tình hay chồng của họ hoặc chính bản thân họ có quan hệ với người khác giới ngoài hôn nhân.
Những người chồng, bạn trai gây BLTD thường là những người có nhiều tình nhân, từng nhiều lần quan hệ tình dục với gái mại dâm và một số còn là đối tượng tiêm chích ma túy. Tổng kết từ các trường hợp gọi điện đến Trung tâm CSAGA, phần lớn những trường hợp xảy ra BLTD, khi quan hệ vợ chồng họ không sử dụng bao cao su.
Phòng chống BLTD là phòng chống HIV/AIDS
Theo bà Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng ISDS, qua nghiên cứu cho thấy, BLTD sẽ tạo điều kiện cho đại dịch HIV/AIDS bùng phát. Khi đã có hiện tượng BLTD, chắc chắn sẽ tồn tại quan hệ bất bình đẳng giữa vợ chồng. Thông thường người chồng sẽ đòi hỏi quan hệ tình dục bất chấp vợ mình có đồng ý hay không.
Thêm nữa người vợ không được quyền thỏa thuận thống nhất bàn bạc với chồng về việc áp dụng các biện pháp tránh thai hay phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Cùng với kết quả nghiên cứu thống kê chỉ ra rằng phần lớn những người gây BLTD là những người có quan hệ tình dục cùng lúc với nhiều người. Đặc biệt họ thường có quan hệ với nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cao là gái mại dâm. Sau khi lây nhiễm từ các đối tượng này, người chồng hoàn toàn có thể truyền bệnh sang vợ mình.
Một yếu tố nữa làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS là những người phụ nữ là nạn nhân của BLTD thường không có khả năng công khai tình trạng HIV dương tính. Thông thường họ là nạn nhân BLTD, đồng thời họ là người thua thiệt trong quan hệ bất bình đẳng với chồng hay bạn tình.
Chính vì vậy họ không dám công khai tình trạng HIV cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác do sợ tiếp tục bị bạo lực về thể chất, BLTD. Đương nhiên tình trạng không công khai này càng tạo điều kiện để nạn dịch HIV/AIDS bùng phát.
Nhận thức được mối liên hệ giữa BLTD và HIV/AIDS, tất cả những người tham gia hội thảo đều đi đến một kết luận phòng chống BLTD là góp phần phòng chống nạn dịch HIV/AIDS. CSAGA và ISDS cùng giới thiệu một dự án sẽ được thực hiện trong thời gian tới nhằm nghiên cứu sâu hơn vấn đề này đồng thời đưa ra những giải pháp hữu hiệu.
Với sự tài trợ của Action Aid, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2007 đến 2009. Mục đích của dự án nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về mối liên hệ giữa BLTD và nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS đối với phụ nữ, góp phần bỏ nạn bạo hành chống lại phụ nữ và giảm lây nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam.
Bình luận (0)