Nghe đến đây, khá nhiều chị vợ chợt thốt lên: “Ủa, giống chồng tôi quá vậy. Chồng tôi cũng tối ngày im ỉm, cứ thấy suy nghĩ mà chẳng biết nghĩ gì. Toàn làm những điều có hại cho sức khỏe, tỉ như uống bia, hút thuốc, thức khuya, cá độ...”. Về mặt sinh học, chồng mấy chị nọ vẫn bình thường. Nhưng về mặt “gia đình học” thì chẩn đoán của “bác sĩ” vợ hoàn toàn chính xác: mấy ông chồng ấy bị tự kỷ! Không phải sao? Đi thì thôi, về tới nhà là chôn xác mất hồn vào cái TV với những giải bóng đá V-league, Champion league, đua xe...
Vợ thấy chồng mặt mày xa vắng thì lo, nhưng hễ đến gần, mới hỏi thăm tới câu thứ hai là nghe làu bàu: “Việc cơ quan, biết gì mà hỏi, lắm chuyện”. Thường trực nhất là vẻ đăm chiêu trông khá trí thức: đăm chiêu từ lúc bước qua cổng, vào tới trong nhà, đăm chiêu ở phòng ăn, vô luôn phòng ngủ. Vì vậy nên trong mọi sự, vợ phải lãnh đủ “chương trình khuyến mãi”: các con học ở đâu, ốm đau thế nào, cô giáo mắng vốn như cơm bữa, đèn hư, ống nước bể, thu chi trong ngoài, cha mẹ đôi bên nhức đầu sổ mũi ra sao, người giúp việc “quậy”… ông chồng không bao giờ biết đến những việc ấy bởi cho rằng “đó là việc nhà, việc của đàn bà”. Bà vợ mà mon men bàn với chồng là bị chỉnh ngay: “Đàn bà có tí tẹo việc nhà thì phải lo cho đàng hoàng chứ, để tôi còn rảnh rang lo việc lớn, biết chưa”!
Người viết, cũng đã là vợ nên rất nhạy cảm với “luận cứ vĩ mô” kiểu ấy; có lần không kìm được, đã chất vấn một ông chồng tự kỷ - kiêm một quan chức nho nhỏ - rằng: “Anh nói việc nhà không đáng để anh lo, vợ phải tự chu toàn để anh còn lo việc nước, vậy xin anh chỉ giúp cho một nước (quốc gia) mà không có một nhà (gia đình) nào đi! Việc của một nhà (một gia đình) anh không chịu lo, mà anh đòi lo việc nước (việc của rất nhiều nhà), thì ai mà tin rằng anh có thể lo tròn được. Xạo ớn!”. Nghe xong câu hỏi đó, mặt ổng hiện lên đủ… bảy sắc cầu vồng! Người lo việc nước mà giải đáp không xong câu hỏi của người lo việc nhà thì… ẹ quá.
Ông chồng ấy vẫn còn khá, chưa bệnh nặng đâu, có những người khác… tự kỷ nặng hơn nhiều: suốt ngày bóp trán, đắm đuối vào màn hình vi tính, vẻ mặt rất uyên thâm bí hiểm, dáng ngồi giống y bức tượng bất hủ “Người suy tư” ở bảo tàng mỹ thuật Ý. Vợ thấy thế, không dám quấy rầy, mới bèn lặng lẽ đi vòng sau lưng chồng mà chồng cũng không hề hay biết, vì đã thăng mất tiêu theo màn hình vi tính rồi.
Chừng ngó được vào màn hình thì vợ mới tức cành hông: ổng đang “luyện” game, chứ không hề suy tư suy tiếc gì về việc quốc gia đại sự cả. Có khi một - hai giờ sáng, màn hình vi tính vẫn lấp la lấp lánh sáng; “thăng” theo game riết, nhìn mặt chồng như người bị tự kỷ giai đoạn nặng: mông lung đờ đẫn, lãng đãng mất hồn. Và chẳng lạ gì cảnh “gần mực thì đen”: con cái thấy ba thức khuya cũng dựa hơi ba thức khuya luôn, bất chấp lệnh “giới nghiêm” của mẹ. Chúng cũng “luyện” game, cũng xem TV muộn, mà TV giờ đó lại toàn là phim… không dành cho trẻ dưới 18 tuổi. Để rồi sáng hôm sau, cả cha lẫn con đi học đi làm trong tình trạng... bèo nhèo trọn gói.
Mà ngộ, lúc còn hẹn hò, mấy chị thấy người yêu mình đâu có… kỳ cục dữ vậy. Mãi khi theo chàng về dinh rồi, mấy chị mới tá hỏa vì thấy chồng mình tự kỷ nặng quá. Nhưng ghê rợn nhất vẫn là “triệu chứng” lúc nào cũng cho rằng mình đúng, mình tài giỏi, còn vợ chỉ là thứ đàn bà cạn nghĩ, ngu khờ (!?).
Nói cho công bằng, trước khi cưới, chị em cũng có thấy sơ sơ những nét là lạ, chỉ có điều vì còn đang trong giai đoạn “con tim mù lòa” nên nhiều chị cho rằng những “nét lạ” ấy dễ thương. Và dù có thấy những thói xấu, thì chị nào cũng “lầm chết” ở chỗ luôn ngỡ rằng: “Anh ấy bảo yêu mình hơn mạng sống, thì chuyện thay đổi những thói xấu của ảnh chỉ là chuyện nhỏ”.
Mấy bạn gái tuổi 18 đôi mươi hay mộng mơ kiểu ấy lắm, thôi thì không trách. Có những chị đã U40 rồi mà khi bước vào hôn nhân vẫn sống trên mây như thế mới lắm chuyện… rầu. Để rồi từ “ngỡ rằng” rớt bịch xuống “ngỡ ngàng”, ảnh nói vậy mà không phải vậy: vừa cưới xong, độ chừng vài cái trăng là chồng đã “lộ hàng nóng”: những hành vi “xấu lạ” cứ lặp đi lặp lại ngày càng trầm trọng, vợ đừng hòng sửa được. Chỉ còn biết làm bà “bán than”: ôi, chồng em… tự kỷ! Và, cố mà sống chung với “lũ” tới lúc nào hay lúc ấy.
Chuyên viên tư vấn Trần Thị Hồng Hà - Trung tâm tư vấn Tình yêu – hôn nhân – gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cho biết: Với những anh chồng “tự kỷ”, các bà vợ phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao các ông lại cứ thích “thăng” vào thế giới của riêng mình, phải chăng vì chồng thiếu tự tin do thấy thua kém vợ; hoặc giả vì sao mấy ảnh luôn thiếu thiện chí, chẳng muốn giao lưu với vợ, hay vì sao mấy ảnh “chuyện nhà thì nhác, chuyện chú bác thì nhanh”…
Khi đã chẩn đoán đúng nguyên nhân gây nên “bệnh tự kỷ” của chồng thì việc chữa bệnh sẽ không khó. Ví dụ, với những anh chồng lười nhác, vô trách nhiệm, vợ cần có sự thỏa thuận, chia việc rõ ràng, kiên quyết không làm thay… Phải để chồng cảm nhận được trách nhiệm của mình, và chỉ rõ nếu không làm, thì sẽ ảnh hưởng ra sao đến gia đình.
Hay với anh chồng suốt ngày lên mạng, có phải vì trong đời thường anh không tự tin lắm nên muốn khẳng định mình ở thế giới ảo. Thiếu tự tin có phải vì anh thua sút vợ hay còn vì lý do nào khác? Khi đó, nhiệm vụ của các chị là động viên chồng, tìm ra cái tốt của chồng, dần dần làm cho anh ấy hiểu rằng, điều quan trọng nhất là gia đình luôn tin tưởng, thương yêu và cần anh…
Chú ý là các phương pháp điều trị sẽ vô hiệu, nếu như các bà vợ nói nhiều. Đặc biệt là dù nguyên nhân nào đưa đến bệnh tự kỷ của chồng, người vợ cũng phải bình tĩnh, không phê phán, trách móc mà phải nói và làm theo hướng tích cực, lôi cuốn họ trở lại hòa đồng với cuộc sống gia đình. Bởi nếu không, họ sẽ tiếp tục thu mình vào vỏ ốc mà bỏ quên chuyện chăm sóc gia đình, vợ con. Khi đó, bệnh càng trầm trọng.
Nga Thanh (ghi)
|
Bình luận (0)