Cô sống cách nhà tôi vài căn, lấy chồng từ khi vừa chớm lớn. Sau khi sinh đứa con trai, chồng cô bỏ nhà ra đi vì nghèo. Mỗi trưa, người ta nghe khấp khểnh tiếng ru của một người đàn bà bỗng nhiên cô đơn. Những tưởng đời mặn đắng khiến lòng cô chát chúa; trái lại, cô rất nhún nhường nhẫn nhịn cuộc đời. Đến khi thằng con nên dáng nên hình, làm ra chút đỉnh tiền, nhìn thấy mẹ nó bị người đời coi khinh, nó muốn lao vào ăn thua đủ. Cô khoát tay, ghì cơn nóng bừng bừng của thằng con lại, bảo rằng người ta có tiền thì có quyền. Nó tức mình, giận liền mấy ngày. Lẽ nào nghèo là tội? Vì nghèo mà mẹ nó bị đời bỏ cút côi?
Bà năm nay gần 80, dẫu không phải đến nỗi bắt con cái cung phụng nhưng cái chân bị gãy khiến bà chỉ quẩn quanh trong nhà. Lấy chồng lúc nhỏ, theo ý của song thân và sinh một bầy nheo nhóc. Mấy chục năm trời, bà không biết mặt mũi khu vui chơi là gì, đến cả siêu thị cũng không. Mỗi lần ở quê ra thăm cháu, bà đều tạt đầu chợ mua thứ bánh nướng thơm giòn cho chúng - một thứ xa xỉ với người “ki bo” như bà. Rồi chồng bất thần lìa đời. Nhiều người rỉ tai nhau rằng bà sẽ sống thoải mái hơn vì ông chồng gia trưởng không thể cấm cản điều gì. Thế nhưng, đời mà, ai đâu lần ra chữ ngờ. Bà mất chồng chưa tròn năm thì gãy chân. Thế đó, bà lại chỉ ra ra vào vào với chiếc xe đẩy. Con cái gần chục đứa, có đứa đi làm ăn xa, có đứa cận kề song một năm được bao bận chúng nó sang thăm.
Xa nhau dù lý do gì đi nữa thì chắc cũng vì chúng ta đã sống trọn vẹn với nhau.
Cứ mỗi lần nhìn thấy những chò nâu giã mùa, nỗi xót xa lại quặn thắt. Dẫu sinh trưởng trong gia đình khá giả song với đôi chân chẳng bao giờ chịu nghe lời, cô nào dám nghĩ chuyện rất đỗi thường tình: lấy chồng sinh con. Rồi cô cũng có chồng như người ta song yêu thương kia cứ thiếu trước hụt sau. Mọi thứ trong nhà đều do cô gánh gồng, một nửa của cô chỉ biết khư khư ủ ấm. Người ngoài chê trách, cha mẹ xót con nhưng chậu đã có hoa, ván đã đóng thuyền. Một khi con người ta chấp nhận sự an bày của số phận thì dẫu cho mọi người xung quanh cố gắng giúp đỡ cách mấy đi nữa, sự việc cũng không thể được giải quyết. Sự cam chịu số phận bào mòn khả năng tự vệ, ý muốn mong mỏi một cuộc sống khác vui vẻ và thoải mái hơn của con người. Dựng chiếc xe đạp trước nhà, chị khệ nệ ôm vác phần hàng hóa chưa bán hết của ngày hôm nay vào bên trong. Vừa quệt mồ hôi lăn dài xuống má, chị vừa nhoẻn miệng cười thật hiền.
Liệu ông trời có công bằng hay không? Mấy nay tôi cứ mãi kiếm tìm lời đáp cho câu hỏi ấy. Thế nhưng chẳng hiểu sao tôi chẳng thể nào có được câu trả lời vừa lòng hả dạ. Em cứ đi ngang tôi, lúc thì im ỉm lúc thì cười cười nói nói như hồi trước khi vợ mất mà sao se sắt thế. Cả hai còn trẻ lắm, hãy còn say đắm trong hạnh phúc vì cưới nhau chỉ tròm trèm năm. Ngày định mệnh! Tôi biết tin vợ em mất trong một tai nạn giao thông mà rụng rời. Tôi nhớ hoài câu của em hỏi ông anh tựa hồ trách cứ trời đất rằng vợ chồng em sống đâu có bạc với đời. Hôm tiễn vợ, em nói với mọi người rằng vợ em không ở đâu xa, chỉ nằm ngoài mảnh ruộng trước nhà thôi. Giờ thì tôi tin lắm vào chữ duyên, duyên gặp gỡ và duyên xa cách. Xa nhau dù lý do gì đi nữa thì chắc cũng vì chúng ta đã sống trọn vẹn với nhau. Không nhất thiết phải nắm mãi bàn tay kia, miết mãi từng ngón tay vì có lúc cũng phải buông. Chỉ cần lòng ta có nhau và tuổi nào cũng cần một tình yêu rực rỡ!
Bình luận (0)